Thăm thẳm triền đê

09:04, 10/04/2020

Cuối xuân đầu hạ, gió mát mơn man chạy dọc dài khắp các cánh đồng, đánh lao xao ruộng ngô xanh thẫm đang thời kỳ trổ bắp. Gió hòa lẫn tiếng cười sau những vành nón nhấp nhô. Trên đê, gió vút vi lùa đám cỏ may dạt về một phía. Những ngày này, con đê làng trở nên hút mắt, níu chân người đi xa về gần.

Đê làng tôi, sau bao biến thiên vẫn chỉ là một con đê đắp  bằng đất; hai bên sườn đê bốn mùa xanh màu cỏ. Mùa xuân, từng đám chua me chen lẫn với cỏ trổ hoa tím biếc. Mùa hè, mướt mát đám cỏ mật chen nhau ken dày, thơm ngai ngái nhựa nồng. Mùa thu, xao xác một trời đầy cỏ may vấn vít. Người đi xa lâu ngày bước lên mặt đê còn cố tình quết ngang ống quần quanh đám cây ấy; để lúc nào rỗi, ngồi nhặt từng nụ hoa đâm vào vải; rồi nước mắt cứ thế bất chợt lăn nóng hổi… Lần này về quê, chả biết bao lâu nữa mới gặp lại; rồi về đến làng, ai còn ai mất. Rồi, lỡ mai này con đê bị người ta bê tông thì sao. Rồi thì, mai này chỉ mong lá rụng về cội... Cũng con đê ấy, mùa đông xác xơ gầy, trơ ra đến tận đất. Vậy mà chỉ cần đám mưa xuân bay vài ngày, cũng con đê ấy, biến hình trong chốc lát. 

Đê làng tôi bao bọc lấy những ngôi nhà quanh năm xỉn màu ngói nâu. Chiều chiều từ trong làng dội lại mặt đê bao tiếng cười đùa con trẻ. Đê làng thương nhớ những mùa trăng ngập ngừng thả sáng xuống mặt sông. Cũng từ đê làng ấy, vào mùa trăng bao đôi trai gái hò hẹn, yêu đương kết đôi lứa. Ngày đám cưới đi qua đê, mặt đê reo hò tiếng người cười nói xôn xao. Ngày cả làng mở hội, từ mặt đê rầm rập tiếng trống dồn. Cũng từ đê làng này, mẹ tiễn cha rồi anh đi bộ đội. Nước mắt vắn dài, lời hò hẹn ngày về thì thầm chạy dọc suốt đê. Trưa hè nóng rẫy, lũ trẻ nghèo bày trò lao từ mặt đê đánh tõm xuống nước. Chiều tà, chúng nghễu nghện rong trâu về làng. Từ trong làng, bà nội đứng ngóng bóng lưng lừng lững của những chú trâu được ngày no cỏ cõng thằng cháu đích tôn về nhà. 

Mê nhất đối với lũ trẻ chúng tôi là cánh đồng bãi ngay dưới chân đê. Quanh năm ngày tháng, cả cánh đồng xanh mướt, tươi tốt. Hồi đó, tôi còn nghĩ, không biết bờ bãi này đến đâu là hết; nếu đi dọc cánh bãi này sẽ mất bao lâu. Mùa nào thức ấy, đó là “kho” cứu trợ khẩn cấp của lũ trẻ chúng tôi mỗi ngày ra đồng chăn trâu. Ngày một buổi đi học, thời gian còn lại là ở với đồng bãi; dù có thả trâu ở đâu thì cuối ngày chúng tôi vẫn dồn về đê để cho trâu tắm sông. Bến trên lũ trâu quẫy đạp, bến dưới chúng tôi xì xụp ngụp lội; ngụp lội chán thì mò lên bãi đào trộm khoai nướng. Mùa ngô, thể nào những vạt gần bờ sông cũng mất mát đôi chút. Cần vài cái roi để chơi trò hoặc lùa trâu, lũ trẻ chúng tôi nhảy bừa vào ruộng dâu, bẻ nghiến vài cành. Khi cả làng đang hối hả gặt hái để kịp còn nhổ lạc, trẻ trâu bọn tôi đã được ăn từ lâu. Chẳng cần luộc, rửa sơ qua, thậm chí chỉ cần giũ cho hết lớp đất bám ngoài củ non rồi “tống” luôn vào mồm nhai ngấu nghiến. Gặt xong, cả làng nháo nhào đổ ra bãi thu hoạch cây màu. Từ trên đê, từng đoàn xe thồ nối đuôi nhau về làng. Anh cả tôi, người chỉ nhỉnh hơn yên xe một chút cong người kéo xe đổ dốc; phía sau tiếng mẹ hò hét, cẩn thận, lái vào giữa đường, đừng để xe chạy về rìa đường. “Ôi thôi, đổ xuống ruộng hết rồi(!)”. Tiếng mẹ thất thanh, cả anh và xe lạc cùng lúc lao gập đầu xuống nước. Mấy chục mùa lạc sau, anh tôi vẫn kể về lần lao dốc cho lạc “ăn bùn” ngày đó. 

Đê làng tôi cong cong, gầy gầy, bên trái ôm ấp xóm làng, bên phải chở che đồng bãi. Có năm lụt lội, nước tràn ngọn dâu, mấp mé liếm láp mặt đê; người trong làng lòng như trống hội, đổ đoàn ra đắp đập be đê. Có đoạn, nước đánh bần bật, loang lổ đất rơi. Oằn mình đê làng chống bão. Thương người quê nghèo khó, từng tấc đất sừng sững ngăn nước. Mùa lũ qua, lũ lượt đàn trâu kéo đất đắp đê, người người trồng thêm cỏ. Bao mùa nắng mưa, chưa khi nào người làng thôi nhớ những năm đắp đê. Cũng đã bao mùa mưa nắng, tôi xa làng, xa cái đê dài tít tắp. Giờ đây, tóc bạc hoa râm, tôi đã có câu trả lời cho những ngày thơ, con đê này, đồng bãi này dài đến đâu, đi mất bao lâu thì hết. Nhưng tôi sẽ vẫn kể cho con nghe, con đê này, đồng bãi này dài rộng lắm. Y như một miền ký ức thăm thẳm của tôi./.

Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com