Sức lan tỏa của phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Giao Thủy

06:04, 10/04/2020

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Giao Thủy đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 53.175/60.795 hộ được công nhận “Gia đình văn hoá”, đạt tỷ lệ 87,5%. Việc thực hiện và không ngừng nâng cao chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa” đã tác động tích cực tới nhiều lĩnh vực của đời sống cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Gia đình ông Bùi Văn Khanh, xóm 17, xã Giao Long là gia đình văn hóa tiêu biểu có nhiều đóng góp trong các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế ở địa phương.
Gia đình ông Bùi Văn Khanh, xóm 17, xã Giao Long là gia đình văn hóa tiêu biểu có nhiều đóng góp trong các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế ở địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Giao Thủy đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” với các hình thức phong phú, thiết thực. Trong đó chú trọng tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; đồng thời vận động các tầng lớp nhân dân giữ gìn, kế thừa và phát huy giá trị văn hoá của gia đình truyền thống, tiếp nhận những giá trị văn hóa trong xã hội hiện đại; kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh mâu thuẫn trong mỗi gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội tác động đến gia đình, góp phần xây dựng gia đình nông thôn mới “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Việc tổ chức các ngày kỷ niệm như: Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3); Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11) được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn huyện. Hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động thực hiện xây dựng gia đình văn hóa cho đội ngũ cán bộ văn hóa và trưởng Ban công tác Mặt trận cơ sở. Nhiều phong trào, mô hình hoạt động của đoàn thể các cấp được xây dựng và nhân rộng, tiêu biểu như: “Gia đình nông dân văn hoá” của Hội Nông dân; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội Phụ nữ; “Gia đình cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh; “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” của Hội Người cao tuổi… Nhờ vậy, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đã có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình. Năm 2019, UBND các xã, thị trấn trong huyện đã khen thưởng cho 989 gia đình văn hóa tiêu biểu có nhiều đóng góp trong các hoạt động nhân đạo - từ thiện, khuyến học - khuyến tài, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, giảm nghèo, giúp nhau làm giàu chính đáng. Nhiều xã có tỷ lệ gia đình văn hóa cao như: Giao Hà, Giao Hải, Giao Long, Giao Phong, Giao Xuân, Hoành Sơn, Bình Hòa, Giao Yến, Giao Thiện, thị trấn Quất Lâm…

Xã Giao Long là địa phương ven biển có 2.625 hộ, 9.115 nhân khẩu sinh sống ở 22 xóm. Trong phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, xã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các ngành, đoàn thể phụ trách cơ sở với phương châm “lấy xóm làm địa bàn, gia đình là hạt nhân” để triển khai thực hiện. Hàng năm, xã tổ chức từ 8-10 đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc, giáo dục trẻ em; thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Các gia đình chỉnh trang khuôn viên nhà ở, nâng cấp công trình vệ sinh, sử dụng nước sạch, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh trong và ngoài khuôn viên nhà ở đảm bảo sạch nhà riêng, sạch ngõ chung, góp phần nâng cao đời sống và sức khỏe cho các thành viên. Toàn xã hiện có 2.573/2.741 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, đạt tỷ lệ 93,9%; 19/22 xóm được công nhận danh hiệu “Xóm văn hóa”. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều gia đình văn hóa có nhiều đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi và ủng hộ các hoạt động xã hội ở địa phương như: Gia đình văn hóa cấp tỉnh ông Trần Duy Nhạ (xóm 2); gia đình văn hóa cấp huyện ông Bùi Văn Khanh (xóm 17), Trần Văn Quyết (xóm 3)… Ở xã Hoành Sơn, từ lâu, việc xây dựng, gìn giữ nét đẹp văn hoá trong giao tiếp, ứng xử đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của từng gia đình. Người dân luôn tự giác, ý thức được vai trò, trách nhiệm bản thân trong xây dựng nếp sống văn minh, thay đổi hủ tục. Hàng năm, xã đưa việc thực hiện cuộc vận động “Làm cỗ đủ ăn, không làm cỗ chia phần và ăn cỗ lấy phần” trong việc hiếu, việc hỉ và mừng thọ vào tiêu chí để bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Với quy trình tổ chức thực hiện chặt chẽ, có sự đồng thuận và gương mẫu thực hiện của cán bộ, đảng viên nên cuộc vận động đã hình thành được những chuẩn mực văn hóa mới giữa con người với gia đình, gia đình với xã hội, gắn kết “tình làng, nghĩa xóm”. Ở xã Giao Xuân, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” là tiền đề để các mô hình: “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải”, “Tuyến đường hoa kiểu mẫu”; phong trào “Ngày chủ nhật xanh” tiếp tục được nhân rộng, phát triển, tạo cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp. Hàng năm tỷ lệ “Gia đình văn hóa” ở xã luôn đạt từ 80-85%; trong đó, tỷ lệ “Gia đình văn hoá” 3 năm liên tục đạt hơn 60%, tỷ lệ “Gia đình văn hoá” 5 năm liên tục đạt gần 30%. Nhiều xóm có tỷ lệ “Gia đình văn hóa” cao như các xóm: Xuân Tiến, Xuân Thắng, Xuân Phong, Xuân Thọ. Là địa phương không có ngành nghề truyền thống, các gia đình văn hóa ở xã Giao Xuân luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau từng bước phát triển kinh tế, đa dạng hoá các ngành nghề. Nhiều ngành nghề mới được hình thành như: sửa chữa điện tử, cơ khí, vận tải, mộc, nề, gò, hàn… Phát huy thế mạnh nghề mũi nhọn là nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản, hiện 2/3 dân số của xã gắn bó với nghề đánh bắt, nuôi thả ngao giống, ngao thương phẩm. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều “gia đình văn hoá” phát triển kinh tế giỏi như hộ các ông: Trần Văn Hoà, Phạm Văn Thực, Phạm Văn Bình (xóm Thị Tứ), Nguyễn Văn Phê (xóm Xuân Hùng)…

Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” ở Giao Thủy đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nâng cao ý thức tự quản, gắn kết cộng đồng, tăng cường tình làng nghĩa xóm, tình thương trách nhiệm, chống các biểu hiện tiêu cực trong xã hội, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau phát triển kinh tế hộ, giảm nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,79%; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm; 100% các gia đình có công với nước có mức sống đạt và cao hơn mức sống trung bình trên địa bàn; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 9,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,06%. Năm 2019, toàn huyện có 4.700 lao động mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo 57,5%. Để nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục động viên, khen thưởng những điển hình văn hóa, xây dựng các mô hình khu dân cư văn hóa kiểu mẫu để phong trào có sức lan toả sâu rộng trong xã hội. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ; vận động nhân dân tham gia đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình công cộng. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com