Tiến sĩ Phương Hồng Điểu: Những vần thơ "chống dịch"

08:04, 10/04/2020

Tiến sĩ Trần Phương Hồng Điểu (SN 1978) tại thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định hiện là giảng viên Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Khi đất nước đang bước vào trận dịch chiến covid - 19, một trận chiến không tiếng súng, chỉ có tiếng của lương tri, của lòng nhân, lòng trắc ẩn trong mỗi con người, là người cầm bút, chị nhận thức rõ mỗi người dân phải là một chiến sĩ trên pháo đài chống dịch, và thơ văn là một vũ khí sắc bén trên lĩnh vực tinh thần, cổ vũ, khơi gợi tinh thần toàn dân đoàn kết, đồng lòng cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh.

Những vần thơ của chị mang hơi thở cuộc sống; là “nhật ký chống dịch” COVID-19 của đất nước; là tiếng lòng của bao người dân Việt Nam. Ta bắt gặp trong thơ chị sự cảm động, tri ân trước tình cảm của một Chính phủ thực sự vì dân, các nhà lãnh đạo trắng đêm lên phương án chống dịch với những quyết sách khẩn trương, chính xác “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để “bảo đảm sức khoẻ, tính mạng của người dân là mục tiêu tối thượng”, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Thơ của chị đánh thức lòng trắc ẩn ở mỗi người, nghẹn lòng trước những tấm lòng nghĩa hiệp, hy sinh lợi ích riêng tư vì lợi ích của dân tộc. Ta xúc động với hình ảnh người nông dân còn chịu bao khó khăn vì hạn mặn, nông sản tồn dư… nhưng sẵn sàng trao tặng thóc gạo, sức của, sức người chung tay chống dịch; những chiến sĩ nhường chỗ ở cho nhân dân, bản thân ngủ đất, ngủ rừng chịu bao thiếu thốn nhưng vẫn chăm lo cho nhân dân chu đáo; là hình ảnh bác sĩ trắng đêm, quên hạnh phúc riêng để chăm sóc sức khoẻ nhân dân; là những chiến sĩ công an thầm lặng đêm ngày khoanh vùng, cách ly để dịch bệnh không lan rộng; những người thầy đêm trắng miệt mài trăn trở, suy tư từng bài giảng để truyền lửa cho bao thế hệ học trò thấu lịch sử và truyền thống cha ông, biết trân trọng giá trị, hiểu ý nghĩa làm người, có thái độ đúng và trách nhiệm với đất nước; là Mẹ Việt Nam Anh hùng 95 tuổi đã chịu bao hy sinh khổ cực, bị tra tấn trong song sắt nhà tù Côn Đảo nhưng vẫn miệt mài đêm ngày may khẩu trang tặng cho nhân dân; là những đóng góp lớn lao của những tỷ phú có tâm, có tầm khi đất nước gặp nguy nan…

Thơ của chị là tiếng nói phê phán với những con người có những suy nghĩ thiển cận, nông cạn, lệch lạc đòi hỏi những thứ vô lý khi đất nước đang gặp khó khăn, người người quên mình chống dịch, góp phần định hướng lại giá trị, chuẩn mực lối sống cho bao người dân Việt.

Thơ của chị là lòng tự hào về truyền thống cha ông, tinh thần tự tôn dân tộc. Một dân tộc luôn lấy “nghĩa đồng bào”, lấy nhân tính làm giá trị sống. Tổ quốc giang rộng vòng tay, sang tận tâm dịch đón bao người con xa quê muốn về để “chạy chữa, chở che” dẫu cho không ít người con vẫn còn bao “lầm lỡ”,  nhưng Tổ quốc luôn là “Đất mẹ”, “là nhà”, là “bến đậu”, là nơi mỗi người con đi để được trở về. 

Ta còn bắt gặp trong thơ của chị lời kêu gọi “chống dịch toàn dân”, người người, nhà nhà tuân thủ các nguyên tắc mà Chính phủ đề ra “ai ở đâu yên ở đó”, là đeo khẩu trang, là rửa tay đúng cách,… Chị kêu gọi mỗi người là một chiến sĩ, mỗi cơ quan, tỉnh, thành là một pháo đài chống dịch, ai có gì giúp nấy khi đất nước nguy nan. 

Thơ của chị có niềm tin sắt đá vào sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc, đó là gốc giá trị, là truyền thống bao đời cha ông gây dựng, giữ gìn, truyền lại cho con cháu, để khi đất nước gặp nguy nan tinh thần ấy lại như ngọn đuốc sáng bừng dân tộc Việt. Đó là niềm tin một ngày hết dịch, đất nước lại vang khúc khải hoàn, khắp dải đất hình chữ S lại “vang tiếng trẻ tới trường”, lại thấy niềm vui của “công nhân, nông dân hăng say sản xuất”, thấy nụ cười hiền lành ánh niềm vui trong mắt của mẹ, thấy lá cờ đỏ sao vàng lại tung bay trên “bầu trời Việt Nam xanh thắm”, đó là lá cờ của độc lập chủ quyền, là bầu trời của tự do, hạnh phúc, đó là màu xanh của “nghĩa cử đồng bào” được “nảy mầm từ gian khó”, được “lớn lên bởi dưỡng chất kiên cường”, có mạch sống là “trí tuệ, bao dung”, đó là cội rễ Tổ tiên để lại mà con cháu Lạc Hồng tiếp nối cha ông gìn giữ trong suốt chiều dài bốn nghìn năm lịch sử. Yêu và tự hào hai chữ: Việt Nam!

Ban Biên Tập 

Tranh cổ động của Lưu Yên Thế.
Tranh cổ động của Lưu Yên Thế.


Đôi mắt tháng Ba
(Kính tặng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam)

Có đôi mắt nào day dứt mãi trong ta
Ám ảnh tháng ba trải dài đêm Hà Nội
Đôi mắt có một chiều sâu vời vợi
Của một tấm lòng vì nước, thương dân…

Hà Nội ơi…! tháng ba đẹp vô ngần
Đôi mắt mọng, thâm... chứa tình yêu vô tận
Đêm trắng lo âu in mình trong đáy mắt
Thao thức nhìn thấu tỏ nỗi lòng dân…

Truyền thống cha ông chống giặc nghìn năm
Truyền sức mạnh cả nước cùng chống dịch
Không ra trận, cần ngồi yên tĩnh mịch
Cả nước đồng lòng, dịch sẽ ắt lùi xa…

Phó Thủ tướng nói rằng: - Sức mạnh ở trong ta
Toàn Đảng, dân, quân cùng chung ý chí
“Ta làm lại từ đầu”- suốt ngày đêm không nghỉ
Một Việt Nam hùng cường, dịch bệnh ắt rời xa...

Có đôi mắt nào thao thức suốt tháng ba
Hơn 90 triệu dân in hình trong đáy mắt
Có chút gì vương trên môi mằn mặn
Khi nghĩ về đôi mắt... chẳng ngủ yên…!

Tổ quốc gọi rồi ta hãy hành động mau!

 

TỔ QUỐC gọi rồi...! Ta có nghe rõ không?
Đất nước đã bước vào trận dịch chiến
Súng, đạn, mìn, bom trong chiến tranh đều im tiếng
Nay chỉ còn tiếng gào thét của lương tri...

Tổ quốc gọi tên rồi...! Ta cùng hành động đi
Trong chiến tranh bao người nằm lại mãi
Để trận dịch này “không ai bị bỏ lại”
Ta đồng lòng: “chống dịch toàn dân”

Mỗi một con người là một chiến binh
Từ thành thị, nông thôn, biên cương, hải đảo
Sức của, sức người, bạc tiền, thóc gạo
Ai có gì giúp nấy khi Tổ quốc nguy nan...

Ta có nghe tiếng năm châu khóc than
Người người chết ra đi trong cô độc?
Máu, nước mắt rơi quá nhiều trong chiến tranh để lấy về độc lập
Việt Nam ơi! trận chiến dịch này đừng để xác ai rơi...!

Hãy hành động theo mệnh lệnh Tổ quốc gọi đi thôi:
- Toàn dân đồng lòng ai ở đâu yên đó
Sát khuẩn, đeo khẩu trang ta cùng nhắc nhở
Dịch vụ đóng cửa hàng, khai báo y tế khẩn trương…!

Mỗi người dân là một dũng sĩ nơi chiến trường
Mỗi cơ quan, tỉnh, thành... là một pháo đài chống dịch
Chiến tranh quyết tâm phải thắng không thua địch
Trận dịch này phải CÒN không được mất một ai!

Bao nước mắt rơi trong những đêm dài
Nghe người nhiễm cứ tăng lên từng phút
Hỡi những ai ngoài kia còn chưa ý thức
Hãy vì cộng đồng mà đừng trốn cách ly...!

Hãy thức tỉnh lương tri, cùng sống chậm lại đi!
Cùng nhìn lại để thấy chân giá trị
Tình người, ý chí kia mới là vũ khí
Ta sống chậm ít ngày, tích năng lượng bước nhanh...!

Chẳng tụ tập đông vui, ít mua sắm, họp hành
Ý chí quyết tâm đồng lòng cùng Chính phủ
Đẩy dịch qua đi, đưa bình yên về giấc ngủ
Vang tiếng trẻ tới trường khúc khích ánh bình minh...!

Trời Việt Nam lại xanh thắm sắc hoà bình
Mắt công, nông ánh niềm vui hăng say sản xuất
Mẹ lại cười hiền với áo nâu, chân đất
Việt Nam rồi lại sánh bước năm châu!

Tổ quốc gọi rồi...! Ta hãy hành động mau!
Ôi Tổ quốc...! Trái tim đang rớm máu
Nỗi đau này người người ơi có thấu
Vì TỔ QUỐC là nhà - ta hãy nắm tay nhau
Hãy hành động...! Đuổi Covid đi mau!

Khi ngồi yên cũng là yêu nước

Hưởng ứng phong trào: Ai ở đâu, yên đó
Khi Tổ quốc chỉ cần ta “ngồi yên”
Đã thể hiện được tinh thần yêu nước
Bởi đêm ngày biết bao người xuôi ngược
Chống dịch âm thầm giữ hạnh phúc cho dân...
Đất nước còn nghèo nhưng thấm đượm tình thân
Như mạch sống trải dài bốn ngàn năm còn mãi
Một Đất nước “không ai bị bỏ lại”
Chính phủ vì dân, lo trang trải trong, ngoài...
Chỉ cần “ngồi yên” là yêu nước, cứu người
Không di chuyển để dịch kia lan rộng
Biết bao người khắp hai miền Nam - Bắc
Âm thầm cùng Chính phủ cứu muôn dân...
Người dân hy sinh cho thóc, gạo, áo quần
Nghệ sĩ, doanh nhân trao tặng tiền cứu dịch
Bộ đội, công an tinh thần như chống địch
Bác sĩ đêm ngày lo chạy chữa nơi nơi…
Tôi tự hào đất nước Việt Nam tôi
Nơi “có sẵn vắc - xin là tinh thần kiên cường dân tộc”
Dịch bệnh, thiên tai, hay chiến tranh khó nhọc...
“Cả dân tộc đồng lòng” nhất định thắng về tay...
Việt Nam ơi...! Đất Nước ngàn xưa và của hôm nay
Luôn ghi dấu trang sử vàng chói lọi
Toàn dân đồng lòng một lời kêu gọi
Chiến thắng dịch này: Yêu nước hãy Ngồi Yên!!!

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com