Những di tích thờ các vị Quận công

06:10, 12/10/2018

Quận công là một tước hiệu thời phong kiến do vua ban cho những người trong hoàng tộc hoặc người có công với quốc gia. Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích thờ các vị Quận công với giá trị nghệ thuật - kiến trúc, lịch sử - văn hóa đặc sắc.

Đình Tứ Giáp, xã Nam Cường (Nam Trực) thờ Huấn Quận công được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2003. Huấn Quận công từng giữ chức quan Đô đốc đời Vua Lê Hiến Tông và là người có công chiêu dân, lập lại làng Cà (thôn Gia Hòa ngày nay). Theo các tài liệu cổ, năm 1759 Huấn Quận công dựng nhà ở giáp Đông (khu đình Tứ Giáp ngày nay). Ông bỏ tiền của ra mua sắm nông cụ, trâu, bò cấp cho dân, cho đào sông làm thuỷ lợi tạo thành một mạng lưới tưới tiêu cho hơn bốn nghìn mẫu ruộng... Sau khi Huấn Quận công mất, nhân dân 4 giáp đã xây dựng đình Tứ Giáp trên khu vực nhà cũ của ông. Đình được xây theo kiểu chữ “đinh”. Nghi môn gồm 3 cửa: một cổng chính giữa và 2 cửa cạnh giả. Cổng đình là 2 cột đồng trụ cạnh vuông; ba mặt của các cột đắp câu đối ca ngợi cảnh đẹp của đình và công đức của Huấn Quận công, trên đỉnh cột đắp nghê chầu. Tòa tiền đường là công trình gỗ độc đáo với các mảng chạm khắc tinh xảo gồm 5 gian được chia làm 2 phần: hiên và nội thất. Năm 1999, địa phương tu bổ đình, xây thêm cung cấm đặt ngai thờ và bài vị Huấn Quận công. Trong kháng chiến chống Pháp, đình Tứ Giáp là căn cứ cách mạng; trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình là địa điểm tập trung, tiễn thanh niên nhập ngũ và là nơi đóng quân của bộ đội chủ lực, kho chứa lương thực cung cấp cho tiền tuyến.

Từ đường họ Nguyễn, thôn Tồn Thành, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) là nơi thờ tự Thượng tổ - Thiếu Bảo, Bình Quận công Nguyễn Văn Ích. Theo sắc phong Lê Triều công thần và gia phả của dòng họ, Tả Đô đốc, Thiếu Bảo, Bình Quận công Nguyễn Văn Ích là vị công thần thời Lê Trung Hưng, có nhiều công lao với đất nước và là vị tổ có công tạo lập làng Hạc Châu xưa, xã Xuân Châu ngày nay. Bên cạnh việc thờ tự ông tại đền làng, con cháu dòng họ còn lập từ đường để thờ tự. Công trình từ đường kiến trúc theo kiểu chữ “Công” gồm 3 toà: tiền đường, trung đường và hậu cung. Toà tiền đường có hệ thống cửa võng ở cả 3 gian với hoạ tiết triện tàu, tứ linh và bài trí nhiều đồ thờ tự có giá trị như bát bửu, nhang án, câu đối, đại tự. Trung đường 1 gian xây quay dọc nối mái với tiền đường, xây cuốn vòm, mái gắn ngói nam, nền lát gạch đỏ. Toà hậu cung gồm 3 gian, gian giữa cung cấm đặt ngai và bài vị thờ Thượng tổ, Thiếu Bảo Bình Quận công Nguyễn Văn Ích ở vị trí chính giữa, hai bên là ngai bài vị thờ Thừa Quận công Nguyễn Văn Tinh (đời thứ 2), Hoành Quận công Nguyễn Văn Huyên (đời thứ 3). Hai gian bên đặt ngai và bài vị thờ các vị tổ đời kế tiếp. Hiện nay, từ đường họ Nguyễn còn lưu giữ đạo sắc phong niên hiệu Khải Định 9 (1924) ghi nhận và khẳng định việc thờ phụng Bình Quận công Nguyễn Văn Ích tại nhà thờ họ Nguyễn.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh miếu Quận công, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) thờ Quận công Trần Quý Uân.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh miếu Quận công, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) thờ Quận công Trần Quý Uân.

Di tích từ đường họ Vũ và lăng mộ Quận công Vũ Công Chấn tọa lạc ở xã Đại An (Vụ Bản). Quận công Vũ Công Chấn (1618-1699) xuất thân trong gia đình có truyền thống hiếu học, ông từng giữ chức Đô đốc, Tả hữu Đô đốc. Trong suốt 61 năm làm quan (1638-1699) phụng sự 2 đời Chúa Trịnh Tạc và Trịnh Căn, ông đã tham gia hoạt động trên 2 lĩnh vực chính là quản lý vương phủ và võ quan. Ngoài ra, ông còn có công trong việc đốc công xây dựng, trùng tu các công trình kiến trúc quan trọng, góp phần vào sự phát triển văn hóa, kinh tế của nước Đại Việt thế kỷ XVII. Tiêu biểu như: Phục dựng Đàn tế Nam Giao, xây dựng quán Trấn Vũ - một trong “Thăng Long tứ trấn”, xây dựng cầu Yên Quyết bắc qua sông Tô Lịch (sau này là cầu Giấy)… Sau khi ông mất thi hài được đưa về mai táng tại thôn An Cự. Ngôi mộ ban đầu được xây bằng hợp chất vôi trộn cát mật, hình chữ nhật, chiều dài 3m, rộng 2m. Năm 1985 ngôi mộ được xây dựng lại bằng gạch vữa theo hình tròn. Lăng mộ hiện nay nằm trong khuôn viên rộng 421,5m2 bao gồm các hạng mục: mộ Quận công Vũ Công Chấn, nghi môn, bình phong, hồ nước, nhang án, nhà bia. Phần mộ Quận công Vũ Công Chấn được xây trong hệ thống tường bao bằng đá, phía trước ngôi mộ tạo một cửa lên xuống được xây theo kiểu giật cấp gồm 9 bậc. Cách lăng mộ Quận công Vũ Công Chấn khoảng 300m là từ đường họ Vũ với kiến trúc truyền thống theo kiểu chữ “nhị”. Hiện nay từ đường còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như cuốn gia phả dòng họ do Ân Quận công Vũ Công Đáng viết năm 1710; bia mộ khắc vào niên hiệu Chính Hòa 20 (1699) do Tham tụng hình bộ Thượng thư Lai Sơn Tử Lê Hy soạn; bức tranh chân dung Quận công Vũ Công Chấn có niên đại từ thế kỷ XVII. Với những giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử, năm 2014 từ đường họ Vũ và lăng mộ Quận công Vũ Công Chấn xã Đại An (Vụ Bản) được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Miếu Quận công, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) thờ Quận công Trần Quý Uân có nhiều công lao giúp nước, an dân, khai hoang lấn biển. Theo các tài liệu ghi chép về thân thế sự nghiệp Quận công Trần Quý Uân, ông là người đức rộng, tài cao văn võ song toàn. Thời Vua Lê Thánh Tông, ông đã giúp triều đình xây dựng chính quyền, ban hành luật pháp, củng cố quốc phòng, giữ yên bờ cõi và lập nhiều công lớn nên được phong tước Quận công. Sau khi ông tạ thế, triều đình nhà Lê đã cấp quan tài bằng đồng và 5 sào ruộng để an táng ông, khu vực này gọi là “Lăng tẩm Khánh Sơn”, sau đó con cháu và nhân dân trong làng đã xây miếu, tạc tượng để thờ phụng. Miếu được xây dựng theo kiểu tiền chữ “nhất”, hậu chữ “đinh”. Khu nhà tiền đường có hai đầu hồi xây bít đốc, đằng trước là hệ thống cửa gỗ gồm 3 bộ. Chính giữa tiền đường phía trên là bức đại tự sơn son thếp vàng đề ba chữ “Quận công miếu”, bức bên trái đề 4 chữ “Viễn nhi di quang”, bên phải đề 4 chữ “Trân trân công tộc”. Hậu cung có hương án chạm khắc mặt hổ phù, tứ linh, tứ quý sơn thếp hài hòa. Thượng điện có tượng Trần tướng công tạc bằng gỗ mít, đội mũ mặc áo long phù, tiền bối chạm hình long mã. Cạnh miếu là khu lăng tẩm Khánh Sơn - nơi an táng thi hài Quận công. Lăng được đắp nổi hình chiếc khánh, giữa lăng xây đài tưởng niệm… Tổng thể kiến trúc khu miếu Quận công cân đối hài hòa.

Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, hằng năm tại những di tích thờ các vị Quận công còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghi thức tâm linh truyền thống. Tại di tích đình Tứ Giáp, từ mùng 5 đến mùng 7-3 âm lịch diễn ra lễ hội kỷ niệm ngày Đô đốc Huấn Quận công về chiêu dân lập lại làng xã. Ngày khai mạc lễ hội có tục rước kiệu và tế lễ. Trong ngày này, Ban tổ chức đọc tiểu sử đình Tứ Giáp, ôn lại công lao của Đô đốc Quận công. Ngày chính hội 6-3, nhân dân và du khách thập phương dâng hương hoa, lễ vật lên vị phúc thần cầu cho làng xóm yên vui và diễn ra các trò chơi dân gian “bắt vịt - thổi cơm thi” ở sân đình. Ở di tích từ đường họ Vũ và lăng mộ Quận công Vũ Công Chấn, xã Đại An (Vụ Bản) tổ chức nhiều hoạt động tế lễ trong năm, tiêu biểu là kỷ niệm ngày sinh của Quận công Vũ Công Chấn tổ chức vào ngày mồng 4 tháng giêng và ngày mất Quận công vào ngày 19 tháng chạp. Lễ kỷ niệm ngày sinh của Quận công Vũ Công Chấn ngoài nghi thức dâng hương, tế tổ ở từ đường, Hội khuyến học khuyến tài họ Vũ còn tổ chức tuyên dương và trao phần thưởng cho con cháu trong dòng tộc có những thành tích xuất sắc trong học tập.

Những di tích thờ các vị Quận công trên địa bàn tỉnh không chỉ có giá trị về lịch sử - văn hóa mà còn tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc cổ độc đáo, thể hiện năng lực sáng tạo liên tục của các thế hệ cha ông ta qua các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước. Các hoạt động văn hóa tâm linh ở những di tích thờ các vị Quận công góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người có công với làng, nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com