Nam Trực gìn giữ bản sắc văn hoá làng quê

06:10, 05/10/2018

Nam Trực là vùng đất cổ. Dấu ấn văn hoá truyền thống nơi đây in đậm ở những tên đất, tên làng: làng khoa bảng, làng võ, làng hoa, làng chèo, làng rối nước... Trải qua bề dày thời gian, các thế hệ người dân nơi đây vẫn lưu giữ, kế thừa được nhiều phong tục tập quán thông qua việc thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng.

Lễ hội Chùa Đại Bi (Thị trấn Nam Giang).
Lễ hội Chùa Đại Bi (Thị trấn Nam Giang).

Trong quá trình xây dựng NTM, các làng, xã trong huyện đều xác định: Để lưu giữ “hồn quê trong xây dựng NTM” thì phải bảo tồn được những thiết chế mang bản sắc văn hoá làng truyền thống như: cổng làng, giếng nước, cây cổ thụ, chợ quê; tinh hoa văn hoá làng nghề; giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc di tích; hội làng truyền thống; các loại hình nghệ thuật dân gian... Ở huyện Nam Trực, hội làng thường diễn ra ở các di tích đình chùa, miếu mạo vào dịp “Xuân Thu nhị kỳ”. Các di tích đều mang đậm văn hoá tín ngưỡng thờ Phật, thờ Mẫu, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc vua hiền tài, có nhiều công lao đánh giặc, giữ nước hay vị tổ nghề, thành hoàng làng có công khai hoang, lập ấp, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân... Trong các lễ hội làng, nhiều giá trị văn hoá được kết tinh thông qua các nghi lễ, trang phục truyền thống, trò chơi, các hoạt động văn nghệ dân gian cùng nhiều “đặc sản” làng nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương. Về làng Thanh Khê (xã Nam Cường), chúng tôi được chứng kiến không gian làng quê cổ kính với nhiều di tích và hàng chục cây cổ thụ trăm năm tuổi. Nằm trong Quần thể di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đền - Chùa - Phủ - Động làng Thanh Khê, Đền Thanh Khê thờ Bản cảnh Thành hoàng - Chiêu Minh Viện phi Công chúa (thời Lý). Hằng năm, vào ngày 9-3 (âm lịch), bà con trong làng tạm gác công việc đồng áng, tham gia vào các hoạt động lễ, hội như: thi đánh cờ tướng, cờ người, chọi gà, chơi đu... thu hút đông đảo già trẻ, trai gái tham gia. Đặc biệt, tục chơi đu ở đây đã có từ lâu đời, gắn liền với lịch sử ngôi đền. Trước đây, cứ vào chiều 30 Tết, dân làng lại nô nức rủ nhau đi chọn tre về làm cây đu. Vào thời khắc giao thừa, cả làng tề tựu trước sân đình làm lễ đưa đu. Cụ thủ nhang đền trang phục chỉnh tề, kính cẩn dâng hương, đọc bài văn tế đưa đu, sau đó một cụ cao niên được dân làng tiến cử bước lên cây đu mở màn. Trò chơi đu có sự tham gia của nhiều đôi trai gái và được duy trì cho đến hết tháng Giêng. Xã Nghĩa An có gần 20 di tích ở khắp các thôn, làng cổ: An Lá, Trại Bái, Đại An, Vân Đồn, Bái Thượng, Bái Trung, Bái Hạ... Hằng năm, tại địa phương diễn ra nhiều lễ hội; tiêu biểu như: lễ hội Đền Bái Hạ thờ Triệu Việt Vương - Triệu Quang Phục (3 năm mở 1 lần) ngày 15-3 âm lịch; lễ hội Đền An Lá thờ Thượng tướng quân Nguyễn Tấn (triều Đinh) từ ngày mồng 9 đến 11-3 âm lịch; lễ hội Đình - Chùa - Phủ Đại An thờ Triệu Việt Vương diễn ra từ ngày 13 đến 15-8 âm lịch, lễ hội Chùa Vân Đồn ngày 10-2 và 12-7 âm lịch, lễ hội Đền Tây thờ Thuỷ hải Đại vương (thời Hùng Vương) ngày 10-3 âm lịch… Tại Đền An Lá, cứ đến mồng 9-3 âm lịch hằng năm, nhân dân xã Nghĩa An lại tưng bừng mở hội. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống như: tế thần, rước kiệu… Trong lễ hội còn có các trò chơi dân gian như: múa rồng, múa sư tử, cờ người, cờ tướng… Được lưu truyền qua hàng thế kỷ, các lễ hội ở thôn An Lá đều dựa trên cơ sở nền kinh tế văn minh lúa nước với nhiều nghi thức riêng biệt, mở đầu cho nhiều lễ hội trong xã. Chùa Vân Đồn là di tích thờ Phật, phối thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Thần nữ Lê Thị Ngọc Tảo công chúa. Hằng năm, trong kỳ lễ hội chính ngày 10-2 âm lịch, dân làng tổ chức nghi thức dâng hương, tế lễ vào buổi sáng, rước kiệu vào buổi chiều. Trong lễ rước kiệu, đội múa lân đi trước, kiệu đi sau được rước bởi 16 thiếu nữ đồng trinh đi vòng quanh thôn sau đó ra sông lấy nước làm lễ rước nước Mộc dục tắm tượng rồi rước về chùa. Bên cạnh nghi thức truyền thống, Chùa Vân Đồn còn tổ chức các trò chơi dân gian như: múa sư tử, đấu vật, múa gậy, múa roi, đánh cờ người…

Ngoài nông nghiệp vẫn là ngành nghề chủ yếu của người dân nơi đây, trên địa bàn huyện còn phát triển một số nghề tiểu thủ công nghiệp như: Làng Vân Chàng (Thị trấn Nam Giang) có cách đây hơn 700 năm do 6 vị tổ sư ở Núi Tiên, thuộc Quần thể văn hóa Tiên Sơn (nay là phường Trung Lương, Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đến truyền nghề rèn cho 15 cụ tổ các dòng họ: Đoàn, Trần, Vũ, Đỗ, Ngô… ở quê hương. Theo sử sách, thợ rèn Vân Chàng thời nào cũng giỏi và tài hoa. Khi quốc gia hữu sự, họ đem tay nghề của mình giúp nước, cứu dân. Trong kháng chiến chống Pháp, thợ rèn làng Vân Chàng đã rèn hàng vạn gươm giáo, mã tấu, kiếm, dao găm phục vụ cho quân đội. Trước thời kỳ đổi mới, xã Nam Giang sản xuất tổng hợp các mặt hàng phụ tùng xe đạp, vật dụng nhà bếp, dụng cụ nông nghiệp... Ghi nhớ công ơn 6 vị tổ đã mang nghề về quê hương từ thế kỷ thứ XIII, người dân Vân Chàng đã lập đình thờ, tôn là Lục vị Thánh tổ. Hằng năm, vào ngày 15-11 âm lịch, người dân nơi đây lại mở hội. Hiện ở Đình thờ tổ nghề rèn làng Vân Chàng còn lưu giữ được một số cổ vật hàng trăm năm tuổi do các thợ rèn xưa của làng chế tạo. Cùng với nghề rèn, huyện Nam Trực còn gìn giữ được 18 làng nghề truyền thống (12 làng nghề được UBND tỉnh công nhận) và trở thành vùng đất đa nghề. Tiêu biểu như: Làng Báo Đáp (xã Hồng Quang) nổi tiếng cả nước với nghề làm đèn ông sao, hoa giấy; xóm Rục Kiều, thôn Cổ Gia (xã Nam Hùng) có nghề làm nón lá; thôn Liên Tỉnh (xã Nam Hồng) có nghề dệt vải; thôn Đồng Quỹ (xã Nam Tiến) có nghề đúc đồng; thôn Thượng Nông (xã Bình Minh) có nghề làm kẹo lạc; thôn Vị Khê (xã Điền Xá) nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh; làng Phượng (xã Nam Dương) có nghề làm miến, bánh đa… Thôn Thượng Nông (xã Bình Minh) là vùng quê thuần nông. Do các ngành nghề phụ phát triển nhỏ lẻ nên nguồn sống của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa và các sản phẩm làng nghề. Nhiều năm qua, văn hoá làng nơi đây không chỉ thể hiện qua cách nghĩ, cách cảm, tư duy người dân mà còn gắn với việc giao lưu, buôn bán. Chợ Thượng được hình thành cách đây vài thế kỷ. Chợ nằm cạnh con sông Ngọc và di tích lịch sử - văn hoá Cầu Ngói, Phủ Bà đã tạo nên một khung cảnh làng quê yên bình, thơ mộng. Trước kia, chợ Thượng họp “một tháng sáu phiên” nên việc giao thương hàng hoá “trên bến, dưới thuyền” khá nhộn nhịp với nhiều sản phẩm vùng miền khác nhau. Ở chợ Thượng, ngoài các mặt hàng nhu yếu phẩm hằng ngày, còn bày bán sản phẩm làng nghề truyền thống là kẹo lạc và miến. Nghề làm kẹo lạc và miến nơi đây tuy không còn hưng thịnh như vài chục năm trước nhưng tinh hoa làng nghề vẫn được các thế hệ người dân gìn giữ. Vào dịp cuối tháng Chạp, xã Bình Minh có đến gần 100 hộ làm nghề kẹo lạc và miến ở 3 thôn Cổ Lũng, Rót, Thượng Nông. Khách thập phương mỗi khi về xã Bình Minh không thể không ghé qua khu vực chợ Thượng chọn mua dăm ba gói kẹo lạc, vài cân miến về làm quà cho gia đình, bạn bè.

Trong xu hướng “tìm về cội nguồn”, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhiều xã, thị trấn ở huyện Nam Trực đã gìn giữ, khôi phục và phát huy được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống trong lễ hội như: hát chèo ở các xã Nam Thái, Nam Dương, Nghĩa An, Nam Hồng, Hồng Quang; múa tứ linh ở các xã Nam Cường, Nam Thắng… Ngoài ra, nhiều hội làng trên địa bàn huyện đã khôi phục được các loại hình diễn xướng, bộ môn nghệ thuật, trò chơi dân gian độc đáo như: kéo chữ ở hội làng Đồng Côi; múa rối cạn, rối nước tại lễ hội Chùa Đại Bi (Thị trấn Nam Giang)… Tại lễ hội Chùa Đại Bi (từ ngày 20-22 tháng Giêng) hằng năm, các nghệ nhân hát rối đầu gỗ (rối cạn) lại trình diễn các trích đoạn, giáo trò kết hợp với múa tiên, hát giáo về luân lý... Nghệ thuật hát rối đầu gỗ giúp cho lễ hội Chùa Đại Bi thêm phong phú, đặc sắc. Cùng với hát rối, vào thời Lý, Thiền sư Từ Đạo Hạnh về Chùa Đại Bi tu hành đã khởi xướng ra bộ môn vật chầu Thánh thu hút đông đảo đô vật tham gia. Ở xã Hồng Quang, các thế hệ nghệ nhân thôn Rạch đã đưa rối nước thành bộ môn nghệ thuật độc nhất vô nhị. Các tích trò của phường rối nước thôn Rạch vừa thể hiện sự phong phú, độc đáo của nghệ thuật rối nước, vừa mộc mạc, dân dã, phản ánh chân thực cuộc sống của người nông dân trong lao động sản xuất. Bộ môn nghệ thuật độc đáo múa rối cạn, múa rối nước ở Nam Trực đã trở thành bản sắc độc đáo, nhu cầu tinh thần của người dân địa phương. Điều đó lý giải có những tích trò, những ca từ hát rối đã có hàng mấy trăm năm nhưng đến nay vẫn được các nghệ nhân lưu giữ nguyên vẹn.

Về với huyện Nam Trực, mỗi người chúng ta được hoà mình vào không gian văn hoá làng quê đậm đà bản sắc dân tộc với các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, hiểu rõ thêm về truyền thống văn hoá, mảnh đất và con người ở một vùng quê văn hiến./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com