Các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật ở Mỹ Lộc

06:05, 25/05/2018

Là vùng đất cổ, đến nay huyện Mỹ Lộc vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống; trong đó có các làn điệu dân ca, dân vũ. Kế thừa truyền thống văn hoá của quê hương, phong trào văn hoá, văn nghệ ở các địa phương trong huyện ngày càng phát triển. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 CLB thơ - ca, hàng chục CLB, tổ, đội văn nghệ, nhiều đội múa tứ linh. Các CLB, tổ, đội văn hóa nghệ thuật hoạt động đa dạng ở các loại hình góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

CLB thơ - ca Mỹ Lộc (tiền thân CLB thơ Mỹ Lộc) được thành lập năm 2014 dưới sự quản lý của Trung tâm VH, TT và DL huyện. CLB hiện có 62 hội viên là những người yêu thơ, đam mê ca hát ở nhiều lứa tuổi. Qua 4 năm hoạt động, CLB đã xuất bản 4 tập “Thơ Mỹ Lộc” với hàng trăm bài thơ chọn lọc của các thành viên. Nhiều tác giả có tác phẩm thơ được chuyển thể thành lời trong các làn điệu chèo, hát văn biểu diễn trong các sự kiện chính trị của huyện, của địa phương.

Một buổi biểu diễn của đội múa rồng thôn Cấp Tiến, xã Mỹ Phúc.
Một buổi biểu diễn của đội múa rồng thôn Cấp Tiến, xã Mỹ Phúc.

Hiện nay, hầu hết các địa phương trong huyện đều có các đội văn nghệ, đội múa tứ linh hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Xã Mỹ Trung là địa phương lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống với các làn điệu dân ca, dân vũ gắn với các di tích đình, đền, phủ, trong đó có nghệ thuật hát văn. CLB thơ - ca xã Mỹ Trung với 20 thành viên tập hợp những người biết làm thơ và những cung văn giàu kinh nghiệm. Cùng với thực hành các bài hát văn cổ ở các di tích, các thành viên trong CLB còn soạn lời mới trên cơ sở các làn điệu hát văn với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Qua giọng hát của các thành viên trong CLB, các tiết mục hát văn có sức lan tỏa như: “Gái đảm Nam Hà”, “Mùa sen dâng Bác”, “Trẩy hội quê hương”, “Hoa dũng sĩ”, “Mừng Việt Nam đại thắng”… Bên cạnh đó, CLB tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng nhiều tiết mục hát văn và nghệ thuật chầu văn qua các giá đồng, tham dự các hội diễn, liên hoan văn nghệ.

Xã Mỹ Hưng nổi tiếng với nghệ thuật hát chèo. Đội chèo làng Thượng với 11 hội viên cao tuổi nhưng vẫn giữ được thần thái, “chất lửa” của chiếu chèo Đặng Xá xưa. Hiện nay, đội chèo làng Thượng vẫn luyện tập và duy trì biểu diễn vào các dịp hội làng tháng Giêng, kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ (19-5), Quốc khánh (2-9), Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10)… Những tiết mục đặc sắc được đội dàn dựng công phu như: “Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ” (hát sử nữ) và các làn điệu chèo như: “Tình quê hương”, “Thành phố tên vàng”, “Đất nước tươi đẹp”, “Ơn Đảng”... đã thôi thúc niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào Đảng, Bác Hồ kính yêu, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân cùng chung tay xây dựng NTM. Cũng ở làng Thượng, nghệ thuật múa rồng đã có truyền thống trên 100 năm; hiện nay, đội múa rồng làng Thượng có 30 thành viên. Là vùng quê có truyền thống võ vật nên các thành viên trong đội thực hiện được nhiều điệu múa khó như “Rồng phun lửa”, “Rồng chầu” và “Múa dưới nước”. Hằng năm, đội tổ chức biểu diễn vào dịp Tết Trung thu, lễ Phật Đản, Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán và dịp mừng thọ các cụ cao tuổi ở địa phương.

Xã Mỹ Thắng có CLB thơ - ca, 14 đội văn nghệ ở các xóm và 3 đội múa lân sư rồng ở các làng Mai, Bườn, Mỹ. Đội múa sư, rồng làng Bườn có trên 50 người tham gia, kinh phí hoạt động do các thành viên tự nguyện đóng góp cùng sự ủng hộ của con em xa quê. Chưa có nhiều kinh nghiệm nên khi mới thành lập các thành viên trong đội phải tự học các kỹ thuật múa rồng trên băng, đĩa. Với sự kiên trì luyện tập, hiện nay các tiết mục múa sư, rồng của đội đã trở nên thuần thục. Đội sư, rồng làng Bườn đã đóng góp những tiết mục đặc sắc trong dịp Tết Trung thu và lễ hội đình Bườn vào dịp tháng 8 và tháng 10 âm lịch…

Tại xã Mỹ Hà, nhiều CLB như: CLB chèo, CLB thơ, CLB đàn hát dân ca, CLB văn nghệ xung kích được thành lập, duy trì hoạt động. CLB Đàn hát dân ca Mỹ Hà được thành lập từ năm 1999, hiện có 20 thành viên gồm 8 nhạc công và 12 diễn viên; các thành viên tự đóng góp mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Để phát triển phong trào văn nghệ, xã tổ chức thuê đạo diễn và biên đạo múa chuyên nghiệp về dạy cho các hạt nhân văn nghệ ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng các tiết mục biểu diễn.

Phong trào văn nghệ quần chúng những năm qua ở huyện Mỹ Lộc phát triển là do có sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống nhà văn hóa (NVH), khu thể thao từ xã tới các thôn, xóm. Là huyện có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, những lễ hội tại các di tích đều là “đất diễn” cho các đội văn nghệ, đội múa tứ linh. Bên cạnh đó, hằng năm huyện đều tổ chức nhiều chương trình văn nghệ quần chúng nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương, thu hút các CLB, đội văn nghệ tham gia biểu diễn. Để nâng cao chất lượng các CLB, tổ, đội văn nghệ, Trung tâm VH, TT và DL huyện Mỹ Lộc đã bám sát các hoạt động văn nghệ quần chúng, thường xuyên cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn dàn dựng các chương trình nghệ thuật, tuyển chọn các tiết mục đặc sắc tham gia các hội thi, hội diễn và phục vụ các nhiệm vụ chính trị địa phương. Phong trào văn nghệ quần chúng ở Mỹ Lộc có sức sống lâu bền còn xuất phát từ những hạt nhân biết “truyền lửa” đam mê nghệ thuật cho cộng đồng. Cụ Đặng Mạnh Yêu (84 tuổi) là người cao tuổi nhất đội chèo làng Thượng, xã Mỹ Hưng. Bắt đầu hát chèo từ thuở nhỏ, đến năm 15 tuổi cụ Yêu đã được đóng vai chính trong các vở chèo cổ của hội chèo Đặng Xá nổi tiếng năm nào. Hiện nay, cụ vẫn cùng các thành viên nỗ lực duy trì hoạt động của đội chèo làng Thượng. Cụ Trần Đắc Hồng (81 tuổi) ở xã Mỹ Hưng, Chủ nhiệm CLB thơ - ca huyện Mỹ Lộc là người dành nhiều tâm huyết với phong trào văn nghệ địa phương. Nguyên là cán bộ Ty Văn hóa tỉnh Hòa Bình, tuy tuổi đã cao, cụ vẫn là hạt nhân tham gia tích cực phong trào văn nghệ của xã, của huyện. Để gây dựng phong trào thơ - ca của huyện, cụ đã trực tiếp về từng xã, thị trấn động viên những người yêu thơ ca thành lập các tổ, đội, CLB. Ở Thị trấn Mỹ Lộc, gia đình bà Lê Thị Nga, gồm chồng (nhạc công), con trai, con gái (hát chèo) đều là thành viên tích cực tham gia biểu diễn, dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật của thị trấn và của huyện. Hiện bà Nga cùng các thành viên trong gia đình đã vận động nhiều hạt nhân văn nghệ trẻ thành lập đội văn nghệ Lê Xá.

Hoạt động của các CLB, tổ, đội văn nghệ ở Mỹ Lộc đã góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo sự đoàn kết, gắn bó của nhân dân trong lao động sản xuất, giữ gìn và bảo tồn những phong tục tập quán, các giá trị văn hoá truyền thống của quê hương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com