Giáo dục truyền thống qua các di sản văn hóa ở Trực Ninh

08:05, 18/05/2018

Nằm trong khuôn viên Đền Liệt sĩ của huyện, Bảo tàng Trực Ninh là nơi lưu giữ trên 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị. Ngoài ra, các tài liệu, hình ảnh, hiện vật tại Bảo tàng huyện phản ánh trung thực, sống động về sự hình thành, phát triển của mảnh đất, con người Trực Ninh về lịch sử, cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; sự phát triển kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương qua các thời kỳ; những lễ hội gắn với di tích và làng nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống… Mỗi năm, Bảo tàng huyện thu hút trăm giáo viên, học sinh các trường học trên địa bàn huyện đến tham quan, học tập. 

Gian trưng bày hình ảnh lễ hội và các di tích lịch sử - văn hoá tại Bảo tàng huyện Trực Ninh.
Gian trưng bày hình ảnh lễ hội và các di tích lịch sử - văn hoá tại Bảo tàng huyện Trực Ninh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, thời gian qua Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT, Phòng GD và ĐT đã phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động tham quan, học tập cho học sinh tại Bảo tàng huyện và các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu. Chị Phạm Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện cho biết: Từ khi xây dựng năm 2010, Bảo tàng huyện là “địa chỉ văn hoá” giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đối tượng tham quan của Bảo tàng huyện chủ yếu là học sinh của các trường THPT, THCS, tiểu học trên địa bàn. Bên cạnh các hoạt động tại chỗ, các trường tiểu học, THCS, THPT thường xuyên phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội CCB địa phương tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, thi kể chuyện về lịch sử; chăm sóc, tu sửa các di tích lịch sử - văn hoá... Trong các tiết học ngoại khoá, giáo viên lồng ghép kiến thức, sáng tạo phương pháp chuyển tải để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử - văn hoá của địa phương. Vào các ngày lễ lớn của dân tộc như: Chiến thắng 30-4, Quốc khánh (2-9), Ngày Thương binh  liệt sĩ (27-7), Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12), các nhà trường đều tổ chức hoạt động về nguồn, dọn vệ sinh môi trường, thắp nến, dâng hương tri ân công ơn Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ, Đền liệt sĩ, thăm hỏi tân binh nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, giúp gia đình chính sách. Các hoạt động này mang tính giáo dục sâu sắc góp phần giáo dục truyền thống văn hoá, lý tưởng cách mạng, xây dựng ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. 

Là vùng đất đậm đặc các di sản văn hóa với 35 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng; trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh, các di tích lịch sử - văn hoá ở Trực Ninh là nơi thờ phụng, ghi dấu công sức, tài năng của các thế hệ cha ông, phản ánh bản sắc văn hoá truyền thống của từng địa phương qua các kỳ lễ hội trong năm. Nhiều năm qua, nghi lễ dâng hương tại các lễ hội đều có sự tham gia của học sinh các trường học. Ở xã Phương Định, các trường tiểu học, THCS đều tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa tại các di tích: Đền - Chùa Cổ Chất, Đền - Chùa Cự Trữ, Đền - Chùa Văn Hiến, Đền - Chùa Lộ Xuyên. Các nhà trường cũng thường xuyên tham dự lễ dâng hương cùng chính quyền và nhân dân địa phương nhân ngày mở hội truyền thống. Tiêu biểu là lễ hội tại 2 di tích cấp quốc gia Đền - Chùa Cổ Chất và Đền - Chùa Cự Trữ từ ngày 13 đến ngày 15-3 âm lịch. Trong lễ hội, nhiều hoạt động văn hoá diễn ra như: lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ tướng, đua tải trên sông quanh chùa… Qua mỗi lần tham quan, học tập tại di tích nhân dịp lễ hội, các nhà trường cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử -  văn hoá các di tích, cảm nhận về lễ hội quê hương, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Xã Trực Cường có Đền - Chùa Phúc Ninh được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia và trên 20 ngôi miếu, từ đường thờ Thành hoàng làng và các vị tổ dòng họ. Tại từ đường các dòng họ: Trần, Vũ, Phạm, Hoàng… cứ vào ngày giỗ tổ, nhân dịp khai giảng, tổng kết năm học, con cháu trong các dòng họ dâng hương, vinh danh những học sinh có thành tích học tập xuất sắc. Ở Thị trấn Cát Thành, hằng năm, cả 4 trường tiểu học, THCS đều tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về thân thế sự nghiệp tại Nhà tưởng niệm Anh hùng LLVTND Liệt sĩ Lưu Chí Hiếu nhân kỷ niệm ngày mất của ông (24-12). Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như: Quốc khánh (2-9), Chiến thắng (30-4), tại 2 di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh là Đền - Chùa Hương Cát và Đền Nhất Cát Chử, các nhà trường lại tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, phân công cho từng khối lớp làm cỏ trong vườn, tưới nước, chăm sóc cây xanh, quét dọn vệ sinh khuôn viên. Ở Thị trấn Cổ Lễ, các nghi thức, trò chơi dân gian đặc sắc như: rước kiệu, bơi chải, múa rối, tổ tôm điếm, cờ tướng, hát chèo… đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của người dân gắn với lễ hội tại Chùa Cổ Lễ. Hằng năm, vào dịp lễ hội, các trường tiểu học, THCS Cổ Lễ và và một số trường học các xã: Trực Chính, Phương Định, Trung Đông, Liêm Hải… đã tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc tại di tích, tưởng nhớ Quốc sư Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, hoà mình vào không gian văn hoá lễ hội truyền thống…

Công tác giáo dục lịch sử văn hoá ở huyện Trực Ninh đã nâng cao nhận thức chính trị, văn hoá cho các tầng lớp nhân dân, góp phần bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com