Những đội kèn đồng ở Vụ Bản

06:04, 06/04/2018

Vụ Bản là huyện có phong trào văn nghệ phát triển với đa dạng các loại hình như: chèo, hát văn, trống hội, kèn đồng… Trong đó, các đội kèn đồng ở các xã Vĩnh Hào, Kim Thái, Liên Bảo, Tam Thanh không chỉ phục vụ các nghi lễ của đồng bào theo đạo Thiên Chúa mà còn biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị và tham gia vào các hoạt động, sinh hoạt âm nhạc xã hội.

Một buổi biểu diễn của đội kèn xứ đạo Trình Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản).
Một buổi biểu diễn của đội kèn xứ đạo Trình Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản).

Đội kèn xứ Trình Xuyên, xã Liên Bảo thành lập năm 1918. Sau thời gian dài bị mai một, năm 1999, đội kèn được tái lập với 20 thành viên có độ tuổi từ 25 đến 60 tuổi. Cùng với nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các thành viên trong đội tự đóng góp kinh phí mua sắm nhạc cụ, trang phục, mời thầy dạy nhạc kèn. Anh Nguyễn Xuân Bằng (40 tuổi), xóm trưởng xóm 8, kiêm nhạc trưởng đội kèn cho biết: Các thành viên trong đội đa số làm thợ xây và nông nghiệp nên chỉ có thời gian luyện tập vào buổi tối. Với đặc thù hầu hết các thành viên trong đội có mối quan hệ huyết thống nên khi biểu diễn đều có sự ăn ý; nhiều người là anh em trong một gia đình như: Nguyễn Xuân Bằng, Nguyễn Xuân Toán, Nguyễn Xuân Tình, Nguyễn Xuân Quang. Qua quá trình luyện tập, đến nay, đội đã biểu diễn thuần thục nhiều bản nhạc như: “Quốc ca”, “Hát mãi khúc quân hành”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”... Ngoài biểu diễn phục vụ các ngày lễ ở xứ đạo, đội còn tham gia phục vụ nhiệm vụ chính trị và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Ở xã Kim Thái có 3 đội kèn gồm đội kèn giáo họ Trại Hương, đội kèn xã Kim Thái và đội kèn giáo xứ Xuân Bảng. Trong đó đội kèn xã Kim Thái có nhiều hoạt động biểu diễn nhạc kèn ở trong và ngoài xã. Đội kèn do ông Trần Ngọc Sỹ (62 tuổi) làm nhạc trưởng. Với 25 thành viên được đào tạo bài bản, đội kèn đồng Kim Thái là một trong số ít đội kèn có nguồn thu ổn định từ việc biểu diễn phục vụ các sự kiện. Hiện nay, đội biểu diễn được nhiều tiết mục nhạc kèn đặc sắc theo nhiều chủ đề như: nhạc cách mạng, nhạc ở các lễ hội tôn giáo... Trong đó đội thường xuyên được mời biểu diễn ở các di tích lịch sử - văn hóa nhân lễ Phật Đản, ngày hội giao nhận quân của huyện. Đội từng đoạt 2 HCB về hội diễn kèn đồng toàn tỉnh với các tiết mục nhạc kèn cách mạng. Điểm đặc biệt của đội kèn đồng Kim Thái là độ tuổi của các thành viên đều dưới 40 tuổi, sở hữu nhiều cây kèn ngoại có chất lượng về âm thanh như: 3 kèn saxophone của Đức, 1 kèn saxophone của Nhật, 6 kèn Trumpet của Tiệp Khắc, 3 kèn Trombone của Pháp... Chất lượng biểu diễn các bản nhạc kèn của đội còn được thể hiện qua những bài hợp xướng 4-5 bè, mỗi bè là một loại kèn, khi khớp vào bản nhạc đều thể hiện cảm xúc trong từng bài. Việc ghép bè của đội do chính ông Trần Ngọc Sỹ đảm nhận. Một số bản nhạc được đội biến tấu cách nhấn nhá phù hợp với địa điểm, chủ đề biểu diễn như: bản nhạc kèn “Hải cảng về ta” biểu diễn khai mạc ở các giải thể thao, “Bác vẫn cùng cháu cháu hành quân”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” biểu diễn dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác (19-5)... Với lịch biểu diễn dày đặc, ông Sỹ cho biết mặc dù chỉ là nghề tay trái nhưng các thành viên trong đội luôn có nguồn thu nhập ổn định từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, ông và các thành viên trong đội tích cực dạy nhạc kèn cho những người có niềm đam mê để bổ sung vào đội.

Xã Vĩnh Hào có 3 đội kèn của các giáo họ: Tiên Hào, Giáp Ba, Giáp Nhất. Đội kèn giáo họ Giáp Ba có truyền thống hoạt động hơn 50 năm theo hình thức cha truyền con nối. Hiện nay, đội có hơn 30 thành viên ở nhiều lứa tuổi tham gia. Để nâng cao kỹ năng cho các thành viên cho đội kèn, ngoài mời thầy dạy, đội cử những người có kinh nghiệm về nhạc kèn kèm cặp cho những thành viên mới. Nhiều thành viên cao tuổi tích cực tham gia đội như cụ Lương Văn Lai (81 tuổi), ông Nguyễn Văn Lý (70 tuổi)... Nhiều thành viên có anh em cùng tham gia đội như gia đình ông Mai Hữu Lục, Mai Hữu Hải, Mai Hữu Trọng. Hiện nay đội có trên 30 cây kèn; trong đó có một số cây kèn cổ được các cụ thế hệ trước để lại như: kèn Baritone, kèn Bass của Pháp... Ông Mai Hữu Lục (51 tuổi), chủ nhiệm Đội kèn giáo họ Giáp Ba là người gương mẫu đi đầu trong các hoạt động. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống về dạy nhạc kèn, từ năm 1983 ông biết chơi các loại nhạc cụ từ đàn nhị, đàn Organ, đàn hơi... Nhập ngũ năm 1988, ông đã phụ trách đánh trống trong Sư đoàn 411. Năm 1990 xuất ngũ trở về địa phương, ông tham gia đội kèn và dạy hát tại ca đoàn giáo họ. Để các thành viên trong đội nhanh chóng tiếp thu các kiến thức về nhạc kèn, ông tự biên soạn tài liệu, sau đó phổ biến cho từng người trong đội. Nhờ đó, đến nay đội đã biểu diễn được nhiều bản nhạc cách mạng như “Quốc ca”, “Chào mừng Đảng CSVN”, “Vì nhân dân quên mình”... Với đặc trưng tiếng kèn nghe nét, sắc sảo, tinh tế trong cách xử lý giai điệu bản nhạc, đội kèn giáo họ Giáp Ba đã từng biểu diễn ở Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân và một số các lễ hội ở các di tích lịch sử - văn hóa trong và ngoài huyện.

Hoạt động của các đội kèn đồng ở Vụ Bản đã góp phần làm phong phú các hoạt động văn nghệ quần chúng ở các địa phương. Thông qua các buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, các hội diễn văn nghệ quần chúng, các đội kèn ở Vụ Bản đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, về Đảng, Bác Hồ, bồi đắp tình làng nghĩa xóm, xây dựng quê hương giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com