Linh vật Khuyển trong tâm thức dân gian

08:02, 15/02/2018

Trong quan niệm của người Việt xưa, Chó là con vật trung thành, có tình nghĩa và được xếp vào 12 con giáp ở vị trí thứ 11 với chi Tuất. Phần “dương” có Chó giữ nhà, bởi vậy tín ngưỡng dân gian cũng cần một linh vật để chống lại tà ma ác quỷ phần “âm”. Ban đầu Chó được tạc từ đá thành tượng đơn giản đặt trước cổng làng, cổng đình, chùa hoặc ngoài cửa gia đình trong tư thế đang ngồi canh giữ. Theo thời gian, linh vật Khuyển được bày trước điện thờ ở các đình, chùa, đền, miếu và những nhà giàu có với quan niệm “Chó đá hoá linh”. Sau này, hình tượng linh vật Khuyển được khắc đẽo thêm với những chi tiết, đường nét cầu kỳ hơn thể hiện sự oai nghiêm, linh thiêng nên được gọi là “Nghê”.

Bộ sưu tập chó đá của anh Nguyễn Đức Luân (TP Nam Định).
Bộ sưu tập chó đá của anh Nguyễn Đức Luân (TP Nam Định).

Theo các nhà nghiên cứu, Nghê là một linh vật hư cấu được sản sinh trong nền văn hóa của người Việt, không phải là một con vật có trong tự nhiên. Trong tâm thức của người Việt, Nghê có hình dạng cơ bản là chó. Tuy nhiên, tạo hình nghê có sự biến hóa và thay đổi qua các thời kỳ lịch sử và sự sáng tạo của vùng miền. Bên cạnh đó, do nhu cầu “thiêng hóa”, nghê được lấy thêm nhiều đặc điểm của các linh vật khác như sư tử, rồng, lân và biểu hiện ra dưới nhiều dạng thức khác nhau như: sư tử nghê, long nghê, kỳ lân nghê, khuyển nghê… để phù hợp với vị trí và vai trò của mỗi biểu tượng. Khuyển nghê có hình dáng phong phú và mang đặc tính chó nhiều nhất. Khuyển nghê có đặc điểm chung là thân không có vảy, đầu không có sừng và chủ yếu ở chốn bình dân nên thường thấy trong chạm khắc dân gian đình làng, sinh từ, am miếu. Là con vật mang yếu tố huyền thoại, song khuyển nghê kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống, phản ánh sự sáng tạo, ước nguyện, khiếu thẩm mỹ đặc sắc của người Việt. Khuyển nghê ở tư thế ngồi hay nằm toát lên sự cam chịu, nhẫn nại; còn ở tư thế đứng hay quỳ chầu thể hiện vẻ uy nghiêm; khi ở tư thế đeo lục lạc hay giỡn hí cầu thể hiện sự tinh nghịch, vui tươi... Tính biểu tượng của Khuyển nghê trong văn hóa Việt còn thể hiện ở vị trí bày đặt. Ở vị trí hai bên cổng ra vào các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, Khuyển nghê có vai trò như “người lính gác” bảo vệ, vừa uy nghi, vừa hoan hỉ chào đón du khách. Ở vị trí trong nhà, nơi thờ tự hay lăng tẩm Khuyển nghê được sắp đặt thành đôi chầu toát lên vẻ trung thành với chủ nhân.

Hiện nay, nhóm tượng linh vật nghê của Bảo tàng tỉnh sưu tầm gồm có 33 hiện vật (trong đó có 14 Khuyển nghê) chủ yếu từ các công trình tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. 14 Khuyển nghê thờ được làm từ 4 chất liệu: gỗ (4 linh vật), gốm (5 linh vật), đồng (3 linh vật), đá (2 linh vật) có niên đại thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Đặc điểm chung của nhóm tượng nghê này là đều được tạo thành một khối hoàn chỉnh, với đầu, thân, chân, đuôi cùng các chi tiết khác tương đối rõ ràng, dễ nhận biết. Các tượng được làm bằng nhiều chất liệu, trang trí cầu kỳ tinh xảo, với nhiều kiểu dáng, kích thước, màu sắc. Khuyển nghê là sản phẩm mang tính dân gian nên bên cạnh những yếu tố quy chuẩn của từng loại hình, nghệ nhân dân gian được tự do thể hiện sự sáng tạo trong từng sản phẩm. Vì vậy, dù được xếp vào chung một loại hình nhưng mỗi tượng Khuyển nghê lại có dáng vẻ riêng. 4 Khuyển nghê gỗ ở Bảo tàng tỉnh có hình dáng, tư thế của một chú chó ngồi canh cửa với vẻ mặt hiền lành, gần gũi. Những chi tiết trên khuôn mặt thể hiện rõ đặc tính của loài chó như: tai to vểnh hoặc xuôi ra phía sau, mũi to hất ngược, miệng há rộng, cổ đeo chuông, thân trơn không có vảy, phần đầu, thân và sống lưng nghê được trang trí hình lá hỏa mềm mại. Ngoài những đặc điểm trên, ở mỗi tượng nghê có những nét riêng biệt. Đôi tượng Khuyển nghê gỗ lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh có niên đại thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII), cao 85-87cm. Nhìn nghiêng, nghê có dáng vẻ giống một chú chó ngồi canh cửa, hoan hỉ chào đón chủ; thân thon, 2 chân trước chống, 2 chân sau khuỵu; đầu ngẩng cao, mũi to, tai to vểnh ra phía sau, râu dưới cằm dài xoắn; cổ đeo chuông, mình và sống lưng chạm đao hỏa và hoa lá cách điệu. Nhìn thẳng, miệng nghê vuông há rộng giống miệng sư tử; cổ ưỡn cong tạo ngấn giống cổ rồng. Như vậy, trên cùng một tượng nghê có sự kết hợp đặc điểm của nhiều linh vật khác nhau như chó, sư tử, rồng, càng khẳng định sức sáng tạo, linh hoạt của nghệ nhân xưa trong việc tạo hình cho linh vật. Trong số 5 Khuyển nghê chất liệu gốm men được Bảo tàng tỉnh sưu tầm có đôi tượng nghê gốm men sưu tầm tại Chùa Cổ Chất, thôn Cự Trữ, xã Phương Định (Trực Ninh), niên đại thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Khuyển nghê được chế tác tinh tế với dáng ngồi trên bệ, 2 chân trước chống, 2 chân sau khuỳnh sang hai bên. Râu dưới cằm chia làm 2 lớp: lớp trên sát miệng xoắn tròn, kéo dài đến tai; lớp dưới dài ở giữa cằm, uốn cong chạm vào cổ, đều có màu xanh. Cổ nghê to tròn đeo chuỗi nhạc khí màu nâu. Trên đầu, cổ, thân, 2 bên sống lưng, chân nghê khắc chìm kết hợp in nổi hoa văn vẩy rồng, đao mác, xoắn móc và dây lá cách điệu. Trong 3 Khuyển nghê đồng được sưu tầm ở Bảo tàng tỉnh, Khuyển nghê đồng sưu tầm tại huyện Ý Yên có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao. Nghê có niên đại thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) có đặc điểm cao 67cm, mắt tròn lồi, mũi đeo khuyên tròn. Trên lưng nghê, lông tạo thành 2 lớp: lớp thứ nhất tạo những đường chỉ uốn cong, ở cuối đường chỉ xoắn lại từng núm nhỏ; lớp thứ hai tạo thành từng dải mềm uốn lượn ôm sát thân. Bụng và ức nghê tạo các múi nổi hình bán cầu giống cổ rồng, trên trang trí hình vân mây. Ở 2 chân trước trang trí nổi hoa văn mây lửa. Đầu và thân nghê được đúc thành 2 phần, nối với nhau qua khớp ở cổ… Tượng nghê không đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà nó còn ẩn chứa giá trị tâm linh sâu sắc.

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh có nhiều người đam mê cổ vật đã bỏ thời gian, công sức, tiền của sưu tầm linh vật Khuyển nghê, Chó đá. Ông Trần Trung Sỹ, hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường có bộ sưu tập tượng linh vật nghê gồm 14 hiện vật đều làm bằng chất liệu gốm (gốm men trắng, men nâu, men nhiều màu và gốm sành), được sản xuất thủ công tại các lò gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Gia Lâm (Hà Nội) và Phù Lãng (Bắc Ninh). Tượng nghê trong bộ sưu tập của ông Sỹ được biểu hiện ở cả 4 hình thức là: long nghê, sư tử nghê, kỳ lân nghê và khuyển nghê. Ngoài việc được dùng trong trang trí trên kiến trúc và làm đồ thờ, ở bộ sưu tập này tượng nghê còn có thêm chức năng là đồ trang trí tại gia đình. Những tượng nghê trong bộ sưu tập của ông Sỹ thường đi thành từng cặp trong tư thế đứng hoặc ngồi chầu, thân to mập, đuôi hình lá, hầu hết trên lưng nghê có lỗ tròn để cắm bút lông. Anh Nguyễn Đức Luân (37 tuổi) ở Thành phố Nam Định là người chơi cổ vật đã 20 năm, có tình yêu đặc biệt với công việc sưu tầm Chó đá. Hiện nay, bộ sưu tập Chó đá của anh có 46 con với đủ loại kích thước, niên đại. Anh Luân cho biết: Chó bình thường chỉ coi được phần dương, muốn canh giữ phần âm thì phải “nuôi” Chó đá. Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như Chó đá ở đình, đền, phủ. Để có kiến thức về các loại Chó đá, anh đã đi khắp nơi để tìm hiểu tín ngưỡng thờ Chó đá. Hiện nay, bộ sưu tập 46 con Chó đá của anh có tính độc bản bởi không con nào giống con nào, có con với dáng vẻ chầu uy nghiêm, có con ngửa mặt cười ngây ngô... Đặc biệt những con Chó đá của anh sưu tầm được nghệ nhân dân gian sáng tạo không theo quy ước do vậy sản phẩm mang tính cách điệu cao. Anh Luân cho biết thêm nhiều người chơi cổ vật là bạn bè của anh thường nuôi ít nhất một con Chó đá trong nhà; nhiều gia đình còn đeo nơ đỏ, bày biện lễ vật thắp hương cho Chó đá vào ngày rằm, mùng một và trong dịp Tết Nguyên đán.

Hình tượng linh vật Chó đá, Khuyển nghê thuần Việt là một trong những biểu tượng văn hóa của di sản tạo hình cổ truyền, thể hiện năng lực sáng tạo liên tục của các thế hệ cha ông ta qua các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com