Thương nhớ những mùa Tết xưa

07:02, 15/02/2018

Ủ  mình vào những cơn gió mùa đông lạnh lẽo, một sáng nọ theo tiếng chim sâu lích rích cạnh cây bàng già đầu ngõ, mùa xuân thầm lặng đến. Hơi ấm trải dài khắp không gian mang theo những đợt mưa nhè nhẹ rây rây, vấn vương tóc người qua đường, lưu luyến đậu hờ vai áo. Trong sân nhà ai dìu dặt từng câu hát: “Rồi dập dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông. Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”… Dặt dìu theo những thanh âm ấy, ký ức kéo tôi theo những mùa xuân xa. Có những mùa xuân, mẹ giấu cả nhà gạt nước mắt vay tiền, vay gạo để lo Tết. Lại có những mùa xuân ấm áp đong đầy tình thương của hạnh phúc gia đình. Lại có thêm những mùa xuân của tuổi thơ ăm ắp tiếng cười sáng trong, rộn rã chờ Tết, đón Xuân…

Năm 12 tuổi, lần đầu tiên một đứa trẻ nghèo khó như tôi cảm nhận rõ gia đình ăn Tết to như thế nào. Năm đó được mùa, mẹ cười tươi như hoa sau khi cân lúa bán. Dành dụm một ít nếp cái hoa vàng, mẹ nháy nhó anh em tôi, dành nấu bánh chưng Tết. Có vậy thôi mà chúng tôi chờ đợi suốt cả mấy tháng trời, ngày nào cũng hỏi, gần Tết chưa mẹ. 24 âm lịch, anh em tôi đã được nghỉ học. Theo bố ra vườn, chúng tôi khệ nệ vác củi, bắc bếp chuẩn bị nấu bánh. Rồi vừa hồi hộp, vừa khoan khoái hít lấy hít để hương của thịt lợn mẹ mới đụng hồi sáng, vị thơm nồng ấm của hạt tiêu bắc rang, mùi ngọt ngào của gạo. Bàn tay nhỏ bé, gầy guộc của anh tôi vốc từng vốc gạo vụng về cho vào khuôn lá làm bố tôi cười xòa. Đêm đến, dưới gốc cây na cạnh thùng nước, bố “quây ổ” cho anh em tôi ngồi trông bánh. Đã quá muộn giấc ngủ hằng ngày nhưng chúng tôi không tài nào ngủ được. Cho đến khi bố vớt bánh, chia 2 anh em cái “bánh tít” nhỏ xíu được “đặc cách” làm riêng thưởng công thì bất ngờ anh tôi đứng dậy vỗ tay đôm đốp. Những ngày đói kém, vất vả, quà Tết mà chúng tôi yêu thích nhất vẫn là nồi bánh chưng của bố. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên được cảm giác đôi mắt long lanh của anh khi nhìn bố vớt bánh, tiếng vỗ tay giòn giã. Sau này, mỗi năm đến Tết bố tôi thường kể lại câu chuyện nồi bánh chưng đầu tiên của gia đình. Nghe xong, mắt ai cũng rưng rưng…

Xã tôi không có chợ riêng, chính vì thế, mỗi năm đến Tết, các bà, các mẹ, các chị lại phải gồng gánh rất xa đi chợ Tết. Mớ rau, củ hành, bó lá dong, buồng chuối, con lợn… đều theo vai người xuống chợ từ lúc tờ mờ sáng. Tết năm 8 tuổi, bà tôi hào hứng véo má tôi dặn, nếu ngoan, Tết này bà cho đi chợ. Chào bố mẹ, tối nào tôi cũng đòi sang ngủ với bà, phòng nhỡ bà… quên lời hứa. Trời hãy còn tối lắm, tiếng động lịch kịch từ dưới bếp phá tan giấc ngủ đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn. Bà thì thầm, đi chợ, đi chợ Tết thôi. Thế rồi, cả một thế giới màu sắc choáng ngợp của chợ phiên ngày Tết ập vào tầm mắt. Chợ cơ man nào người và muôn công nghìn tía các sắc màu. Chỗ này bày bán câu đối đỏ vui mắt, chỗ kia những tràng pháo dài được cuộn gọn ghẽ. Góc trái, góc phải hoa quả ngập tràn, những cây mía dài thẳng tắp lá hãy còn xanh mởn ở đầu. Mùi hương trầm ấm áp quyện với vải vóc, lưu luyến trong những tà áo mới phẳng phiu. Bà tôi kỹ càng ngồi chọn từng cành hoa sắc màu về cắm chơi Tết. Bà chọn thêm cho tôi đôi guốc mộc có gắn cao su ở đầu. Bà bảo, năm nay bà mừng tuổi đôi guốc. Sang năm, bà cố gắng dành dụm mua cho con bộ áo dài. Năm nay nhà ta còn nghèo con ạ. Đôi guốc mộc tôi vẫn còn giữ đến giờ, thỉnh thoảng vào những ngày mùa đông lại lôi ra ngắm nghía. Để nhớ bà đã ở một cõi rất xa…

Góc vườn nhà tôi có một cây mận. Lọt thỏm, khiêm tốn giữa rừng cây lá xanh mướt mát, cây mận già trông càng nhỏ thó, khiêm tốn.  Quanh năm suốt tháng chỉ thấy cái cây đen thủi đen thui một màu. Và gầy nhẳng, quắt queo từ thân đến lá. Cây mận còn thường xuyên bị bọn sâu tấn công, vỏ cây luôn bong tróc lộ ra lớp nhựa trắng deo dẻo, qua thời gian thì sánh lại vàng óng. Xấu xí là vậy nhưng ông nội tôi có vẻ vô cùng yêu cây mận già. Mùa hè ông thường xuyên mang nước gạo ra tưới tắm cho cây. Chiều tắt nắng, ông tỷ mẩn cậy vỏ tìm bắt những con sâu con cuộn tròn vùi mình trong lớp vỏ nâu chảy nhựa. Từ góc vườn, ông tôi một tay giữ vỏ kén sâu, miệng chu huýt sáo gọi. Cho chúng bay mấy cái kén sâu thổi sáo. Mùa đông sương giá lạnh buốt ruột gan, bà nội giữ anh em tôi trong nhà như sơn. Một sáng nghe tiếng chim sâu lích rích ngoài vườn, anh em tôi choàng tỉnh giấc. Mở cánh cửa đón nhẹ những giọt mưa xuân tí tách lũ trẻ chúng tôi sau bao ngày bị nhốt ào ra ngõ, ra vườn. Ôi chao, góc vườn có phải là cây mận gầy nhẳng, đen thui mọi ngày kia? Da láng trơn mịn, từ gốc đến ngọn bao phủ bởi một màu trắng tinh khiết đến ngỡ ngàng. Những cánh hoa mỏng manh xếp lớp rung rinh đón mưa xuân. Những cánh hoa thanh tao tỏa ra thứ hương dìu dịu. Ông tôi đứng trân trân dưới gốc cây, mắt đắm vào từng cành hoa trước mặt. Ngày 29 Tết, ông rửa sạch cái chum bà dùng muối cà hằng năm, bọc ngoài một lớp giấy đỏ trịnh trọng chọn chặt một cành hoa mận mang vào cắm chơi Tết. Đêm 30 cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng mới rỡ ngồi dưới cành mận chờ đón giao thừa. Bà tôi sau một hồi ngắm nghía quay sang nói với cả nhà, người ta chơi đào Tết, nhà mình còn khó khăn thì chơi mận trong vườn. Mận hay đào cũng không quan trọng, miễn là những Tết sau cả nhà vẫn đông đủ quây quần. Tết chỉ cần bấy nhiêu thôi…

Nhiều năm sau này mỗi lần xuân về, Tết đến, tôi thường nghĩ lại những năm tháng cả nhà đón Tết trong tuổi hoa niên. Đó là những cái Tết nghèo, Tết khó của cả nhà. Thứ ám ảnh trong lòng tôi nhiều hơn cả vẫn là nồi bánh chưng tỏa ra dư vị vui sướng, no đủ được thưởng thức lần đầu. Là đôi guốc mộc, cành mận trắng của ông bà tôi. Là khi mắt mẹ tôi rưng rưng cất dành mùa lúa mới… Bao nhiêu năm nay, nhà tôi không còn chơi Tết bằng cành mận trắng. Cuộc sống đã no đủ hơn rất nhiều. Nhưng đôi khi vào những ngày Tết, cảm giác của tôi rất chống chếnh. Theo năm tháng, những người thân yêu trong nhà đã từng ngồi dưới cành mận kia dần ít đi. Nhưng tôi cũng tin rằng, theo những mùa xuân, cuộc sống sẽ luôn tiếp tục, nối dài./.

Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com