Độc đáo phiên chợ xe duyên thôn Đông Thượng

08:02, 15/02/2018

Xã Trung Đông (Trực Ninh) là vùng đất cổ, có bề dầy truyền thống văn hóa. Toàn xã có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 3 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và nhiều đình, đền, chùa, nhà thờ với các hoạt động lễ hội văn hóa đầu xuân thu hút đông đảo nhân dân trong xã và du khách thập phương tham gia. Trong đó phải kể đến phiên chợ xe duyên diễn ra vào sáng mồng 3 Tết tại thôn Đông Thượng.

Khu vực Chùa Phúc Lâm, nơi diễn ra phiên chợ xe duyên.
Khu vực Chùa Phúc Lâm, nơi diễn ra phiên chợ xe duyên.

Theo các cụ cao niên thôn Đông Thượng, phiên chợ xe duyên không biết có từ bao giờ, chỉ biết các cụ đời trước truyền lại nguồn gốc phiên chợ xuất phát từ tục đi lễ Chùa Phúc Lâm đầu năm mới của người dân trong thôn. Xưa kia, khu vực chợ thực chất là nơi bán đồ thờ cúng phục vụ việc lễ chùa, dần dà người có nhúm muối, quả cau, lá trầu, hộp mứt, bánh pháo, bộ tam cúc, con cá, mớ rau… đem ra bày bán, trao đổi; trai gái theo bố mẹ đội lễ lên chùa rồi quen nhau. Có những cặp trai gái cứ mải mê cùng nhau tâm sự từ sớm đến quá buổi trưa mà vẫn chưa chịu về nhà, rồi sau đó đã nên duyên vợ chồng. Từ đó người dân trong thôn tổ chức họp chợ để rồi từ phiên chợ, nhiều đôi trai gái gặp gỡ, tìm hiểu để thành lứa, thành đôi, vì thế người dân gọi đây là phiên chợ xe duyên. Chợ chỉ họp một phiên duy nhất vào ngày mồng 3 Tết. Hằng năm, đã thành thông lệ, từ 3 giờ sáng, người dân thôn Đông Thượng đã lục tục kéo đến khu vực Chùa Phúc Lâm vừa căng bạt, dựng lều, bày hàng hóa vừa kể cho nhau nghe những việc xảy ra mấy ngày Tết ở trong xóm, ngoài làng. Hàng hóa ở chợ ngày nay vẫn giữ được nét truyền thống, cũng vẫn chỉ là những sản phẩm mang đậm đặc tính “tự cấp, tự túc” của cư dân nông nghiệp, từ những sản phẩm tinh thần như cành, bát hoa nhựa, khăn bông, tò he, đồ lưu niệm bằng sừng, đồ trang sức bằng bạc, vỏ sò, vỏ ốc cho đến những sản phẩm nông sản như rau, miến dong, cá, thịt, hoa quả, kẹo lạc, kẹo vừng, bánh rang… Từ tờ mờ sáng ngày mồng 3, du khách và người dân xã Trung Đông đã háo hức tìm về thôn Đông Thượng để thắp hương cúng Phật, cầu tài, cầu lộc và hoà mình vào không khí tưng bừng của phiên chợ để xem chợ, chơi chợ, mua sắm trao đổi hàng hóa, nhất là còn để cầu duyên đối với những thanh niên nam nữ còn đơn thân. Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều thanh niên trong xã dù có việc bận ở xa cũng đều sắp xếp công việc để trở về quê từ đêm trước hôm diễn ra phiên chợ để háo hức chờ đón mong đến sáng hôm sau tham gia phiên chợ tình. Chợ họp từ gà gáy đến quá trưa mới tan, các đôi nam nữ đem theo những ánh mắt gửi trao và niềm tin về một tình duyên mới sẽ đến. Điều kỳ lạ ở phiên chợ là trai gái sau khi quen nhau ở chợ đều bén duyên; những cặp đang yêu sau khi đi chợ đều nên duyên vợ chồng. Ông Bùi Đức Khu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trung Đông bồi hồi nhớ lại: Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông xuất ngũ trở về quê hương theo lứa thanh niên trong xóm đi chơi phiên chợ tình (năm Bính Thìn 1976), may mắn ông gặp được cô Vũ Thị Tiến là người cùng xã cũng đi chơi chợ, trong không khí trời đất giao hòa, những ánh mắt, cử chỉ đồng điệu gửi trao, kể từ đó họ quen, yêu và nên duyên vợ chồng. Đặc biệt sau gần 40 năm gắn bó, tin vui lại đến với gia đình ông khi người con trai út đến tuổi dựng vợ cũng tìm gặp và nên duyên vợ chồng với cô gái làng bên ở phiên chợ xe duyên, hiện họ đã có một con trai kháu khỉnh. Còn cụ Bùi Minh Huyến, ở thôn Đông Thượng năm nay đã 81 tuổi nhưng chẳng năm nào vắng mặt tại phiên chợ xe duyên của thôn. Đã nhiều năm đi chợ tình và chứng kiến hàng trăm đôi nam, nữ trong làng, ngoài xã nên duyên vợ chồng. Cụ Huyến tâm sự, chợ xe duyên không chỉ đơn thuần là bán và mua, đó chỉ là cái cớ để đầu Xuân, trai gái đến đây hò hẹn, gặp nhau, giao lưu tình cảm. Mỗi năm qua đi lại có thêm nhiều đôi lứa nên duyên, lòng cụ cảm thấy ấm áp bởi chợ phiên quê mình đã đem lại phúc ấm cho nhiều gia đình. Trong hương xuân ấm áp cụ đọc cho chúng tôi nghe bài thơ Chợ xe duyên do cụ sáng tác: Phúc Lâm tự ngát hương trầm/ Qua giao thừa đã mong thầm mồng 3/ Khách gần cho đến khách xa/ Vào chùa lễ Phật rồi ra chợ tình/ Giữa làn mưa bụi trắng tinh/ Nam thanh, nữ tú tâm tình gửi trao/ Tình yêu đến tự khi nào/ Chợ Chùa Đông Thượng xe vào mối duyên. Đồng chí Lưu Văn Phong, Trưởng ban VHTT xã Trung Đông khẳng định: Phiên chợ xe duyên thôn Đông Thượng là tập tục, nét đẹp văn hóa độc đáo ngày Xuân của địa phương. Phiên chợ xe duyên nổi tiếng theo thời gian, vì vậy hằng năm, dù nhân dân trong thôn tổ chức phiên chợ xe duyên mang quy mô làng nhưng lại được người dân trong xã và du khách thập phương biết đến và tham dự. Đặc biệt trong những năm gần đây, lượng người đi chơi chợ xe duyên ngày càng đông. Để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, Đảng ủy, UBND xã Trung Đông đã quy hoạch quỹ đất trên địa bàn thôn để mở rộng, nâng cấp khuôn viên chợ; đồng thời cùng thôn tham gia tổ chức phiên chợ xe duyên hằng năm để giữ gìn những giá trị truyền thống của cha ông để lại. Bên cạnh đó, xã Trung Đông đang khuyến khích người dân thôn Đông Thượng tổ chức thêm một số trò chơi dân gian để làm phong phú, sinh động thêm hoạt động của phiên chợ xe duyên.

Phiên chợ xe duyên thôn Đông Thượng đã thực sự trở thành một điểm hẹn văn hóa của người dân trong thôn, nhất là thanh niên nam nữ trong làng, ngoài xã và khách thập phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.

Bài và ảnh: Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com