"Hiệu lệnh" của Bác Hồ trong bài thơ chúc Tết Mậu Thân 1968

06:02, 15/02/2018

Trần Đức Long

Khai bút đầu xuân, làm thơ chúc Tết đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Sinh thời, cứ mỗi độ xuân về, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có thơ chúc Tết gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Và đã trở thành thông lệ, đúng vào thời khắc giao thừa, đồng bào và chiến sĩ cả nước lại hồi hộp quây quần bên chiếc ra-đi-ô để nghe thơ chúc Tết của Bác. Điểm nổi bật trong các bài thơ chúc Tết của Bác Hồ là đều mang âm hưởng hào hùng, bố cục chặt chẽ, thay lời của non sông đất nước tổng kết năm cũ, dự báo và hoạch định chiến lược trong năm mới. Bởi vậy, điều dễ hiểu là vì sao trong những năm tháng ấy, sau khi nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ, mọi người đều phân tích từng câu, từng chữ để tìm ra những vấn đề mà Người đã “chỉ đạo” trong thơ.

Bài thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 của Bác Hồ cũng nằm trong nguồn mạch ấy.

Nhớ lại thời điểm cuối năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bắt đầu chuyển sang một thời kỳ mới. Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân và dân ta; trong đó chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta là động viên, tạo sự nỗ lực cao nhất của đồng bào và chiến sĩ cả nước để tiến hành tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.

Và đúng vào thời khắc giao thừa Tết Mậu Thân 1968, trên làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng bào và chiến sĩ cả nước lại xúc động nghe bài thơ chúc Tết của Bác Hồ:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Bài thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 của Bác Hồ chỉ gồm 4 câu; lời thơ mộc mạc, giản dị, cụ thể, quyết liệt nhưng lại rất giàu nhạc điệu, mang âm hưởng hào hùng, sảng khoái như hồn của non sông đất nước, truyền cho đồng bào và chiến sĩ cả nước nguồn sinh lực, sức mạnh với niềm tin “chính nghĩa thắng phi nghĩa” để xông lên chiến đấu chống quân xâm lược, giành toàn thắng về ta. Câu mở đầu của bài thơ “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua” với hai từ “Xuân” gieo vào lòng người nghe cảm giác tươi mới, sinh sôi, mùa xuân đang giăng mắc khắp nơi. Người nghe cũng cảm nhận đây không chỉ là sự so sánh đơn thuần giữa “Xuân này” với “mấy xuân qua” mà với đặc trưng của thơ ca “ý tại, ngôn ngoại”, từ “hơn hẳn” trong câu thơ như là sự khẳng định niềm tin vào thắng lợi của sự chuyển hướng chiến lược trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Câu thứ hai “Thắng trận tin vui khắp nước nhà” như là lời loan báo tin thắng trận, niềm hoan ca đến mọi người, mọi nhà ở khắp mọi miền đất nước. Câu thứ ba “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ” như lời giao ước thi đua đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc cùng nhau đánh giỏi, thắng lớn. Và câu kết của bài thơ “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” vang lên như là “hiệu lệnh” và là lời hiệu triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước đồng tâm nhất trí, muôn người như một sát cánh bên nhau đánh đuổi quân xâm lược với niềm tin sắt đá “Toàn thắng ắt về ta”.

Bài thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 của Bác Hồ được viết theo thể thơ tứ tuyệt (câu 1, 2 và 4 cùng vần) với vần “a” mang sắc thái biểu cảm, ngân vang như tiếng reo vui của người chiến thắng. Ở đó Bác đã khéo léo thể hiện chủ trương của Đảng là mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Và đúng thời điểm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, bài thơ chúc Tết của Bác đã trở thành “hiệu lệnh” mở màn cho chiến dịch. Đêm 29 rạng ngày 30-1-1968 (đêm Giao thừa Tết Mậu Thân), cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã diễn ra ở khắp các tỉnh, thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Bộ binh, đặc công, pháo binh, biệt động ta đánh mạnh, đánh trúng các mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn - Gia Định, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Tây Ninh, Bến Tre, Kiết Tường, Định Tường, Gò Công, Biên Hòa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Kiên Giang, Tuyên Đức… Trong đó, tại Sài Gòn - Gia Định, nhiều mục tiêu quan trọng như: Dinh Độc lập, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Tư lệnh Hải quân, Sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ… đều bị tấn công. Tại Thành phố Huế, quân ta đánh chiếm 39 mục tiêu quan trọng, giải phóng thành phố và chiếm giữ suốt 25 ngày đêm…

Có thể nói, bài thơ chúc Tết của Bác Hồ là “hiệu lệnh” mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần, ý chí chiến đấu của đồng bào và chiến sĩ cả nước. Thắng lợi trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 đã khắc sâu vào lịch sử dân tộc một bản anh hùng ca bất diệt, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom đánh phá miền Bắc và chấp nhận đàm phán để giải quyết chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com