Nghệ thuật chơi gỗ lũa

06:12, 02/12/2017

“Lũa vốn là thứ còn lại sau cùng của những cây gỗ đã chết. Trong số nhiều loại lũa, lũa Ngọc Am thuộc dạng quý hiếm và “lành tính”, tốt cho sức khỏe con người. Từ những thân gỗ chết bị chôn vùi hàng trăm năm dưới đất, nước, qua biến thiên thời gian, lũa Ngọc Am thể hiện được sức sống nội sinh mãnh liệt. 10 năm trước, khi nhìn thấy loại lũa này, những vân gỗ sần sùi mà bóng loáng, mùi thơm nhẹ nhàng thanh tao vương vấn, quấn quýt, tôi bị thu hút ngay lập tức. Cũng từ đó đến nay, lũa là thú vui hằng ngày của tôi”, anh Đặng Văn Quang, tổ dân phố Hưng Lộc, Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) chia sẻ về thú chơi lũa của mình.

Trước khi biết đến gỗ lũa, anh Quang vốn là một người buôn gỗ. Cũng có thời điểm anh từng kinh doanh đồ gỗ công nghiệp. Năm 2007, trong một lần lên Hà Giang, đỉnh Tây Côn Lĩnh lấy hàng, anh bắt gặp những khúc lũa Ngọc Am được người bản địa đào bới nằm sâu dưới những lớp đất rừng phủ dầy trăm năm. Rửa sạch hết lớp bụi thời gian, anh Quang choáng ngợp trước hình dáng độc đáo, khác lạ của những khối lũa. Và, đằng sau dáng vẻ xù xì, thô ráp của lũa, cũng như nhiều người đam mê gỗ lũa, những hoa văn, vân gỗ, mùi thơm… đã chinh phục anh. Nếu lũa nghiến, đinh hương đã quý, lũa Ngọc Am còn quý hơn nhiều. Theo anh Quang, từ lâu lũa Ngọc Am đã được biết tới là một viên ngọc mà thiên nhiên dành tặng cho con người, được xếp vào nhóm A1. Đây cũng là loại gỗ quý được những người sành gỗ, giới quyền quý săn lùng ráo riết suốt quãng thời gian dài vì sở hữu những công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Người xưa kể lại rằng, gỗ Ngọc Am quý hiếm tới mức chỉ có những bậc vua chúa, đế vương mới được phép sử dụng. Họ thuê nghệ nhân đẽo gọt tạo ra các đồ vật khác nhau như giường, bồn tắm, ốp tường, ghế, thùng xách nước… trong cung cấm. Gỗ Ngọc Am quý nên lũa Ngọc Am cũng được đánh giá cao hơn hẳn các loại lũa khác.

Anh Đặng Văn Quang, tổ dân phố Hưng Lộc, Thị trấn Mỹ Lộc bên các tác phẩm lũa Ngọc Am.
Anh Đặng Văn Quang, tổ dân phố Hưng Lộc, Thị trấn Mỹ Lộc bên các tác phẩm lũa Ngọc Am.

 Đam mê lũa Ngọc Am, anh Quang bắt đầu tìm hiểu, chơi và kinh doanh. Để có thể chơi được dòng gỗ lũa này, anh Quang cho biết tốn rất nhiều công sức. Theo đó, giống gỗ lũa này hiện chỉ còn ở vùng Đông Bắc, một số tỉnh như Hà Giang, Lạng Sơn. Đầu tiên, để có được gỗ lũa Ngọc Am, những người thợ sành gỗ men theo sườn núi cao chót vót để tìm những gốc cây cổ thụ đã chết có chất gỗ tốt và quý hiếm. Sau khi đã tìm được gốc cổ thụ, những người có kinh nghiệm sẽ phải nhận biết loại gỗ đó có phải là gỗ Ngọc Am hay không. Xác định chính xác địa điểm và đánh dấu, rồi đợi cho tới khi trời mưa, đất ngấm nước, mềm ra mới tiến hành đào. Để gỗ Ngọc Am đảm bảo có chất lượng tốt thì việc đào gỗ cũng phải được thực hiện bởi những người có nhiều năm kinh nghiệm. Vì nếu như không kiên trì hoặc cứ chặt hết các rễ cây ăn quanh co quanh gốc thì coi như hỏng việc. Bởi chính những chiếc rễ cây ấy lại cực kì hữu ích trong tác phẩm gỗ lũa Ngọc Am để tạo ra những chi tiết ấn tượng. Thông thường gỗ lũa sẽ được chia ra làm 3 loại cơ bản đó là lũa chìm trong bùn nước, lũa nằm ở sâu trong lòng đất, lũa được tạo thành từ gió và mưa. Trong 3 loại trên, loại thứ 3 được đánh giá cao hơn cả vì trải qua một thời gian dài, hình dạng của lũa cũng độc đáo, bền chắc hơn. Tuy nhiên, đã là lũa Ngọc Am loại nào cũng vô giá. Đặc biệt còn vì Ngọc Am là loại cây có lượng tinh dầu rất lớn nên gỗ và lũa đều rất thơm. Trong điều kiện bảo quản tốt, theo anh Quang, một khúc gỗ lũa Ngọc Am có thể tỏa mùi thơm đến 20 năm. Mua được khối lũa ưng ý, anh Quang có 2 hình thức “chế biến”. Anh có thể để “nguyên chất” tức là nguyên hình dáng của lũa ban đầu. Hai là, tạo tác theo sở thích hay yêu cầu khách hàng. Để tạo tác, khắc gọt lũa, anh Quang căn cứ theo thế lũa mà tiến hành. Theo đó, anh Quang thường ngồi hàng giờ, tỉ mẩn dùng dụng cụ chuyên dụng nhằm biến những khúc lũa sần sùi thành các pho tượng hoặc tranh phong cảnh. Đối với tượng, anh thường điêu khắc thành các tượng Đạt Ma, Di Lặc. Yêu thích thiên nhiên cây cối, chim muông anh Quang còn thổi hồn vào khúc lũa vô tri tạo thành những bức tứ linh với long ly quy phượng, chim công hoa hồng, phù dung chim trĩ… Đối với mỗi loại, anh Quang chế tác với các kích cỡ khác nhau. Ở dòng tượng, anh thường khắc gọt theo kích thước 45cm chiều rộng, 30cm chiều cao dùng để bàn hoặc trên xe ô tô. Anh Quang cũng đã từng làm các bức tứ linh lớn với chiều rộng 1m, chiều cao lên đến 1,5-1,6m. Thời gian gần đây nhất anh mất tới hơn 1 tháng để khắc gọt bức tượng Đạt Ma múa võ chiều rộng 45cm, chiều cao 30cm. Theo anh Quang, khó nhất khi làm tượng là khắc họa gương mặt. Chỉ riêng mặt tượng, anh đã mất tới 10 ngày mới hoàn thành. Các bộ phận như râu, tóc, hốc mắt tiêu tốn của anh rất nhiều thời gian. “Ngồi khắc gọt khoảng 1 tiếng tôi lại đứng lên, đi ra xa ngắm nghía, tự mình bình phẩm, đánh giá rồi chỉnh sửa. Cứ như thế, rảnh rỗi lúc nào tôi lại lao vào khắc gọt, đục đẽo lúc ấy”, anh Quang chia sẻ. Mang nhiều nét tương đồng với tạc tượng, điêu khắc tuy nhiên nghệ thật khắc gọt lũa cũng đa dạng, phong phú không kém. Từ đường nét, hình dáng thô sơ ban đầu của khúc lũa, bằng trí tưởng tượng bay bổng, đôi bàn tay khéo léo, người thợ thủ công thêm bớt các chi tiết, thổi hồn vào những khúc lũa. Ngắm nhìn những tác phẩm lũa, người xem sẽ hiểu, thấu cảm được những hoài niệm, tình cảm, tình yêu, ước vọng mà nghệ nhân gửi gắm. Khi có sự điều chỉnh của bàn tay người nghệ nhân, gỗ lũa Ngọc Am sẽ có cuộc đời thứ 2 ý nghĩa và bền chắc hơn cũng là vì thế. Và, nhìn cái cách tỉ mẩn gò lưng khắc gọt, tạo tác trên từng khúc lũa của anh Quang, người yêu thích gỗ lũa có thêm niềm tin vào những “tác phẩm nghệ thuật” đẹp đẽ, độc đáo này. Có lẽ chính vì vậy mà cửa hàng của anh Quang lúc nào cũng đông khách. Một năm anh có thể bán được vài trăm sản phẩm. Món nhỏ nhất có giá từ 500-600 nghìn đồng. Có sản phẩm được định giá lên tới vài chục triệu đồng. Khách hàng của anh rất đa dạng ở khắp mọi miền đất nước. Ngoài bày bán sản phẩm tại cửa hàng, anh còn giới thiệu mặt hàng gỗ lũa Ngọc Am trên mạng. Những tháng cuối năm là lúc anh Quang bận rộn nhất. Người ta mua lũa để chơi, để bày phong thủy, tích tụ vượng khí trong nhà. Không chỉ buôn bán, chế tác lũa Ngọc Am, là một người yêu thích đồ cổ, anh Quang còn sưu tầm rất nhiều đồ gỗ lối xưa như sập gụ, tủ chè, tranh cổ, đồ gốm sứ cổ, tượng gỗ các loại, các loại đá phong thủy… Vào cửa hàng trưng bày lũa Ngọc Am, đồ cổ lối xưa của anh, ta có cảm giác như được sống trong một thế giới tĩnh mà ở đó hồn xưa nét cũ đang hiện hữu, lay động.

 “Tôi tìm thấy sự tĩnh tại giữa cuộc sống bộn bề khi ngắm nhìn những món đồ cổ xưa. Khi chơi lũa, chế tác lũa, đôi bàn tay người thợ ngoài được rèn rũa tính kiên trì, tỉ mỉ thì đầu óc cũng có cơ hội thăng hoa. Những ước vọng về cuộc sống, những mong muốn đều được chúng tôi thể hiện qua tác phẩm là “kênh” kết nối những người cùng sở thích, tìm gặp được tri âm”, anh Quang đúc kết. Để rồi, qua bàn tay người thợ, sự thô ráp, mộc mạc nhưng tinh tế của lũa, của gỗ, của vân, của hương cứ từ đó lan tỏa, kết nối. Và hành trình gỗ, lũa, tác phẩm nghệ thuật từ đó hình thành như một sự tái sinh, tiếp nối./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com