Sức sống phong trào văn nghệ quần chúng ở Yên Nghĩa

06:11, 24/11/2017

Về xã Yên Nghĩa (Ý Yên) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), chúng tôi được hoà vào không khí vui tươi, phấn khởi của người dân nơi đây. Các buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ diễn ra ở các NVH thôn, xóm, thu hút đông đảo người dân và các cháu thiếu nhi đến xem. Nội dung chương trình biểu diễn gồm các ca khúc cách mạng, các làn điệu dân ca ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước...

Một buổi luyện tập các làn điệu chèo truyền thống của CLB văn nghệ xã Yên Nghĩa.
Một buổi luyện tập các làn điệu chèo truyền thống của CLB văn nghệ xã Yên Nghĩa.

Đồng chí Hoàng Văn Đận, Chủ tịch UBND xã Yên Nghĩa cho biết: Để tổ chức tốt phong trào văn nghệ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho các CLB, đội văn nghệ quần chúng hoạt động như: Đầu tư xây dựng NVH thôn; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ, tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Đến nay, 10/14 thôn trong xã đã có NVH. Xã có 1 CLB văn nghệ Phật giáo, 1 CLB văn nghệ xã và 14 đội văn nghệ các thôn. Các CLB, đội văn nghệ hoạt động ở nhiều loại hình như: thơ, hát chèo, hát văn, ca trù, múa, ca khúc cách mạng... Nhiều thôn có phong trào văn nghệ mạnh là: Nhân Nghĩa, Đoàn Kết, An Liêu, Đô Phan, Nha Cầu, Trung Cầu… Thành lập năm 2000, CLB văn nghệ Phật giáo có 25 thành viên. Bà Nguyễn Thị Lưu, Chủ nhiệm CLB cho biết: Các thành viên trong CLB chủ yếu là những người nông dân độ tuổi từ 35-65 tuổi đến với CLB bởi niềm đam mê ca hát. Định kỳ mỗi tuần một lần vào ngày thứ 7 hoặc chủ nhật, CLB lại tổ chức sinh hoạt, thảo luận về kỹ thuật hát, múa để các hội viên hiểu và ngày càng thuần thục hơn trong biểu diễn âm nhạc truyền thống. CLB thường xuyên biểu diễn vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội Đình Ruối, lễ mừng thọ đầu Xuân, lễ Phật đản, lễ Vu Lan, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), tiễn tân binh lên đường nhập ngũ… CLB văn nghệ xã có trên 10 thành viên; trong đó có 5 nhạc công chơi được các loại nhạc cụ dân tộc như đàn tam, đàn nhị, đàn nguyệt, lứu, trống. Ông Hoàng Văn Hoằng (66 tuổi), Chủ nhiệm CLB cho biết: Năm 2015, CLB văn nghệ xã được thành lập, phát triển đã góp phần gìn giữ, bảo lưu được loại hình nghệ thuật chèo truyền thống. Các thành viên tự đóng góp mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Từ khi hoạt động, CLB trở thành sân chơi bổ ích đối với những người yêu ca hát. Mặt khác, các thành viên CLB là những hạt nhân quan trọng trong sáng tác các tiểu phẩm, hoạt cảnh chèo với các tiết mục văn nghệ “tự biên, tự diễn”. Nhiều trường kịch, hoạt cảnh chèo của CLB đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả như: “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính”, “Đôi Ngọc Lưu Ly”, “Ngày hội quê hương”, “Trăng sáng quê tôi”, “Yên Nghĩa quê tôi”. Đến xem CLB tập luyện mới thấy hết sự say mê nghệ thuật của các thành viên. Được nghe những làn điệu chèo “mộc” nhưng uyển chuyển, chân tình và tha thiết của các thành viên trong CLB, chúng tôi cảm nhận được CLB thực sự là nhịp cầu nối niềm đam mê âm nhạc của người dân sau những ngày làm việc vất vả. Ông Hoàng Văn Tuýnh, người chuyên dàn dựng, viết kịch bản cho các tiết mục của CLB cho biết: Do tập hợp được những người có năng khiếu về âm nhạc truyền thống ở nhiều lứa tuổi tham gia, ngoài hát chèo, CLB còn luyện tập các bài hát văn: “Cô đôi Thượng ngàn”, “Vầng trăng quê nhà”, “Bà ra đồng”, “Em là cô gái đồng chiêm”; các ca khúc cách mạng, sáng tác thơ. Để hát đúng lời, đúng nhịp, bác Tuýnh đã sưu tầm những đĩa hát văn sau đó nghe đi nghe lại rồi chép lời bài hát, phân đoạn viết nội dung, kịch bản để các thành viên trong CLB cùng luyện tập, biểu diễn. Nhiều gia đình tham gia sinh hoạt trong các CLB văn nghệ quần chúng như: gia đình các ông bà Hoàng Văn Hoằng - Nguyễn Thị Tuyến, Hoàng Trung Tuýnh - Nguyễn Thị Nguyệt… Các gia đình đam mê văn nghệ cũng chính là những gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền của địa phương. Các thành viên trong gia đình ngoài việc chấp hành tốt các quy định của Nhà nước còn là nòng cốt trong việc hướng dẫn các con, cháu trong gia đình biểu diễn các tiết mục đạt thành tích cao trong các hội diễn, liên hoan văn nghệ học đường. Đã thành nếp, cứ ngày cuối tuần tất cả con, cháu của các gia đình đam mê nghệ thuật lại tề tựu, sum họp, đến nhà nhau giao lưu văn nghệ.

Để động viên, khích lệ phong trào văn nghệ quần chúng, hằng năm, Đảng uỷ, UBND xã giao cho Ban văn hoá xã lên kế hoạch, chủ trì tổ chức các chương trình liên hoan, giao lưu văn hoá, văn nghệ nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng 30-4, Tết Trung Thu, Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán, lễ hội đình Ruối... Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể là người dân địa phương, con em làm ăn thành đạt xa quê hương tích cực đóng góp cho phong trào văn nghệ địa phương. Nhiều năm nay, ông Nguyễn Viết Thao, Giám đốc Cty CP Khảo sát và thiết kế xây dựng công trình Hà Nội là người tài trợ chính cho hội thi văn nghệ quần chúng tổ chức trong dịp lễ hội đình Ruối. Hội thi có sự tham gia của 14 đội văn nghệ ở các thôn trong xã. Kinh phí do ông Thao tài trợ với số tiền là từ 15-20 triệu đồng sẽ được trao cho các đội văn nghệ đạt giải.

Phong trào văn nghệ quần chúng ở xã Yên Nghĩa phát triển đã góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất và đời sống của các tầng lớp nhân dân, góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay, cả 14 thôn trong xã đều được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”; tỷ lệ gia đình văn hoá đạt trên 85%./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com