Các "địa chỉ văn hóa" giáo dục truyền thống ở Ý Yên

05:09, 29/09/2017

Những năm qua, công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho thế hệ trẻ ở huyện Ý Yên luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh với nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật lịch sử cách mạng, sân khấu hóa, vẽ tranh cổ động, tọa đàm, nói chuyện truyền thống, chăm sóc các di tích lịch sử - văn hoá...; qua đó góp phần khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Học sinh Trường Tiểu học Đông Thắng, xã Yên Thắng tham quan Đền thờ Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị.
Học sinh Trường Tiểu học Đông Thắng, xã Yên Thắng tham quan Đền thờ Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị.

Hằng năm Phòng VH-TT phối hợp với Phòng GD và ĐT huyện tổ chức cho học sinh các cấp tham quan, nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng huyện và các di tích lịch sử - văn hoá tiêu biểu. Thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Lịch sử”, cả 42 trường tiểu học, 33 trường THCS, 7 trường THPT trong huyện đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa góp phần nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa và lý tưởng cách mạng cho học sinh. Chương trình học bộ môn Lịch sử tại Bảo tàng huyện được chia làm 2 tiết/lớp/học kỳ. Trải nghiệm tại Bảo tàng huyện, học sinh có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng quê hương như: Các tài liệu liên quan đến quá trình hình thành và phát triển quê hương Ý Yên qua các triều đại Lý, Trần, Nguyễn; hình ảnh, tư liệu về 2 bảo vật quốc gia, 41 di tích lịch sử - văn hoá cùng các sản phẩm làng nghề truyền thống: Sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, khảm trai Ninh Xá; hiện vật về các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược… Cùng với các hoạt động tại Bảo tàng huyện, ngành GD và ĐT huyện đã tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho học sinh tại các công trình Đền Liệt sĩ, Nghĩa trang liệt sĩ, qua đó, bồi đắp cho các em lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức rèn luyện vươn lên trong học tập. Hằng năm, nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn tổ chức lễ cầu siêu, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đền Liệt sĩ huyện và Nghĩa trang liệt sĩ các xã, thị trấn. Vào dịp kỷ niệm Chiến thắng 30-4, Ngày QĐND Việt Nam (22-12), các trường học trên địa bàn huyện tổ chức các hoạt động mang tính giáo dục sâu sắc như: dọn vệ sinh, chăm sóc cây xanh, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ xã; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, tân binh nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc; giúp đỡ các CCB có hoàn cảnh khó khăn, thân nhân gia đình liệt sĩ ở địa phương… Các di tích lịch sử - văn hoá đều là những “địa chỉ đỏ” phục vụ công tác nghiên cứu, học tập của các cán bộ, giáo viên và học sinh. Ban giám hiệu các nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên quản lý, hướng dẫn học sinh tham quan di tích, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ phù hợp với lứa tuổi của các em. Ở xã Yên Đồng, hát chầu văn đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của người dân gắn với lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hoá như: Phủ Quảng Cung, Phủ và chùa Đồi, Từ đường họ Phạm... Hằng năm, vào dịp lễ hội, các Trường Tiểu học Yên Đồng A, Yên Đồng B, THCS Yên Đồng và một số trường học các xã: Yên Nhân, Yên Tiến, Yên Khang, Yên Trị đã tổ chức cho học sinh tham quan di tích, tìm hiểu về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tín ngưỡng thờ Mẫu; lễ lội truyền thống với các trò chơi dân gian, nghệ thuật hát văn... Bên cạnh đó, các trường học còn tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hoá, văn nghệ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)…; trong đó các tiết mục văn nghệ dân gian như hát chèo, chầu văn đã thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia biểu diễn. Một số trường còn khuyến khích giáo viên và học sinh sưu tầm các bài đồng dao, hát chèo, hát văn để đưa vào giảng dạy trong học đường. Xã Yên Thắng là địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hoá gắn liền với cuộc đời, sự nhiệp của các vị vua, vị tướng, danh nhân văn hoá của quê hương. Trên địa bàn xã có 1 di tích được Bộ VH, TT và DL công nhận là Chùa Phúc Chỉ và 3 di tích cấp tỉnh là: Đền thờ Vua Đinh, Đền thờ Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị và Đình Phúc Lộc. Hằng năm, vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, các trường: Tiểu học Đông Thắng, Tiểu học Tây Thắng, THCS Yên Thắng, THPT Đỗ Huy Liêu, THPT Phạm Văn Nghị đều tổ chức cho học sinh các khối lớp tham quan các di tích. Trường Tiểu học Đông Thắng có 12 lớp học với tổng số 375 học sinh. Đã thành lệ, cứ vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, nhà trường lại tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, tại đền thờ Phạm Văn Nghị, ôn lại công lao to lớn của Vua Đinh Tiên Hoàng tại Đền thờ Vua Đinh. Cô giáo Mai Thị Hiên, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho học sinh có vai trò quan trọng nhằm phát triển toàn diện nhân cách cho các em. Nhiều năm nay nhà trường thường xuyên tổ chức tiết học giáo dục truyền thống tại các di tích lịch sử - văn hoá cho học sinh các khối lớp 3, 4, 5. Trong ngày này, các em học sinh sau khi dâng hương, em nào có thành tích học tập xuất sắc sẽ được vinh danh tại di tích; qua đó đẩy mạnh phong trào khuyến học - khuyến tài. Tại xã Yên Tiến, Khu lưu niệm Bác Hồ được xây dựng với quy mô và kiến trúc độc đáo nằm trong khuôn viên di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đình Thượng Đồng. Nơi đây, vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm. Hằng năm, nhân kỷ niệm Ngày sinh của Bác (19-5), kỷ niệm ngày Bác về thăm quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Tiến tổ chức dâng hương tại Khu lưu niệm Bác Hồ với ý nghĩa nhớ công ơn Bác, nhằm cổ vũ khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy truyền thống quê hương, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Khu lưu niệm Bác Hồ còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động chính trị - xã hội như: lễ báo công, lễ phát động thi đua, lễ kết nạp đảng viên mới, sinh hoạt truyền thống Hội CCB xã… Vào dịp khai giảng năm học mới, các trường học trên địa bàn xã đều tổ chức lễ rước đuốc truyền thống tại Khu lưu niệm Bác Hồ, đồng thời phát động phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”.

Các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá ở Ý Yên đã đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt ngoại khóa trong các trường học tại địa phương. Những trải nghiệm tại bảo tàng, nhà truyền thống, khu tưởng niệm, di tích lịch sử - văn hoá đều là những bài học giúp học sinh hiểu hơn về truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng của quê hương, tạo động lực để các em vươn lên trong học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, sống có ý thức trách nhiệm hơn đối với quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com