Các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao truyền thống ở Nghĩa Hưng

04:09, 23/09/2017

Trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng hiện còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật thể thao dân gian truyền thống mang đậm giá trị văn hoá đặc sắc ở mỗi địa phương. Toàn huyện hiện có hàng trăm tổ, đội, CLB văn hoá, văn nghệ, thể thao truyền thống; tiêu biểu như: đội múa rồng xã Hoàng Nam, hội trống cà rùng và hội trắc xã Nghĩa Sơn, đội kèn đồng Thị trấn Liễu Đề, phường rối nước xã Nghĩa Trung, đội múa hạc xã Nghĩa Hải, đội cà kheo xã Nghĩa Thắng, đội bơi chải ở các xã: Nghĩa Thái, Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn, Nghĩa Phú…

Bơi chải trong Ngày hội Văn hoá - Thể thao huyện Nghĩa Hưng năm 2017.
Bơi chải trong Ngày hội Văn hoá - Thể thao huyện Nghĩa Hưng năm 2017.

Ở Nghĩa Hưng, nhạc kèn trước đây chủ yếu phục vụ các nghi lễ của đạo Thiên Chúa, ngày nay đã mở rộng phạm vi biểu diễn, tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Trong đó hoạt động sôi nổi nhất là đội kèn đồng tổ dân phố (TDP) Nam (Thị trấn Liễu Đề). Đội kèn đồng TDP Nam hiện có 60 thành viên là một trong những đội kèn tiêu biểu của huyện về công tác xã hội hóa trong hoạt động. Tổng kinh phí nhạc cụ và trang phục của đội hiện nay lên tới gần 200 triệu đồng, phần lớn do các thành viên đóng góp và nhân dân ủng hộ. Với trên 10 năm kinh nghiệm, các thành viên trong đội kèn đồng TDP Nam đều có điều kiện phô diễn các kỹ thuật biểu diễn khó, độc đáo với các loại nhạc cụ như: saxophone, trumpet, trombone, clarinet, cymbales Hằng năm, cứ vào Ngày hội VH-TT huyện, đội kèn đồng TDP Nam đều tập luyện, biểu diễn nhiều bản nhạc cách mạng. Với thế mạnh của loại nhạc cụ giàu âm hưởng hùng tráng, đội kèn đồng TDP Nam đã được mời biểu diễn trong các tuần lễ, sự kiện văn hoá ở các tỉnh: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Thành phố Hà Nội… Cũng như nhạc kèn, từ lâu âm thanh của tiếng trống hội cà rùng ở Nghĩa Hưng đã vượt khỏi khuôn viên các nhà thờ để tham gia vào các hoạt động văn hóa và các sự kiện chính trị của xã, của huyện. Hội trống cà rùng Nghĩa Sơn hiện có 50 người, trong đó 2 người đánh trống cái, 25 người đánh trống con, 10 người đánh cồng, 5 người chơi lá bạc, 10 người múa gậy, thổi còi, phụ hoạ. Mỗi khi đội trống hòa tấu, âm thanh vang vọng cả một vùng. Hằng năm, âm thanh của tiếng trống cà rùng do các thành viên trong hội vẫn vang lên rộn rã trong Ngày hội VH-TT huyện. Cùng với hoạt động sôi nổi của các CLB chơi nhạc cụ truyền thống, phong trào văn nghệ ở Nghĩa Hưng phát triển mạnh ở các loại hình nghệ thuật dân gian như: chèo, cải lương, hát văn… Các đội, CLB văn nghệ hoạt động sôi nổi nhất vào dịp Tết Nguyên đán, lễ mừng thọ đầu xuân, lễ hội làng… Hằng năm, vào dịp lễ hội làng truyền thống, CLB hát dân ca xã Nghĩa Thịnh biểu diễn phục vụ nhân dân những tiết mục chèo đặc sắc có ý nghĩa tưởng nhớ các vị thành hoàng làng, các danh nhân, anh hùng dân tộc đã có công trong việc quai đê, lập ấp, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Ở xã Nghĩa Trung, CLB văn nghệ được thành lập với trên 20 diễn viên, nhạc công, sinh hoạt định kỳ vào chiều thứ 7 hằng tuần, cùng nhau sáng tác, viết lời mới cho các làn điệu chèo, dàn dựng các hoạt cảnh sân khấu cùng nhiều tiết mục văn nghệ, tích cực phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Vào dịp mừng Đảng, mừng Xuân, những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, CLB tổ chức biểu diễn chương trình múa hát dân ca với những ca khúc mang âm hưởng dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ như: “Chín bậc tình yêu”, “Ngợi ca quê hương”, “Dòng sông quê mẹ”, “Người ơi người ở đừng về”… Tại Hội diễn văn nghệ quần chúng huyện Nghĩa Hưng năm 2017 vừa qua, CLB văn nghệ xã Nghĩa Trung đã giành giải nhất toàn đoàn với các tiết mục ca múa nhạc “Cánh chim tuổi thơ”, “Hồn quê”. Bên cạnh các loại hình văn hoá, các bộ môn thể thao truyền thống ở Nghĩa Hưng vẫn được các địa phương duy trì và phát triển. Trên địa bàn huyện hiện có gần 50 lễ hội tổ chức các môn thể thao truyền thống như: đấu vật, bơi chải, bơi lội, cờ người, cờ trình, kéo co, biểu diễn võ thuật… Trong đó, bơi chải là môn thể thao mang đậm sắc thái văn hoá của người dân vùng sông nước. Hiện toàn huyện có 13 xã, thị trấn thành lập được đội bơi chải, mỗi đội có từ 10-15 người. Nhiều địa phương có đội bơi chải mạnh thường xuyên tham gia các giải TDTT do huyện, tỉnh tổ chức; tiêu biểu như các xã: Nghĩa Thái, Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phú và Thị trấn Liễu Đề. Cơ sở vật chất phục vụ thi đấu như các chải, tay chải, đồng phục thi đấu, trống, mõ… trang bị cho một đội chải trị giá hàng trăm triệu đồng được nhân dân các địa phương đóng góp mua sắm. Trong những ngày diễn ra bơi chải, hàng nghìn người đứng hai bên bờ sông cổ động hòa trong tiếng trống, tiếng reo hò đã làm sôi động cả một vùng. Tại Đại hội TDTT huyện lần thứ VIII năm 2017 tổ chức nhân dịp kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2-9, cuộc thi bơi chải toàn huyện trên sông Thống Nhất có sự tham gia của 6 xã, thị trấn với 4 đội bơi chải nam và 4 đội bơi chải nữ. Kết quả, đội bơi chải xã Nghĩa Sơn giành giải nhất nội dung bơi chải nam, đội bơi chải Thị trấn Liễu Đề giành giải nhất nội dung bơi chải nữ. Các đội bơi chải đạt giải cao ở địa phương đều là lực lượng nòng cốt đại diện cho huyện tham dự Giải bơi chải toàn tỉnh hằng năm.

Các CLB văn hoá, văn nghệ, thể thao truyền thống ở Nghĩa Hưng hoạt động sôi nổi, hiệu quả là có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân trong việc huy động các nguồn lực xã hội đóng góp kinh phí cho hoạt động. Để mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động văn nghệ, thể thao, các địa phương trong huyện cần quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hoá, thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt các tổ, đội CLB văn hoá, văn nghệ, TDTT. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Hướng dẫn, khuyến khích nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc, thể thao truyền thống./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com