Trảy hội mùa thu

04:09, 23/09/2017

Là vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử - văn hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 40 lễ hội được tổ chức vào mùa thu, tập trung ở Thành phố Nam Định và các huyện: Mỹ Lộc, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh. Trong đó nhiều lễ hội được tổ chức quy mô như: Lễ hội Đền Trần (TP Nam Định), lễ hội Đền Bảo Lộc, lễ hội Đền Lựu Phố (Mỹ Lộc), lễ hội Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), lễ hội Đền Độc Bộ (Ý Yên)... Các lễ hội đều được tổ chức đúng quy chế, theo quy định của Luật Di sản văn hóa, trở thành một nét sinh hoạt văn hoá tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Mỗi lễ hội ở các địa phương trong tỉnh mang một ý nghĩa, sắc thái riêng, nhưng đều có điểm chung là tưởng nhớ những người có công với quê hương đất nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tùy vào đặc điểm di tích và nhân vật được thờ phụng, quy mô lễ hội được tổ chức khác nhau; thường được mở từ 2 đến 5 ngày. Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Trong phần nghi lễ, đoàn rước thường diễn ra hoành tráng. Đoàn rước lớn có thể đông tới ba, bốn trăm người gồm tiểu ban phù giá đảm nhận việc khiêng ngai kiệu, chiêng trống, hương án, long đình; tiểu ban hộ giá đi sau hương án, đồ thờ có cờ ngũ hành và các đồ hộ quốc như trùy đồng, hồng trượng; tiếp đó là tàn lọng uy nghi cùng đội nhạc cổ “lưu thủy” hòa tấu rộn rã... Sau nghi thức rước kiệu thường là nghi lễ dâng hương. Nhiều năm qua, nghi lễ dâng hương tại các lễ hội đều có sự tham gia của học sinh các trường học, qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, ở các lễ hội mùa thu thường là thời điểm học sinh bắt đầu bước vào năm học mới; ở một số di tích sau khi dâng hương tưởng niệm nhân vật được thờ phụng, các em có thành tích học tập tốt được tuyên dương và trao thưởng ngay tại di tích. Điều ghi nhận qua 4 năm thực hiện Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND, ngày 30-5-2013 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cách thức tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp; các mô hình quản lý lễ hội được xây dựng hiệu quả, phù hợp với từng địa phương.

Múa rồng trong lễ hội Đền Trần.
Múa rồng trong lễ hội Đền Trần.

Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia năm 2011. Lễ hội Đền Lựu Phố là một trong những lễ hội mùa thu diễn ra sớm nhất (7-7 âm lịch) nhằm tưởng nhớ công lao của Thái sư Trần Thủ Độ. Lễ hội được tổ chức trang trọng với phần lễ gồm: tế cáo, tế chính kỵ, lễ rước kiệu, lễ dâng hương, tế nữ quan. Ngoài các nghi thức như dâng hương, tế lễ, rước kiệu, phần hội còn tổ chức giải bóng đá “Hào Khí Đông A” và một số trò chơi dân gian như: đánh cờ người, leo cầu kiều, bịt mắt bắt vịt...

Lễ hội Đền Trần tưởng nhớ ngày mất của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (20 tháng 8 âm lịch) thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương. Lễ hội diễn ra tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần, phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định. Nghi lễ được diễn ra với các lễ rước từ các đình, đền xung quanh về dâng hương, tế tự ở Đền Thiên Trường thờ 14 vị Vua Trần.

Ngày 20-8 âm lịch tiến hành nghi lễ dâng hương kỷ niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Trong không khí linh thiêng hương trầm lan tỏa, người dân địa phương và khách thập phương thắp nén hương thơm tưởng nhớ công lao của các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, cùng ôn lại những áng thiên cổ hùng văn bất hủ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn như: “Vạn Kiếp Bí Tông Truyền thư”, “Binh Gia Diệu Lý yếu lược” và “Hịch Tướng sĩ”. Phần hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian phong phú, độc đáo như: múa lân, múa sư tử, hát chèo, chọi gà, múa võ... Theo kế hoạch của BTC Lễ hội, Lễ hội Đền Trần năm nay sẽ có thêm trò chơi kéo co nam, nữ của các đội thuộc 9 khu dân cư phường Lộc Vượng.

Huyện Trực Ninh có 5 lễ hội mùa thu, tiêu biểu như các lễ hội: Chùa Cổ Lễ, Chùa Nam Lạng, Chùa Lương Hàn... BTC lễ hội ở địa phương trong huyện đều xây dựng kịch bản lễ hội trình cấp thẩm quyền phê duyệt; trong đó chú trọng việc bảo tồn các nghi thức truyền thống mang đậm nét văn hóa thông qua việc khôi phục các trò chơi dân gian. Lễ hội chùa Cổ Lễ được tổ chức từ ngày 13 đến 16 tháng 9 âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ Thiền sư Nguyễn Minh Không. Đây là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh còn bảo lưu được nhiều nghi thức văn hóa, thể thao truyền thống như: Lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người, bơi chải... phản ánh đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân trồng lúa nước. Trong quá trình diễn ra lễ hội, BTC lễ hội chùa Cổ Lễ tăng cường công tác tuyên truyền nếp sống văn hóa lễ hội; ban hành quy chế nghiêm cấm các hành vi phản cảm diễn ra trong khuôn viên di tích và lễ hội; tổ chức thanh, kiểm tra; sắp xếp các điểm đặt hòm công đức hợp lý để khắc phục tình trạng thả tiền, ném tiền tại nơi thờ tự, qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dự hội, thực hiện nếp sống văn hóa lễ hội.

Tại huyện Xuân Trường, các lễ hội được gắn với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Qua lễ hội, huyện đã gìn giữ được nhiều trò chơi dân gian như bơi chải, đấu vật, múa kiếm, côn quyền, thi làm bánh giầy, múa sư tử, đi kheo. Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện ngoài kiến trúc độc đáo còn chứa đựng các giá trị văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo tiêu biểu. Lễ hội chùa Keo Hành Thiện được tổ chức vào trung tuần tháng 9 âm lịch kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh tổ Dương Không Lộ, vị Quốc Sư Bồ tát, vị Thành Hoàng làng Hành Thiện, nhân vật trung tâm của lễ hội. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành VH, TT, DL, BTC lễ hội đã thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội, xứng tầm với di tích được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia đặc biệt. Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện diễn ra nhiều nghi thức và trò chơi dân gian đặc sắc như: phụng nghinh; bơi chải, phục miều y, dựng phướn, rước đèn; Thánh đàn múa rối, chèo cạn; cờ tướng, cầu đu, chọi gà, làm bánh dầy… Lễ hội truyền thống Chùa Keo Hành Thiện phụng thờ Đức Thánh tổ Dương Không Lộ là người có công khai hoang, dạy dân nghề nông, ngư nghiệp, thủ công nghiệp. Những hình thức sinh hoạt văn hóa tại khu di tích Chùa Keo Hành Thiện không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân địa phương mà còn thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng, phản ánh sinh động đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng.

Từ thực tế nhiều năm qua, công tác tổ chức lễ hội mùa thu ở các địa phương trong tỉnh đã đáp ứng nhu cầu của người dân về đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống mang đậm tinh thần thượng võ của dân tộc. Trong lễ hội, ý nghĩa của phần “lễ” không chỉ mang tính chất tín ngưỡng thuần túy mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Tuy nhiên, ở một số lễ hội vẫn tồn tại những mặt trái cần khắc phục như tình trạng người ăn xin, bán hàng rong đeo bám du khách, đặc biệt là việc lợi dụng lễ hội để tăng giá tùy tiện các dịch vụ trông giữ phương tiện, bán hàng ăn uống, bán đồ lễ, giấy sớ, vàng mã..., ảnh hưởng tới không gian linh thiêng của di tích và làm xấu hình ảnh lễ hội. Kịch bản chương trình lễ hội ở một số địa phương vẫn chưa có nhiều đổi mới so với năm cũ, nhất là phần hội nên chưa hấp dẫn nhiều du khách…

Để lễ hội thực sự phát huy được vai trò là sản phẩm văn hóa phi vật thể, tái tạo được những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, đồng thời tạo nên sức hấp dẫn, thu hút du khách, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, và các ngành chức năng và BTC lễ hội các địa phương cần quan tâm tới công tác tổ chức, quản lý lễ hội theo Quyết định 17 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. BTC lễ hội các địa phương cần xây dựng kịch bản lễ hội một cách khoa học, phù hợp với điệu kiện hoàn cảnh và nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, tạo sức hấp dẫn cho du khách tham dự lễ hội. Ban hành quy chế lễ hội, chú trọng công tác thanh, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy chế lễ hội. Xây dựng và quảng bá hình ảnh đẹp đối với du khách, góp phần phát triển du lịch tâm linh của tỉnh./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com