Phát huy giá trị văn nghệ dân gian trong đời sống hôm nay

03:08, 05/08/2017
Tỉnh ta là địa phương giàu di sản văn hóa, trong đó có các loại hình văn nghệ dân gian như hát chèo, hát trống quân, hát văn, hát ví, hát giao duyên... Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
 
Sở VH, TT và DL đã ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2021 với các ngành: Công an tỉnh, Sở GD và ĐT, LĐLĐ tỉnh, Hội LHPN tỉnh, trong đó có việc phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. Các đơn vị trực thuộc Sở VH, TT và DL như Nhà hát Chèo, Trung tâm văn hóa 3-2... tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ cho các trung tâm văn hóa huyện, thành phố, CLB văn nghệ quần chúng... LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các công đoàn cơ sở phát triển phong trào văn nghệ trong CNVCLĐ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Để thúc đẩy phong trào văn nghệ phát triển, công đoàn các cơ quan, đơn vị đã tích cực tổ chức các hoạt động biểu diễn văn nghệ nhân các ngày kỷ niệm như: Hưởng ứng Tháng Công nhân, Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Kỷ niệm Chiến thắng 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20-10)… trong đó mật độ các tiết mục văn nghệ dân gian như hát chèo, chầu văn ngày càng dày đặc đã thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương đưa các loại hình văn nghệ dân gian vào trường học; thành lập các CLB văn hoá văn nghệ. Hằng năm, các cấp học đều tổ chức đại hội “Cháu ngoan Bác Hồ”, “Liên hoan đàn và hát dân ca”, “Tiếng hát hoa phượng hồng”… thu hút nhiều học sinh và giáo viên tham gia. Nhiều trường còn phát động giáo viên và học sinh sưu tầm các bài đồng dao, hát chèo, hát văn để đưa vào giảng dạy, tổ chức thi các làn điệu dân ca trong giáo viên, học sinh. Vừa qua, Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm 2017 do Sở GD và ĐT tổ chức đã có 60 đoàn đến từ 10 Phòng GD và ĐT và 50 trường THPT với 199 tiết mục dự thi ở các thể loại ca, múa, nhạc. Trong số các tiết mục dự thi, nhiều tiết mục văn nghệ dân gian với sự chuẩn bị chu đáo, dàn diễn viên, ca sĩ đồng đều, trang phục đẹp được Ban giám khảo đánh giá cao, tiêu biểu như tiết mục hát chầu văn của Trường THPT Nguyễn Khuyến lọt vào 5 tiết mục xuất sắc được vào vòng chung khảo.
Một tiết mục hát văn tại Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” tỉnh Nam Định năm 2017.  Bài và ảnh: Viết Dư
Một tiết mục hát văn tại Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” tỉnh Nam Định năm 2017. 
Nhìn rộng từ các cuộc thi, các hội diễn văn nghệ gần đây, có thể thấy các loại hình văn nghệ dân gian luôn có đất diễn và các cá nhân, đoàn nghệ thuật đại diện cho tỉnh tham gia đều gặt hái được những thành công nhất định. Tại Liên hoan tiếng hát Người Bưu điện lần thứ I năm 2017 được tổ chức ở Hà Nội, Đoàn nghệ thuật của Bưu điện Nam Định đã xuất sắc giành giải đặc biệt với bài hát văn “Bưu điện Việt Nam tỏa sáng muôn đời”. Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2017 diễn ra ở Thành phố Thanh Hóa, nghệ sĩ Thanh Tùng (37 tuổi) công tác tại Đoàn Cải lương Nam Định giành Huy chương Vàng. Trong phần thi độc tấu phối hợp nhuần nhuyễn với ê-kíp hỗ trợ gồm: NSƯT Thu Thủy, NSND Quang Chí, nhạc sĩ Thế Thiệp, nhạc sĩ Duy Hòa thể hiện thành công tiết mục “Nam Định quê tôi” (Kết hợp chầu văn và đờn ca tài tử). Sức lan tỏa của nghệ thuật hát chầu văn trong các hoạt động văn hóa văn nghệ ở các ngành, các cuộc thi là những tín hiệu đáng mừng bởi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh ta là một trong những trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lớn nhất cả nước và nghi lễ hầu đồng ở tỉnh ta gắn với nghệ thuật hát chầu văn. Trên bình diện chung, hiện tại toàn tỉnh có trên 500 người trực tiếp tham gia thực hành “Nghi lễ chầu văn” gồm các thanh đồng, cung văn, nhạc công có tính “chuyên nghiệp”. Theo số liệu khảo sát của Sở VH, TT và DL, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 hội, bản hội; mỗi hội, bản hội có 100-200 con nhang đệ tử. Trong đó huyện Mỹ Lộc có hội phủ Tâm Linh, huyện Nam Trực có bản hội Chân Hương, huyện Trực Ninh có các bản hội: Đông Quang phủ có 120 người, Ninh Quang phủ có 100 người, Thanh Hoa điện có 80 người, Đông Cuông có 70 người, Thiêm Lộc phủ, Đông A phủ (xã Trung Đông), Đông Minh (Thị trấn Cổ Lễ) với 60 người; huyện Ý Yên có bản hội phủ Quảng Cung với 110 người; huyện Xuân Trường có bản hội Cửu Long với 80 người... Các bản hội ngoài tổ chức thực hành nghề còn tích cực truyền dạy các bài văn cổ nâng cao năng lực cho hội viên.
 
Ở các huyện, thành phố, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ đã góp phần khôi phục phát huy tiềm năng văn nghệ dân gian. Hằng năm, các huyện, thành phố đều tổ chức hội diễn, liên hoan, hội thi văn nghệ quần chúng các cấp, thu hút hàng nghìn lượt diễn viên, nhạc công không chuyên tham gia. Trong các hội diễn văn nghệ, các huyện, thành phố đặc biệt khuyến khích các tiết mục dân ca, nhạc cổ truyền mang đặc trưng của mỗi địa phương. Các đội văn nghệ của làng xã, đặc biệt là các làng chèo truyền thống cũng được khôi phục. Tiêu biểu như các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Xuân Trường... Ở huyện Vụ Bản, để nâng cao chất lượng các tiết mục biểu diễn hát chèo, chầu văn, Phòng VH-TT huyện đã mời diễn viên Nhà hát Chèo Nam Định về trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhiều CLB văn nghệ quần chúng. Tiêu biểu như ở làng Vụ Nữ, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) có đội hát chèo được thành lập từ năm 1950. Sau một thời gian dài trầm lắng, năm 2010, ông Triệu Đình Duyệt và bác Triệu Huy Hà đã tập hợp những người yêu chèo để tái lập đội chèo làng Vụ Nữ. Được sự giúp đỡ về kinh phí của con em xa quê hương, Phòng VH-TT huyện đã mời các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Nam Định về tập huấn nghệ thuật hát chèo cho đội chèo làng Vụ Nữ. Lớp tập huấn đã thu hút 30 học viên là các thành viên trong đội và các hạt nhân năng khiếu về nghệ thuật chèo tham gia. Các học viên được các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Nam Định truyền dạy các làn điệu chèo cổ, hát xẩm, hát văn, hoạt cảnh, giá đồng, ca cảnh với nội dung ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi quê hương, đất nước, phong trào xây dựng NTM. Qua quá trình tập luyện, đến nay bên cạnh các làn điệu chèo cổ, các thành viên trong đội còn cải biên, sáng tác lời mới cho các làn điệu chèo, dàn dựng các hoạt cảnh chèo phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương, như: “Vui hội làng”, “Mừng quê hương đổi mới”… Ở huyện Ý Yên, ngoài việc khôi phục các đội chèo truyền thống còn giữ được loại hình nghệ thuật “hiếm” hiện nay là hát ca trù. CLB ca trù Ý Yên được thành lập từ năm 2002, khi đó quỹ FORD thông qua các cấp chính quyền đã tài trợ cho 5 học viên (đều ở huyện Ý Yên) có năng khiếu về các làn điệu dân ca truyền thống đi học lớp bồi dưỡng ca trù ở Hà Nội. Qua lớp học đã đào tạo được 3 ca nương, 1 kép đàn, 1 trống chầu. Đến nay, CLB có 5 thành viên gồm 2 ca nương: cô Nguyễn Thị Lý, chị Bùi Thị Lan; anh Ngô Minh Hinh làm kép đàn; anh Bùi Ngọc Tĩnh và Nghệ nhân Ưu tú Quang Lộc thay nhau đánh trống chầu. Hiện nay, người cầm chầu của CLB là Nghệ nhân Ưu tú Quang Lộc, Chủ nhiệm CLB. Ông vừa có khả năng đánh trống, vừa viết lời mới cho các bài ca trù như các bài: “Ý Yên bức tranh quê”, “Trấn Sơn Nam địa linh”, “Nam Quốc sơn hà”… Các thành viên trong CLB luôn tâm niệm ngoài việc nghiêm túc với nghề, còn phải truyền được cảm hứng, tình yêu, sự say mê đến với công chúng. Để quảng bá nghệ thuật ca trù truyền thống, ngay từ khi thành lập, CLB đã mở các lớp dạy hát ca trù miễn phí ở xã Yên Xá với sự tham gia của học viên đến từ khắp các địa phương trong tỉnh. Kết thúc các lớp học, CLB đều tổ chức buổi công diễn thu hút đông đảo khán giả đến xem.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay, những đặc trưng giá trị văn nghệ dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một. Tuy nhiên, bằng sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng và sự chung tay của cộng đồng, tỉnh ta vẫn duy trì nhiều CLB, tổ đội văn nghệ dân gian, nhiều “đội chèo gia đình”, “gia đình hát văn” với sự tham gia của nhiều thế hệ hoạt động khởi sắc. Những minh chứng đó đã thể hiện sức sống mãnh liệt của văn nghệ dân gian trong đời sống tinh thần của nhân dân./.
 
Bài và ảnh:  Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com