Những ngôi chùa ở Giao Thủy

04:08, 04/08/2017

Huyện Giao Thủy hiện có 30 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó phần lớn là những ngôi chùa, tiêu biểu như: Chùa Hà Cát, xã Hồng Thuận; Chùa Diêm Điền, Thị trấn Ngô Đồng; Chùa Hoành Nha, xã Giao Tiến; Chùa An Lạc, xã Giao Thiện; Chùa Hoành Lộ, xã Giao An... Các di tích trên ngoài bảo lưu được kiến trúc độc đáo cùng nhiều di vật cổ còn là những cơ sở cách mạng của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến. Ngày nay, những ngôi chùa ở Giao Thủy vẫn tiếp tục phát huy giá trị là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa thu hút đông đảo phật tử tham gia.

Chùa An Lạc, xã Giao Thiện thờ Phật, được xây dựng theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” bái đường 5 gian và trung đường 5 gian. Bái đường xây cuốn và lợp ngói nam, nổi bật là tòa trung đường với hệ thống lâu gác xây kiểu hai tầng tám mái. Chùa An Lạc được hình thành song hành cùng sự ra đời của quê hương, đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Ngày 22-8-1945 tại Chùa An Lạc, Uỷ ban Kháng chiến lâm thời của xã Chí Thiện được thành lập. Những năm 1950-1956 di tích Chùa An Lạc được chọn làm địa điểm tổ chức lớp học cho nhân dân. Trong trận đánh “Tàu cạn” ở bãi Phú Hương diễn ra vào ngày 15-3-1953, Chùa An Lạc là nơi sơ cứu thương bệnh binh và tiếp nhận tử sĩ... Hiện nay, Chùa An Lạc đã được nhân dân địa phương và du khách thập phương cúng tiến trùng tu tôn tạo nhưng vẫn bảo lưu kiến trúc gốc. Năm 2008, chùa được trùng tu với kinh phí trên 600 triệu đồng. Năm 2009, chùa tiếp tục được cải tạo, mở rộng khuôn viên... Với những giá trị kiến trúc và ý nghĩa lịch sử Chùa An Lạc đã được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Chùa An Lạc, xã Giao Thiện.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Chùa An Lạc, xã Giao Thiện.

Chùa Hoành Lộ, xã Giao An được xây dựng cùng khuôn viên với đình làng. Chùa được xây theo kiểu chữ “Đinh” gồm bái đường 5 gian, tam bảo 3 gian. Hiện nay tại bái đường, Chùa Hoành Lộ bài trí hệ thống tượng Hộ pháp khuyến thiện, Hộ pháp trừng ác, tượng Đức ông theo phong cách văn hóa truyền thống dân tộc. Tòa tam bảo Chùa Hoành Lộ gồm 3 gian xây nối với tiền đường, tạo thành bình diện kiến trúc hình chữ “Đinh”. Trên ban thờ tam bảo hiện nay bài trí 18 pho tượng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài việc thờ tự phục vụ đời sống tâm linh, di tích đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1947 đội dân quân tự vệ của xã được thành lập đã chọn Đình Chùa Hoành Lộ là nơi luyện tập, tuần tra canh gác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương. Giai đoạn từ tháng 10-1949 đến tháng 2-1952, Đình chùa Hoành Lộ là địa điểm tin cậy cho nhiều cán bộ, đảng viên về hoạt động chỉ đạo phong trào cách mạng. Bên cạnh đó, Đại đức Thích Thanh Quảng trụ trì chùa đã cởi áo cà sa lên đường đánh giặc và đã hy sinh anh dũng trên chiến trường.

Chùa Nổi còn có tên gọi khác là Nhật Quang Tự thuộc thôn Sơn Lâm, xã Hoành Sơn. Chùa Nổi ngoài thờ Phật còn thờ các vị tổ có công lập làng Hoành Nhị. Đầu thế kỷ XVIII chùa được xây dựng bằng gỗ lim, lợp ngói ta. Sang thế kỷ thứ XIX chùa được xây dựng thêm bái đường. Trải qua hơn 2 thế kỷ, 12 vị sư về trụ trì đã trở thành sư tổ, các vị đều hết lòng phụng đạo, xây dựng nội, ngoại thất chùa ngày một khang trang. Hiện nay, chùa có quy mô khá lớn bao gồm các tòa bái đường, tam bảo, nhà tổ, phủ thờ mẫu, nhà khách, tăng phòng. Ngoài ra ở đây còn có gác chuông làm theo kiểu chồng diêm ba tầng, tường hoa, tường bao cùng với cây cổ thụ, cây lưu liên hòa nhập với công trình, tạo nét trầm mặc, cổ kính, tôn nghiêm. Chùa Nổi gắn liền với lịch sử cách mạng của địa phương. Cố nhà sư Bùi Phúc Hải là trụ trì chùa đã gắn việc đạo với việc đời biến chùa thành cơ sở cách mạng và kháng chiến. Trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945, Chùa Nổi là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của Huyện ủy, là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng; trong đó có ông Tô Ngọc, Tô Giáp là cán bộ Việt Minh hoạt động ở địa phương. Để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, cán bộ Việt Minh đã lấy Chùa Nổi làm cơ sở để luyện tập quân sự và bố trí lực lượng vũ trang cướp chính quyền. Đầu năm 1947-1948 thực dân Pháp mở nhiều cuộc càn quét từ Thành phố Nam Định ra ngoại thành, xã Hoành Sơn lúc này là nơi cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong phong trào tòng quân cứu nước, đệ tử của cụ Phúc Hải nhiều người đã cởi áo cà sa lên đường đánh giặc.

Với ý thức giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, những năm qua, nhiều ngôi chùa ở Giao Thủy đã được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các địa phương quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị. UBND huyện chỉ đạo Phòng VH-TT phối hợp với Huyện Đoàn, Phòng GD và ĐT… triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Phòng GD và ĐT huyện chỉ đạo các trường tiểu học và THCS tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích. Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn đảm nhận chăm sóc, bảo vệ, trồng cây tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Thời gian qua, các ngôi chùa ở Giao Thủy là nơi diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như: Ngày lễ Vu Lan 15-7 (âm lịch), ngày lễ Phật Đản 14-4 (âm lịch), khóa sinh hoạt hè miễn phí cho học sinh... Đại đức Thích Thanh Tòng, trụ trì Chùa An Lạc cho biết: Các khóa học chủ yếu dạy về đạo lý nhà Phật, các sư thầy muốn hướng các cháu hiếu lễ với bố mẹ, ông bà, thầy cô. Giảng về các giới (không trộm cắp, không lừa đảo, không nói dối), những đứa trẻ quá hiếu động được các thầy dạy cách ngồi thiền để tâm trí được tĩnh hơn... Sau khóa học, các học viên sẽ có niềm an vui, thương và hiểu mọi người hơn, biết tự phục vụ cho chính mình. Tại chùa còn mở các chương trình rèn luyện kỹ năng sống giảng dạy về đạo lý, cai nghiện game và tránh xa các vấn đề tiêu cực trong học đường. Ở chùa Linh Quang, Thị trấn Ngô Đồng từ năm 2010 đến nay đều mở khóa tu đạo đức dành cho thanh thiếu niên. Các khóa tu đạo đức thu hút ngày càng đông thanh thiếu niên trong huyện, với nhiều chủ đề như: “Sống đẹp giữa đời”, “Khơi nguồn yêu thương”, “Hiểu và thương”. Những bài học đạo đức hiếu lễ với cha mẹ, giúp đỡ người nghèo khó, hướng thiện, khi có lỗi biết nhận lỗi, sửa sai, biết quan tâm giúp đỡ bạn bè, cách ứng xử đời thường… do các sư thầy giảng giải đều lồng vào những câu chuyện, triết lý nhà Phật tưởng chừng đơn giản mà thâm thúy, sâu xa. Trong thời gian theo học các khoá tu đạo đức ở chùa đã giúp các em nhận biết đúng, sai ở đời, hướng tới chân, thiện, mỹ. Nhiều em chưa ngoan, nhờ được học, được các sư thầy giảng giải thấu tình, đạt lý đã tự giác sửa đổi, nuôi dưỡng ý chí phấn đấu học tập, rèn luyện... Hiện nay, trên địa bàn huyện Giao Thủy nhiều chùa cũng tổ chức các khóa tu đạo đức thiết thực, hiệu quả cho học sinh như Chùa Tiên Chưởng, xã Giao Châu; Chùa Hoành Nha, xã Giao Tiến...

Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương tích cực vận động các tổ chức, cá nhân chung tay bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tâm linh của những ngôi chùa nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, nâng cao đời sống tinh thần, tạo sức mạnh nội lực cho nhân dân trong công cuộc lao động sản xuất, xây dựng quê hương phát triển./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com