Âm vang khúc ca trù ngày xuân

07:02, 27/02/2016

Đã thành thông lệ, mỗi dịp xuân sang những thành viên của CLB Ca trù Ý Yên lại hăng say luyện tập các tiết mục biểu diễn phục vụ nhân dân. Bên cạnh những bài ca trù cổ, những ca khúc mới mang âm hưởng ngày xuân được ca nương, nhạc công CLB thể hiện nhuần nhuyễn như: “Nét ca trù ngày xuân”, “Hạt mưa mùa xuân”… luôn nhận được sự tán thưởng của đông đảo khán giả.

Ca nương Nguyễn Thị Lý và con gái là ca nương Bùi Thị Lan dạy các em nhỏ gõ nhịp phách trong ca trù.
Ca nương Nguyễn Thị Lý và con gái là ca nương Bùi Thị Lan dạy các em nhỏ gõ nhịp phách trong ca trù.

Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Trần Quang Lộc, Chủ nhiệm CLB ca trù Ý Yên cho biết: Nghệ thuật ca trù có nhiều tên gọi khác nhau như: Hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát cửa đình, hát ca công. Ca trù Nam Định có hơn 40 thể, chia làm 3 lối hát chính: hát cửa đình, hát thi và hát chơi. Hát cửa đình là lối hát gắn với tục thờ thần hoàng làng, nội dung ca ngợi công đức của các bậc anh hùng dân tộc, những danh nhân, các vị tổ nghề đã có công khai ấp, lập thôn, trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Lối hát thi thường gắn với đời sống. Hằng năm vào mùa xuân, các làng thường mở hội, tổ chức cuộc thi ở cửa đình để tuyển chọn đào hay kép giỏi. Qua đó, các đào nương chính thức làm lễ “mở xiêm áo” và được công nhận hành nghề. Hát chơi có nội dung phóng khoáng với các bài hát tả tình gồm các thể chính như: hát nói, hát ru, ngâm vọng, kể chuyện, tỳ bà, nhịp ba cung… Bởi mang tính “phổ cập” nên lối hát chơi là thế mạnh biểu diễn của CLB ca trù Ý Yên. CLB ca trù Ý Yên được thành lập từ năm 2002, khi đó quỹ FORD thông qua các cấp chính quyền đã tài trợ cho 5 học viên (đều ở huyện Ý Yên) có năng khiếu về các làn điệu dân ca truyền thống đi học lớp bồi dưỡng ca trù ở Hà Nội. Qua lớp học đã đào tạo được 3 ca nương, 1 kép đàn, 1 trống chầu. Tuy nhiên để trở thành ca nương, không những cần tình yêu, sự đam mê hay chất giọng phù hợp mà còn cần cái “duyên” với ca trù nên trong số 3 ca nương được đi học hiện chỉ còn chị Bùi Thị Lan vẫn tham gia sinh hoạt CLB. Từ niềm đam mê, chị Lan và mẹ chị là Nguyễn Thị Lý cũng học ca trù và tham gia CLB. Đến nay, CLB có 5 thành viên gồm 2 ca nương: cô Nguyễn Thị Lý, chị Bùi Thị Lan; anh Ngô Minh Hinh làm kép đàn; anh Bùi Ngọc Tĩnh và NNƯT Quang Lộc thay nhau đánh trống chầu. Chị Bùi Thị Lan, ca nương chính của CLB cho biết: Để học được các làn điệu ca trù đòi hỏi nhiều thời gian luyện tập bởi bên cạnh thanh nhạc thì khí nhạc có vai trò rất quan trọng, gồm cỗ phách, đàn đáy và trống chầu. Khi hát ca trù, ca nương không được há miệng to mà chỉ như mím môi, ém hơi trong cổ, ậm, ừ mà lời ca nghe vẫn rõ ràng, tròn vành, rõ chữ. Với lối hát chơi phải có cách đổ hột, dân trong nghề gọi là “đổ con kiến”. Ca nương khi hát cần kết hợp dùng cỗ phách gồm một thanh tre hay mảnh gỗ gọi là bàn phách, hai chiếc dùi gỗ là phách cái và phách con để đúng nhịp điệu. Đi với hát và phách của ca nương là tiếng đàn đáy. Anh Ngô Minh Hinh hiện là kép đàn duy nhất của CLB Ca trù Ý Yên chia sẻ: Đàn đáy rất độc đáo và chỉ được dùng duy nhất trong Ca trù. Khi biểu diễn, nhạc công phải đánh rõ tiếng vê, tiếng vẩy, tiếng lia, tay trái phải biết cách nhấn, rung, nhấn chùm, bấm 3 dây khi dàn chữ. Khi chân phương thì dìu dặt, khi mạnh, khi nhẹ, tạo thành nét nhạc và hồn nhạc. Vai trò của trống chầu cũng rất quan trọng trong biểu diễn ca trù, dùi trống được gọi là roi chầu. Người đánh trống cầm roi chầu trong tay phải, nếu gõ vào trong trống gọi là “Chát”, đánh sát trên mặt trống gọi là “Tom”. Người cầm chầu gọi là “Quan viên”, phải sành ca trù, biết rõ các khổ đàn, khổ phách, biết đàn thế nào là hay để đánh trống khen, chê. Hiện nay, người cầm chầu của CLB là NNƯT Quang Lộc, Chủ nhiệm CLB. Ông vừa có khả năng đánh trống, vừa viết lời mới cho các bài ca trù như các bài: “Ý Yên bức tranh quê”, “Trấn Sơn Nam địa linh”, “Nam Quốc sơn hà”… Cái riêng của ca trù là chỉ có lời cổ - lời mới, tức dựa vào lời cổ mà thay lời mới của cùng một làn điệu. Chẳng hạn, các làn điệu như “Chúc khổ” được soạn lời mới thành “Cung chúc tân xuân”; “Đại thạch” soạn lời mới “Thắm tình dân quân”… Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Ý Yên hiện chỉ có NNƯT Quang Lộc soạn lời mới cho các bài hát ca trù, bởi muốn viết lời, tác giả phải thực sự am hiểu về bộ môn nghệ thuật này. Với vai trò là chủ nhiệm CLB, ông đã động viên các thành viên đem hết tâm huyết và sự nhiệt tình của mình để chăm sóc, nuôi dưỡng CLB ca trù Ý Yên duy trì hoạt động. Các thành viên như cô Nguyễn Thị Bích Lý và con gái Bùi Thị Lan, mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ngoài những lúc vất vả mưu sinh, hai mẹ con đều tích cực tham gia sinh hoạt CLB và giành nhiều thành tích cao trong các cuộc thi, hội diễn văn nghệ do huyện, xã tổ chức. Nhiều lần, CLB được chọn tham gia liên hoan ca trù của Trung ương và tỉnh tổ chức đều đạt thành tích cao. Năm 2005, CLB đoạt HCB Liên hoan ca trù toàn quốc ở Hà Tĩnh với bài hát nói “Đào Hồng - Đào Tuyết”. Năm 2007, tại Liên hoan ca trù toàn quốc diễn ra ở Hải Dương, CLB đã giành HCB với các bài hát nói “Huê tình”, hát xẩm “Xẩm nhị tình”. Năm 2009, tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh, bài hát nói “Ý Yên bức tranh quê” đoạt HCV. Năm 2011, tại Liên hoan ca trù toàn quốc diễn ra ở Hà Nội, CLB biểu diễn bài hát nói “Trấn Sơn Nam địa linh” giành HCB. Các thành viên trong CLB luôn tâm niệm ngoài việc nghiêm túc với nghề, còn phải truyền được cảm hứng, tình yêu, sự say mê đến với công chúng. Để quảng bá nghệ thuật ca trù truyền thống, ngay từ khi thành lập, CLB đã mở các lớp dạy hát ca trù miễn phí ở xã Yên Xá với sự tham gia của học viên đến từ khắp các địa phương trong tỉnh. Kết thúc các lớp học, CLB đều tổ chức buổi công diễn thu hút đông đảo khán giả đến xem.

Hiện tại CLB ca trù Ý Yên duy trì hoạt động chủ yếu bằng niềm đam mê của các thành viên. Để CLB ca trù Ý Yên tiếp tục duy trì, phát triển, thời gian tới địa phương và các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện về kinh phí cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca trù để loại hình nghệ thuật ca trù được quảng bá rộng rãi trong nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com