Trực Ninh nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

07:04, 19/04/2013

Phong trào xây dựng làng văn hóa ở huyện Trực Ninh trong những năm qua được triển khai sâu rộng, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, toàn huyện có 223/319 làng, thôn, xóm, khu dân cư đạt danh hiệu “Làng văn hoá”; hơn 80% số hộ trong huyện đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; 46/46 cơ quan, 70/92 trường học, 20/21 trạm y tế được công nhận “Đơn vị có nếp sống văn hóa”. Hiệu quả từ phong trào đã tạo chuyển biến trong thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, hoạt động lễ hội; bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá, thuần phong mỹ tục của địa phương, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Xã Trực Phú hôm nay.
Xã Trực Phú hôm nay.

Hằng năm, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” của huyện có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các xã, thị trấn khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhằm khích lệ, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong toàn huyện. Các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc việc bình xét, công nhận “Gia đình văn hoá”. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) hoặc ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11) hằng năm các xã, thị trấn đều tổ chức gặp mặt, liên hoan biểu dương các gia đình văn hoá tiêu biểu. Toàn huyện có 100% số thôn, làng xây dựng được quy ước nếp sống văn hoá; trong đó chú trọng đến việc chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, giải quyết các tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội và giảm nghèo… Đến nay nhiều xã, thị trấn đã xây dựng được nhà máy nước sạch như: Thị trấn Cổ Lễ, Thị trấn Cát Thành, các xã Trung Đông, Trực Chính, Liêm Hải, Phương Định. Tỷ lệ người dân dùng nước hợp vệ sinh đạt 97%. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa trong cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trạm y tế được duy trì. Ở nhà trường, phong trào hướng tới xây dựng môi trường giáo dục, dạy và học tốt, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, hành vi ứng xử văn hoá, đoàn kết nội bộ, thực hiện quy chế dân chủ. Công tác văn hoá, thông tin, thể thao được quan tâm tổ chức nhiều hoạt động phong phú ở các thôn, làng, các cơ quan, đoàn thể, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia, góp phần phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. Hệ thống phát thanh, truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn được củng cố, nâng cấp, tổng số loa công cộng toàn huyện được nâng lên 840 chiếc, tiếp sóng đều đặn chương trình phát sóng của Trung ương, tỉnh, huyện. Các xã, thị trấn quan tâm đầu tư hỗ trợ xây dựng nhà văn hoá thôn, xóm, tiêu biểu như xã Trực Nội 7/7 làng, xã Trực Đại 18/21 thôn có nhà văn hoá, xã Trực Thanh đã xây dựng 1 sân vận động phục vụ cho hoạt động thể thao. Các xã xây dựng NTM như: Trực Nội, Trực Thanh, Trực Đại, Trực Hùng, Trung Đông, Việt Hùng đã quy hoạch và phê duyệt diện tích xây dựng nhà văn hóa thôn, làng theo quy chuẩn từ 500m2 trở lên.

Chất lượng phong trào xây dựng làng văn hóa ở Trực Ninh, tạo “cú hích”, đưa đời sống kinh tế của nhân dân không ngừng được cải thiện, số hộ giàu ngày một tăng lên, giảm số hộ nghèo. Cơ sở vật chất kỹ thuật, công trình phúc lợi xã hội và các thiết chế văn hoá được tăng cường xây dựng. Các chỉ tiêu về y tế, giáo dục được thực hiện tốt, không có tệ nạn xã hội. Các giá trị văn hoá truyền thống được phát huy trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Trật tự an ninh, an toàn xã hội được đảm bảo, người dân tuân thủ kỷ cương, nền nếp, tự giác thực hiện nghĩa vụ công dân. Thông qua phong trào xây dựng làng văn hóa, công tác dân số - KHHGĐ triển khai thuận lợi và đạt kết quả cao hơn. Nhiều làng, thôn, xóm, khu dân cư sau khi được công nhận danh hiệu làng văn hóa vẫn giữ vững kết quả nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3. Công tác khuyến học, khuyến tài được nhân rộng, toàn huyện có 141 dòng họ được tặng bức trướng “Khuyến học - Khuyến tài”. Tiêu biểu như các xã: Trực Đại, Trực Hùng, Trực Thanh, Trực Chính, Trực Nội, Trực Hưng, Thị trấn Cổ Lễ, Trực Mỹ, Phương Định…

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện quy định, quy ước về nếp sống văn hoá ở một số địa phương chưa được tự giác, thường xuyên, chưa tạo ra những chuyển biến tích cực, vững chắc trong đời sống tinh thần của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa tâm huyết với nghề, ảnh hưởng đến vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Thời gian tới, huyện Trực Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân trong huyện về phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc xây dựng phong trào, động viên khuyến khích kịp thời các địa phương có phong trào mạnh. Tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn phát triển cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là các xã điểm về xây dựng NTM. Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thông tin, chú trọng duy trì thực hiện quy định "Nếp sống văn hóa" trong việc cưới, việc tang, lễ hội góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh nông thôn, phát triển kinh tế bền vững./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com