Hương ước trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

08:07, 23/07/2010

 

Cán bộ, đảng viên xóm Trần Hoà, xã Hải Phú (Hải Hậu) phổ biến hương ước trong xây dựng nếp sống văn hoá ở địa phương.   Ảnh: Việt Thắng
Cán bộ, đảng viên xóm Trần Hoà, xã Hải Phú (Hải Hậu) phổ biến hương ước trong xây dựng nếp sống văn hoá ở địa phương. 
Ảnh: Việt Thắng

Kế thừa hương ước cổ, hương ước làng văn hoá ngày nay được soạn thảo dựa vào tình hình thực tế của làng, xã, vào nếp sống truyền thống của quê hương và những quy định của pháp luật, hài hoà giữa tập quán và luật pháp, hỗ trợ đắc lực cho pháp luật của Nhà nước được thực thi có hiệu quả ở khu dân cư. Ở tỉnh ta hiện nay, tuỳ thuộc vào điều kiện mà từng nơi xây dựng hương ước phù hợp với tình hình thực tế. Các điều quy định trong hương ước thường ngắn gọn, dễ nhớ, liên quan đến các mặt của đời sống: phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, vệ sinh môi trường, cách ứng xử trong gia đình đến ứng xử cộng đồng, góp phần vào việc giữ gìn thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc; thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ, kế hoạch hoá gia đình, khuyến khích con em học giỏi chăm ngoan. Việc xây dựng quy ước tuân thủ nguyên tắc dân chủ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", được thông qua tại hội nghị toàn dân trong thôn, làng. Trong quá trình thực hiện, thường xuyên có sơ kết đánh giá và bổ sung kịp thời những nội dung cần thiết.

Trên thực tế, trong phong trào xây dựng làng văn hoá, hương ước đã góp phần không nhỏ vào việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, các vấn đề nảy sinh ở làng xóm, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá xã hội ở địa phương. Đến nay, có 2950 trong tổng số 3222 làng, thôn, xóm, khu dân cư ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng và ban hành hương ước, đạt xấp xỉ 91,5%. Nhìn chung các bản hương ước đều có những quy định phù hợp pháp luật, góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống của dân tộc, hỗ trợ việc quản lý và phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở cơ sở. Nếu nhiều năm trước đây nhân dân bức xúc về việc cưới, việc tang được tổ chức ăn uống linh đình gây tốn kém, lãng phí, nhiều hủ tục phức tạp, mê tín dị đoan tràn lan trong các lễ hội, thì hiện nay, vấn đề này đã được điều chỉnh. Đám tang nhiều nơi đã bỏ hẳn tục làm cỗ mời cả làng, giảm số vòng hoa, lễ mặn. Ở nhiều địa phương, nhân dân hưởng ứng việc tổ chức đám cưới tiệc trà. Thông qua việc thực hiện hương ước, sự liên kết trong cộng đồng chặt chẽ hơn, mỗi người sống trách nhiệm hơn đối với bản thân, gia đình và xã hội, biết làm điều tốt, tránh xa cái ác, góp phần xây dựng môi trường văn hoá tốt đẹp, đẩy lùi các tệ nạn xã hội... Đó chính là cơ sở để các gia đình phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá, các làng xây dựng làng văn hoá. Từ mô hình điểm Hải Hậu, có thể thấy từ rất sớm, Hải Hậu đã chỉ đạo việc xây dựng hương ước xóm. Định kỳ, UBND huyện có hướng dẫn bổ sung tiếp tục thực hiện hương ước. Theo đó, những xóm đã có hương ước điều chỉnh lại cho phù hợp với chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Đảng, Nhà nước, của UBND tỉnh về xây dựng nếp sống văn hoá. Đến nay, 100% số xóm trong toàn huyện đã có hương ước. Hương ước tập trung vào các nội dung như giữ gìn, phát huy thuần phong mỹ tục, phát triển các hình thức hoạt động văn hoá lành mạnh, phát huy tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư, đề ra các biện pháp góp phần bảo vệ tài sản cộng đồng, bảo vệ trật tự trị an trên địa bàn thôn xóm...

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng và thực hiện hương ước ở tỉnh ta vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Ở một số địa phương do vận dụng chưa sát vào điều kiện cụ thể nên nhiều điều trong hương ước thừa mà vẫn thiếu, đơn điệu, chưa phát huy được hiệu quả. Nhiều nơi, việc giám sát thực hiện hương ước còn lỏng lẻo, do đó hương ước chưa thực sự đi vào đời sống cộng đồng. Một số nơi phong trào xây dựng làng văn hoá chưa được chỉ đạo chặt chẽ do cấp uỷ, chính quyền cơ sở nhận thức còn giản đơn, trông chờ vào sự đầu tư của cấp trên nên chất lượng xây dựng hương ước ở một số nơi còn chung chung, hoặc sao chép hương ước của các đơn vị bạn nên chưa phù hợp tình hình thực tế ở địa phương. Việc chỉ đạo thực hiện hương ước còn nhiều hạn chế. Nhiều bản hương ước sau khi dự thảo mới chỉ dừng lại ở trưởng thôn hoặc ở xã mà chưa tổ chức thực hiện. Nhiều xã còn khoán trắng việc chỉ đạo xây dựng hương ước cho ngành văn hoá và một số ban ngành liên quan nên việc xây dựng hương ước và tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế. Để khắc phục những hạn chế, cần nâng cao nhận thức đối với cơ sở, hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, sửa đổi bổ sung hương ước hợp lý, có tính khả thi cao, bên cạnh đó, ngoài tác dụng hỗ trợ pháp luật điều chỉnh các hành vi nảy sinh trong cộng đồng, hương ước cần mang yếu tố văn hoá làng của cả quá khứ và hiện tại./.

Trang Thu

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com