Kinh nghiệm thực tiễn từ 30 năm điển hình văn hoá Hải Hậu

09:07, 16/07/2010

Múa sư tử trong Ngày hội Văn hoá Thể thao huyện Hải Hậu.  Ảnh: Xuân Thu

Múa sư tử trong Ngày hội Văn hoá Thể thao huyện Hải Hậu.

                                                                                                 Ảnh: Xuân Thu

Những thành quả kinh tế - xã hội của Hải Hậu đạt được hơn 30 năm qua có đóng góp quan trọng của công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Thực tế những năm qua ở Hải Hậu đã khẳng định: Văn hoá đã thực sự trở thành động lực, nền tảng cho sự nghiệp phát triển nông thôn mới ở Hải Hậu.

I - TỪ MÔ HÌNH ĐIỂM VĂN HOÁ…

Huyện Hải Hậu hình thành cách đây hơn 500 năm, gắn với quá trình "khai hoang mở đất". Với hệ thống thiết chế văn hoá tín ngưỡng, tâm linh dày đặc đã tạo cho Hải Hậu một tiềm lực văn hoá truyền thống, tạo đà cho việc xây dựng mô hình nông thôn mới vừa truyền thống, vừa hiện đại. Hơn 30 năm, Đảng bộ và nhân dân Hải Hậu đã giữ vững danh hiệu lá cờ đầu cấp huyện của cả nước trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Vùng đất, con người nơi đây đã làm nên Hải Hậu hai lần anh hùng: Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động thời đổi mới với thành tựu nổi bật là xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Hải Hậu đã từng đưa 5 vạn lượt thanh niên lên đường chiến đấu. Đài liệt sỹ đã ghi danh hơn 4600 người con quê hương không bao giờ trở về, hàng nghìn thương binh, hàng chục nghìn gia đình chính sách. Từ một vùng thuần nông, giờ đây Hải Hậu có một nền kinh tế phát triển đa dạng gồm nông, ngư, diêm nghiệp và dịch vụ - du lịch. Ngày nay, đến Hải Hậu rất dễ nhận thấy những thành tựu kinh tế, văn hoá, xã hội nơi đây như một bức tranh toàn cảnh của một nông thôn mới: Đó là phong cảnh làng quê đầm ấm, đông vui, hệ thống thiết chế văn hoá từ huyện tới các xã đồng bộ. Ở thị trấn huyện lỵ có nhà văn hoá, bảo tàng, thư viện, đền thờ liệt sỹ, đài phát thanh, sân vận động… và một hệ thống nhà văn hoá, thư viện, đài truyền thanh ở 35 xã, thị trấn. Xã nào cũng có từ 3 đến 5 sân bóng chuyền, 10 đến 15 sân cầu lông và 5 đến 10 sân bóng bàn. Với một hệ thống thiết chế văn hoá như vậy và những hoạt động thiết thực đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Điều đặc biệt ở Hải Hậu là kinh tế và văn hoá cùng bổ trợ cho nhau để phát triển. Hải Hậu đã lấy văn hoá để nâng cao dân trí, áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây trồng, nên năng suất lúa của huyện luôn ở "tốp" dẫn đầu tỉnh. Ngoài sản xuất nông nghiệp và phát triển nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, Hải Hậu còn phát triển công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng hoàn chỉnh và kiên cố. Toàn bộ hệ thống đường liên huyện, liên xã, liên thôn đều được nhựa hoá, bê tông hoá. Hải Hậu đã biết huy động từ sức mạnh truyền thống và hiện tại kết nối thành động lực thúc đẩy công cuộc xoá đói giảm nghèo phát triển mạnh mẽ. Nhiều năm qua, Hải Hậu đã ưu tiên đầu tư sức người, sức của cho trường học, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có trường học cao tầng, 100% số xã có quỹ khuyến học, 100% xã, thị trấn có nhà văn hoá khang trang, đầy đủ tiện nghi; 24/35 xã, thị trấn hoàn thành xây dựng nhà văn hoá xóm, 485 xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá. Nơi đây thực sự là trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hoá của các tổ chức chính trị và nhân dân.

Cùng với hệ thống thiết chế nhà văn hoá, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh ở khắp các thôn xóm với gần 500 đội văn nghệ và hàng nghìn nghệ sỹ quần chúng tự biên tự diễn. Tất cả các xã trong huyện đều có nhà văn hoá với sức chứa từ 400-900 chỗ ngồi, được trang bị đầy đủ phông màn, hệ thống âm thanh, ánh sáng là nơi sinh hoạt chính trị, văn hoá văn nghệ, nâng cao dân trí của nhân dân… Với hệ thống đài truyền thanh thành lập sớm, duy trì vững, từng bước hiện đại hoá ở cả 35 xã, thị trấn, đã truyền tải đầy đủ những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân; phổ biến KHKT, kinh nghiệm sản xuất, động viên nhân dân xây dựng quê hương giàu mạnh theo chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Xác định xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá là cái gốc của phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, đến nay, hầu hết các thôn, xóm ở Hải Hậu đã xây dựng và thực hiện các tiêu chí nếp sống văn hoá, kế thừa hương ước cũ, cùng nhau xây dựng hương ước mới để tiếp tục khơi dậy truyền thống. Trong hương ước, việc cưới, việc tang được quy định cụ thể, bỏ hủ tục, giữ thuần phong, nâng cao dân trí, phù hợp với nếp lao động mới. Nam nữ đến tuổi "dựng vợ gả chồng" khi đăng ký kết hôn đều phải có giấy chứng nhận đã tốt nghiệp THCS; trong việc tang đã bỏ hủ tục mời hút thuốc, ăn uống linh đình… Như vậy, từ xây dựng làng văn hoá, Hải Hậu đã đưa văn hoá và toàn bộ cuộc sống của nhân dân, kể từ việc ăn mặc, ở, đi lại, học hành, ứng xử, giao tiếp, lao động sản xuất… nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, từ cơ sở vật chất cho môi trường văn hoá như điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hoá thể thao, nhà ở, nước sạch, công trình vệ sinh đã được tạo nền tảng vững chắc. 100% số xã ở Hải Hậu đã có nhà văn hoá. 100% số xóm đã có hương ước. 250/548 làng, xóm đạt danh hiệu làng văn hoá. 60600 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá… Vai trò, vị trí của người dân trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở đã được phát huy cao độ. Di sản văn hoá ở mỗi làng, thôn đã được gìn giữ, tu bổ, nâng cấp. Thuần phong mỹ tục, nền nếp gia phong được gìn giữ. Nhân dân các làng, xã ở Hải Hậu đã chủ động tích cực tham gia đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các nếp sinh hoạt cũ còn tồn tại trong đời sống. Ý thức sống và làm việc theo pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao. Mỗi gia đình, mỗi làng quê văn hoá ở Hải Hậu đã trở thành một pháo đài vững chắc ngăn chặn và đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực do tác động của mặt trái cơ chế thị trường. 30 năm qua, các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về văn hoá đã đi vào cuộc sống tạo nên sức sống của phong trào ở các làng quê trong huyện.

II - ... ĐẾN BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN

Nói đến thành tựu của công cuộc xây dựng quê hương Hải Hậu ngày nay không thể không nói đến sự lãnh đạo của tổ chức Đảng. Đây là một nhân tố có ý nghĩa quyết định, đặc biệt là trong xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở - một mặt mạnh của Hải Hậu trong suốt hơn 30 năm qua. Vai trò của tổ chức Đảng ở Hải Hậu trong xây dựng đời sống văn hoá thể hiện ở hai mặt hoạt động lớn, đó là đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và làm tốt công tác vận động quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, trong đó nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá được đặt ngang với phát triển kinh tế xã hội và xây dựng Đảng. Hàng năm, Hải Hậu đã dành dụm, tiết kiệm ngân sách đầu tư cho hoạt động văn hoá - thông tin - thể thao trên 2 tỷ đồng. Cán bộ, đảng viên ở Hải Hậu luôn là "đầu tàu" trong tất cả các phong trào ở địa phương, bởi vậy đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá cả chuyên trách và không chuyên trách đều được bồi dưỡng về trình độ chuyên môn và đều nhiệt tình hăng say trong công việc. Có nhiều người nhận xét, Hải Hậu đã văn hoá hoá đời sống và cũng đã đời sống hoá văn hoá. Nhận xét này được minh chứng trong cuộc sống ở vùng đất này đã hơn 30 năm từ nền móng được xây dựng hơn 500 năm. Điểm thứ hai rút ra từ thực tiễn phong trào ở Hải Hậu, đó cũng là nguyên nhân làm nên sự bền vững của phong trào Hải Hậu hơn 30 năm qua, đó là Hải Hậu biết dựa vào sức dân. Văn hoá là sự nghiệp của nhân dân, nhân dân hưởng thụ và nhân dân giữ gìn. Hiểu thấu đáo điều đó nên các cấp lãnh đạo ở Hải Hậu đã thực sự biết dựa vào dân, huy động sức mạnh của nhân dân trong các mặt hoạt động và đặc biệt là trong xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá thông tin. Từ những năm 65-75, bảo tàng, thư viện, nhà văn hoá, đài truyền thanh của huyện đã được xây dựng - là một trong những nơi đi đầu của cả miền Bắc XHCN. Cho tới hôm nay, Hải Hậu có 35/35 xã, thị trấn đã có nhà văn hoá, vài trăm điểm sinh hoạt thể thao và hầu hết ngân sách đầu tư làm đường giao thông nông thôn đều do nhân dân đóng góp. Bởi người dân ở đây đều có chung niềm tin đóng góp xây dựng văn hoá cơ sở là góp phần mang lại ấm no, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình và mỗi làng xóm nên coi đó là quyền và nghĩa vụ mọi người phải đồng tâm, góp sức. Người dân trực tiếp đóng góp, trực tiếp tham gia, trực tiếp giám sát thi công các công trình hạ tầng cơ sở.

Yếu tố thứ 3 làm nên sự bền vững của phong trào Hải Hậu đó là đội ngũ cán bộ. Cán bộ quản lý các lĩnh vực của Hải hậu đều được quan tâm bồi dưỡng đào tạo khá hệ thống. Bên cạnh đội ngũ cán bộ lãnh đạo có trình độ, Hải Hậu còn có một đội ngũ cán bộ chuyên sâu khá vững vàng về chuyên môn và luôn được đổi mới. Mỗi xã, thị trấn của Hải Hậu đều có một trưởng ban văn hoá thông tin có trình độ trung cấp chuyên ngành quản lý văn hoá. Đội ngũ cán bộ chuyên môn thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao tay nghề và luôn say mê với công việc. Đó là những yếu tố góp phần tích cực xây dựng, gìn giữ và thúc đẩy sự nghiệp văn hoá thông tin của Hải Hậu ngày một phát triển.

Mô hình văn hoá Hải Hậu đang là mục tiêu phấn đấu của nhiều địa phương. Không bằng lòng với những thành tích đạt được, cán bộ và nhân dân Hải Hậu đang phấn đấu vươn lên, làm cho mô hình văn hoá phát triển phong phú cả về chất và lượng, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc./.

Thu Trang

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com