Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá làng trong cuộc sống hiện đại

03:06, 11/06/2010

Lễ hội Đền Giáp Tư, thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Ảnh: Xuân Thu
Lễ hội Đền Giáp Tư, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).
                                                    Ảnh: Xuân Thu
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, mỗi làng quê đã sản sinh ra các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc và được bảo vệ, lưu giữ, chuyển giao, từ đời này sang đời khác. Tỉnh ta có 3222 làng, thôn, xóm, với bản sắc văn hoá thể hiện đậm nét ở hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng. Đó là hàng ngàn di tích đình, chùa, đền, miếu, cầu ngói, phủ, quán..., ở cổng làng, luỹ tre, cây đa, bến nước và là sự ngưng kết của lối sống, phong tục tập quán, kho tàng văn hoá dân gian, tín ngưỡng, tôn giáo. Dấu ấn văn hoá truyền thống vẫn còn in đậm ở những tên đất, tên làng: Làng khoa bảng, làng võ, làng chèo, làng hoa, làng ca trù, làng rối nước... Cùng với việc tuân thủ các gia phạm, gia lễ, gia quy nhằm duy trì nền nếp gia phong của mỗi gia đình - dòng họ, cư dân sinh sống trong làng còn phải tuân theo một thể chế nhất định để giữ gìn thuần phong mỹ tục của làng qua việc thực hiện những điều đã đặt ra trong hương ước, quy ước. Chính những yếu tố đó đã làm nên sự gắn bó và cấu kết bền chặt cộng đồng người ở làng thôn, hình thành nên những nét đẹp văn hoá trong sinh hoạt, ứng xử.

Trong xu thế hội nhập, đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội nước ta đều có những thay đổi theo hướng hiện đại. Sự giao lưu quốc tế về văn hoá ngày càng mở rộng. Các sản phẩm văn hoá nước ngoài du nhập vào nước ta ngày càng nhiều, mang theo những trào lưu văn hoá khác nhau, có ảnh hưởng khá mạnh cả tích cực và tiêu cực đến tư tưởng, lối sống của các tầng lớp nhân dân, tác động không nhỏ đến việc gìn giữ, bảo lưu bản sắc văn hoá dân tộc, trong đó có văn hoá làng. Nông thôn đang từng bước được CNH-HĐH; khoảng cách giữa nông thôn và thành thị dần thu hẹp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống vật chất, kho tàng di sản văn hoá ở mỗi làng quê đang đứng trước nguy cơ mai một do quá trình đô thị hoá và tác động của cơ chế thị trường. Không gian cảnh quan của làng quê xưa đã có nhiều biến đổi. Hình ảnh quen thuộc đã trở thành biểu tượng của làng quê một thời với cây đa, bến nước, mái đình, cổng làng, giếng làng cổ kính rêu phong, nằm dưới tán cây cổ thụ xanh mướt ngày càng trở nên thưa vắng. Những dậu dâm bụt, hàng rào chè tàu ngăn cách giữa các nhà và ngõ xóm nhường chỗ cho cổng xây, tường gạch. Nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng bị tu sửa, tôn tạo không đúng với kiến trúc truyền thống, làm giảm đi giá trị văn hoá, lịch sử của di tích. Những ngôi nhà bê tông, cốt thép xuất hiện ngày càng nhiều, thay cho những ngôi nhà cổ kính với "chuối sau, cau trước", ao cá, vườn cây. Không ít di sản văn hoá phi vật thể của làng như nghệ thuật diễn xướng, nghề truyền thống, phong tục tập quán, trò chơi dân gian trong lễ hội... bị mai một hoặc mất đi vĩnh viễn. Có nơi, có lúc, tệ nạn xã hội đã len lỏi vào cuộc sống sau luỹ tre làng, phá vỡ tình cảm bền chặt và mối quan hệ khăng khít giữa các gia đình, thôn xóm...

Trước thực tế đó, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc nói chung, bản sắc văn hoá làng nói riêng đang là một thách thức lớn. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách nhằm bảo vệ bền vững các di sản văn hoá ở các làng quê, làm cho giá trị nhân văn của di sản văn hoá được khơi dậy, truyền bá và thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống. Ở tỉnh ta, phong trào xây dựng làng văn hoá được triển khai sâu rộng và hiệu quả đã mang đến không khí mới, diện mạo mới cho nông thôn, góp phần to lớn vào công cuộc gìn giữ bản sắc văn hoá làng. Mặc dù mỗi làng có nét đặc thù riêng, nhưng đều thống nhất về nội dung, mục đích là xây dựng làng quê trở nên giàu có, văn minh, đồng thời vẫn bảo lưu được những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp. Từ việc kế thừa có chọn lọc những tinh hoa của các bản hương ước cổ, những quy ước nếp sống văn hoá mới ra đời, hình thành nên lối sống, nếp sinh hoạt lành mạnh được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ở các làng thôn, người dân tích cực hiến kế, hiến công, hiến của để tổ chức, tham gia các hoạt động văn hoá: sinh hoạt CLB, liên hoan VNQC, xây dựng các thiết chế văn hoá, trùng tu tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá, bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể… Nhiều người bỏ công sức sưu tầm, biên soạn lịch sử, truyền thống văn hoá của làng. Bên cạnh ngôi đình - công trình có vị trí quan trọng thuở xưa, nhà văn hoá làng xuất hiện ngày càng nhiều, xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người dân về một địa điểm có thể tổ chức cả các hoạt động mang tính tập thể của làng như: giao lưu tình cảm, cập nhật thông tin kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội, đọc sách báo, thưởng thức văn hoá nghệ thuật, vui chơi giải trí. Thông qua các hoạt động ở nhà văn hoá làng, những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương được các nghệ nhân, các bậc cao niên truyền lại cho con cháu. Đặc biệt, những năm gần đây, hội làng ở tỉnh ta phát triển nở rộ theo tinh thần bảo lưu, gìn giữ, kế thừa những giá trị quý báu của văn hoá dân tộc và sắc thái văn hoá riêng của mỗi địa phương. Nhờ đó, công tác giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và những nét bản sắc văn hoá độc đáo của từng làng thôn được khơi dậy, phát huy.

Thực tế cho thấy, bản sắc văn hoá làng một thời đã tạo thành sức mạnh nội lực để người dân chống chọi với thiên tai, giặc dã, vượt qua bao khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Vì vậy, bộ mặt nông thôn dù có thay đổi, văn minh, giàu mạnh đến đâu thì những bản sắc văn hoá làng vẫn cần được gìn giữ, phát huy. Đó là nền móng bền vững cho sự phát triển./.

Hồng Hạnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com