Vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội

08:07, 05/07/2010

             Một góc thị trấn Gôi (Vụ Bản).                                   Ảnh: Dương Đức

Một góc thị trấn Gôi (Vụ Bản).                                   Ảnh: Dương Đức

Trong sự phát triển của xã hội, kinh tế và văn hoá luôn luôn có mối quan hệ hữu cơ và tác động qua lại chặt chẽ. Tuy nhiên, tới các thập kỷ gần đây, vấn đề phát triển kinh tế phải dựa trên nền tảng của phát triển văn hoá mới được đặt ra, được khẳng định là một quy luật tất yếu khách quan của phát triển. Vì thế, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc chỉ có thể trở nên năng động, hiệu quả, bền vững chừng nào quốc gia đó đạt được sự kết hợp hài hoà giữa kinh tế với văn hoá trong tiến trình phát triển.

Ngày nay, không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của văn hoá với tư cách là nhân tố trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế. Lịch sử phát triển của loài người cho thấy, ở bất kỳ thời kỳ nào, với bất kỳ quốc gia nào, con người cũng đều đóng vai trò quyết định với quá trình sản xuất, mà trước hết, họ là một thực thể văn hoá. Tố chất con người (tinh thần yêu nước, trình độ khoa học công nghệ, tinh thần tổ chức xã hội, tính nhân văn...) có ý nghĩa quyết định làm nên sức mạnh của văn hoá ở mỗi quốc gia - dân tộc. Và do đó ở thời kỳ hiện đại, nói đến tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia, người ta không chỉ nói tới tài nguyên thiên nhiên, mà phải nói tới yếu tố quyết định là văn hoá, được thể hiện qua năng lực sáng tạo, trí tuệ, tài năng, đạo đức của con người ở quốc gia đó...

Với chức năng định hướng, đào tạo con người theo các giá trị chân - thiện - mỹ, văn hoá có khả năng xây dựng, làm hình thành trong phẩm chất của mọi thành viên xã hội ý thức phát huy các tiềm năng về thể lực, trí lực và nhân cách để đóng góp vào sự nghiệp phát triển của dân tộc. Thời hiện đại, sự phát triển của một số quốc gia ở Đông Á, đã đưa tới một số bài học cần tham khảo. Như Nhật Bản và Hàn Quốc chẳng hạn, một trong các yếu tố cơ bản trực tiếp góp phần làm nên nhịp độ phát triển nhanh chóng của hai quốc gia này là đã biết phát huy các đặc điểm ưu việt của nền văn hoá truyền thống vào quá trình phát triển, thông qua hệ thống giáo dục và hoạt động văn hoá có đầu tư thích đáng về con người và phương tiện vật chất. Họ không để cho làn sóng của văn minh hiện đại và giao lưu văn hoá ồ ạt lấn át các cơ sở văn hoá truyền thống được xây dựng qua hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc, như tinh thần lao động có kỷ cương, tính hợp lý trong điều hành xã hội và mối quan hệ gia đình, thân tộc... Cho nên không ngẫu nhiên, UNESCO khẳng định rằng, nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời khỏi môi trường văn hoá thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn văn hoá, và tiềm năng sáng tạo của những dân tộc ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều.

Chúng ta xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và điều Đảng ta khẳng định: văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đã chỉ rõ vai trò cực kỳ quan trọng của văn hoá đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hoá trong sự nghiệp đổi mới.

Dù chứa đựng một số giá trị mang tính nhân loại phổ biến, thì khi nói đến văn hoá của mỗi dân tộc, là nói tới đặc trưng riêng, tới hệ thống giá trị văn hoá riêng của dân tộc đó. Đây là di sản quý báu, đã được tích luỹ, trao truyền và bổ sung qua nhiều thế hệ, và chính các đặc điểm riêng trong sự sinh tồn của dân tộc đã làm cho văn hoá mang bản sắc riêng. Đồng thời với quá trình tích luỹ, trao truyền và bổ sung ấy, văn hoá của dân tộc còn tiếp nhận một số tinh hoa văn hoá của các dân tộc khác thông qua quá trình tiếp biến văn hoá, và động thái này đã làm cho văn hoá vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa có tính thời đại, tính nhân loại, phù hợp với sự phát triển kinh tế. Điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thời kỳ cách mạng khoa học và công nghệ, trước xu thế toàn cầu hoá ngày càng mạnh mẽ. Do vậy, sự phát triển đòi hỏi phải nâng cao vai trò, vị thế của văn hoá trong hoạt động kinh tế, văn hoá khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của con người, quyết định sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Và cũng do vậy, trong xã hội hiện đại, con người phải được xã hội tạo điều kiện và phải tự mình xây dựng yếu tố nền tảng của văn hoá là sự hiểu biết, là tri thức, kinh nghiệm, là phong cách ứng xử, là nhận thức về cống hiến và hưởng thụ..., trong quá trình học tập, lao động để duy trì, phát triển cuộc sống. Các yếu tố này, nếu được khai thác, phát huy sẽ trở thành một động lực to lớn đối với sự phát triển kinh tế.

Cùng với quan điểm khách quan, khoa học trong việc tiếp thu tinh hoa tốt đẹp của văn hoá nhân loại, Đảng ta khẳng định, bản sắc văn hoá, tinh thần dân tộc là nguồn tài nguyên của dân tộc, của đất nước. Có thể nói rằng, trong lịch sử hàng chục thế kỷ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta, nguồn lực quan trọng nhất trong truyền thống văn hoá là tinh thần yêu nước, chủ nghĩa yêu nước. Từ khi ra đời, Đảng ta đã động viên, bồi dưỡng và cổ vũ toàn dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước để giành lại, giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực tế cho thấy, những thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua có vai trò của bản lĩnh, của bản sắc văn hoá Việt Nam, của sức mạnh của văn hoá Việt Nam.

Chúng ta đang trong quá trình hội nhập thế giới, và toàn cầu hoá là cơ hội để văn hoá Việt Nam học hỏi và phát huy các giá trị của mình. Song chính lúc này, chúng ta phải đối mặt với các thách thức của quá trình toàn cầu hoá khi nó trực tiếp tác động tới văn hoá dân tộc. Cụ thể là, tác động của một số yếu tố tiêu cực từ toàn cầu hoá có khả năng cổ suý cho lối sống tiêu thụ thực dụng, làm tha hoá nhân cách, rối loạn một số giá trị xã hội, đặt không ít hoạt động văn hoá và không ít quan hệ xã hội trước nguy cơ bị thương mại hoá... Vì thế, hơn lúc nào hết, văn hoá phải góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá đích thực, vì sự phát triển của xã hội và con người, để thúc đẩy, hướng dẫn sự phát triển trước những thách thức của toàn cầu hoá và mặt trái của kinh tế thị trường.

Như vậy, bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, mở rộng quan hệ quốc tế, muốn đạt tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và về lâu dài, một trong các vấn đề quan trọng trước hết là chúng ta cần triển khai thực hiện các quan điểm như Nghị quyết Trung ương (khoá VIII) và Kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) khẳng định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mang nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục củng cố, phát triển một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; và văn hoá đó phải là tổng hoà các tinh hoa văn hoá của các dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Văn hoá đó phải giữ vị trí là bộ phận cấu thành bản chất của xã hội, là bộ phận cấu thành phẩm chất của mỗi người trong xã hội. Văn hoá đó phải trực tiếp góp phần xây dựng đất nước và con người Việt Nam của thời đại mới./.

TS Đoàn Thị Thanh Thuý

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com