Hội Người mù tỉnh quan tâm tạo việc làm cho hội viên

08:02, 18/02/2022

Hội Người mù tỉnh hiện có khoảng 3.000 cán bộ, hội viên, trong đó có 2.600 người thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội, gần 50% số hội viên trong độ tuổi lao động và gần 150 trẻ em mù đang trong độ tuổi đến trường. Những năm qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giúp đỡ tạo việc làm cho hội viên nâng cao đời sống đã được Hội Người mù tỉnh thường xuyên quan tâm thực hiện, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Qua đó, hội viên ngày càng tin tưởng, gắn bó, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh hơn.

Các kỹ thuật viên tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt Hội Người mù thành phố Nam Định phục vụ khách hàng.  Bài và ảnh: Hồng Minh
Các kỹ thuật viên tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt Hội Người mù thành phố Nam Định phục vụ khách hàng. 

Cùng với củng cố và phát triển tổ chức Hội, hoạt động vay vốn, dạy nghề và tạo việc làm chăm sóc đời sống hội viên được Hội Người mù tỉnh thường xuyên quan tâm. Thực hiện cuộc vận động “Tìm kiếm việc làm cho người mù” do Trung ương Hội Người mù Việt Nam phát động, Hội Người mù tỉnh đã tích cực chủ động tìm kiếm việc làm cho hội viên, từng bước nâng cao đời sống người mù. Trong đó đã tranh thủ các nguồn vốn từ chương trình Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ tạo việc làm để giúp đỡ, tạo việc làm cho hội viên người mù. Các cấp hội đã đứng ra tín chấp các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế từng bước xóa đói, giảm nghèo. Các hội viên đều vay vốn sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, hoàn trả gốc lãi đúng thời gian quy định, được Ngân hàng Chính sách xã hội đánh giá cao. Nhiều hội viên Hội Người mù mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm ăn có lãi, tạo việc làm, xây dựng được nhà ở, mua sắm được các đồ dùng sinh hoạt, nuôi dạy con ăn học trưởng thành. Tiêu biểu như hội viên Trần Văn Khôi, Hội Người mù huyện Nam Trực được sự hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã mở được 2 cơ sở tẩm quất ở thành phố Nam Định và thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), cho thu nhập ổn định để chăm lo cho bản thân và gia đình. Ông Nguyễn Gia Bình, hội viên Hội Người mù huyện Vụ Bản được Hội tạo điều kiện dạy nghề tăm tre, chổi đót với thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, ông mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, mở hướng chăn nuôi lợn mỗi năm thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Từ Quỹ quốc gia về việc làm, ông Ngô Nguyên Quang, ở xã Yên Lợi (Ý Yên) đã phát triển chăn nuôi và kinh doanh phân bón theo thời vụ; hàng năm ông thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Hiện tại, toàn tỉnh có 16 cơ sở tập trung, 42 tổ nhóm do Hội thành lập, 4 cơ sở xoa bóp bấm huyệt do Hội quản lý, gần 50 cơ sở xoa bóp bấm huyệt do hội viên quản lý thu hút khoảng 800 lao động là hội viên. Điển hình như Hội Người mù thành phố Nam Định có 42 hội viên trong độ tuổi lao động thường xuyên có việc làm, vừa tự nuôi sống bản thân vừa góp phần chăm lo cuộc sống gia đình. Trong đó, Hội có 1 cơ sở dịch vụ xoa bóp bấm huyệt quy mô ở đường Lê Hồng Phong và 11 điểm xoa bóp bấm huyệt ở trên địa bàn thành phố Nam Định do các hội viên tự đảm nhận với thu nhập của kỹ thuật viên bình quân đạt 3-4 triệu đồng/người/tháng. Hội Người mù huyện Vụ Bản có 123 hội viên. Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song Ban chấp hành Hội luôn quan tâm nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, đời sống của từng hội viên; tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân để kịp thời thăm hỏi, động viên cán bộ, hội viên về vật chất lẫn tinh thần. Hội Người mù huyện đã phối hợp với Hội Người mù tỉnh đào tạo nghề và dạy chữ braille cho 98 hội viên. Ngoài ra, Hội còn duy trì và phát triển cơ sở sản xuất tăm tre và cơ sở xoa bóp bấm huyệt, tạo việc làm thường xuyên cho 45 hội viên, với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Hội nhận ủy thác vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 4 hội viên vay 83 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi lợn, bò, phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, giúp cho hội viên người mù xóa bỏ tư tưởng tâm lý mặc cảm tự ti, vươn lên hòa nhập với cộng đồng, có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hội viên Hội Người mù gặp không ít khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và các cấp Hội, các nhà hảo tâm, trong các dịp lễ, tết 100% số hội viên người mù được các tổ chức cơ sở Hội đến thăm, tặng quà. Bên cạnh đó, 2.600 người mù là đối tượng bảo trợ xã hội đều đã được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ do gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Ngoài ra, hội viên người mù tại các huyện, thành phố còn nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và các doanh nghiệp về hàng hóa tiền mặt giúp họ vơi đi những khó khăn trong cuộc sống.

Bằng ý chí, nghị lực cùng sự quan tâm của cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền từ kinh phí hoạt động đến phương tiện làm việc, dạy nghề, cho vay vốn, sắp xếp việc làm…, người khiếm thị trong tỉnh ngày càng nỗ lực vượt qua số phận, vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com