Thành phố Nam Định có 329 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và 838 người nghi nghiện ở tất cả 25 phường, xã… Số người nghiện ma túy có xu hướng dịch chuyển từ sử dụng cần sa, heroin sang dạng ma túy đá, thuốc lắc, ketamin, cỏ Mỹ… dẫn đến tình trạng ảo giác “ngáo đá” gây nguy hiểm cho xã hội; đa số người nghiện đều thất nghiệp, không có việc làm ổn định. Trước tình hình trên, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kiên quyết phòng, chống hiệu quả tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Đoàn viên, thanh niên xem Triển lãm ảnh chủ đề “Hiểm họa ma túy” tại Quảng trường 3-2, thành phố Nam Định. |
Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, thành phố Nam Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đưa công tác phòng chống ma túy vào các nghị quyết, kế hoạch của địa phương; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Trong đó, xác định vai trò, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, chú trọng việc xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy. Các cơ quan, đơn vị, các xã, phường của thành phố đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về phòng chống ma túy, nhất là những điểm mới của Luật Phòng chống ma túy năm 2021; phát động nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng về hậu quả, tác hại của việc sản xuất, buôn bán, sử dụng ma túy; tác hại của ma túy; các biện pháp điều trị nghiện ma túy; tính nhân đạo, nhân văn của việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Công tác tuyên truyền tập trung trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa truyền thanh, loa phát thanh lưu động, hoạt động gặp gỡ, vận động người nghiện tham gia cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh tổ chức các buổi tọa đàm, tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy lồng ghép với tuyên truyền phòng ngừa tội phạm đảm bảo an ninh trật tự và các phong trào khác của thành phố. Qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống ma túy; tạo sự chuyển biến về ý thức trách nhiệm đón nhận, giúp đỡ người nghiện ma túy xóa bỏ mặc cảm, tìm kiếm việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, thân thiện.
Cùng với công tác tuyên truyền, thành phố chỉ đạo thành lập tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình ở tất cả 25 phường, xã với thành phần lãnh đạo UBND phường, xã, cán bộ y tế, công an, công chức lao động - thương binh và xã hội, đại diện MTTQ, tổ trưởng tổ dân phố và một số ban, ngành, đoàn thể; thành lập các “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng” đặt tại trạm y tế của phường, xã để quản lý, hỗ trợ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy trên cơ sở quy định pháp luật, sự tự nguyện của người nghiện, sự tham gia ủng hộ của cộng đồng. Định kỳ hàng năm, thành phố tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thường xuyên, trực tiếp làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của thành phố; cán bộ chủ chốt phường, xã và cơ sở, tổ công tác cai nghiện ma túy, trạm y tế… về cai nghiện ma túy tại gia đình và các vấn đề xã hội giải quyết cho người sau cai nghiện. Bên cạnh đó, thành phố giao lực lượng Công an phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Y tế, các đoàn thể và chính quyền các phường, xã thực hiện tốt công tác cai nghiện và phục hồi cho người nghiện như: Xem xét, đánh giá tình trạng nghiện, hoàn cảnh gia đình, nhân thân của người nghiện ma túy để lập kế hoạch cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; tạo điều kiện cho người đã cai nghiện được học nghề, tìm việc làm và tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội. Các gia đình có người cai nghiện cũng thường xuyên giáo dục thành viên về tác hại của ma túy, quản lý chặt chẽ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia tệ nạn ma túy; khi phát hiện hành vi sử dụng, mua bán, tàng trữ ma túy đã kịp thời báo ngay cho cơ quan Công an. Cán bộ, nhân dân tích cực tham gia hỗ trợ, theo dõi, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, qua đó kéo giảm số người nghiện và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, vì cuộc sống bình yên của mọi người, mọi nhà và góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Với nhiều giải pháp quyết liệt đã tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố về công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện phục hồi cho người nghiện; đồng thời nâng cao tinh thần tự giác, sự quyết tâm và tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện, làm giảm số người nghiện ma túy và số vụ vi phạm pháp luật. Số người nghiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình hàng năm có tỷ lệ thành công cao. Từ năm 2016 đến nay mỗi năm trên địa bàn thành phố có từ 60-70 người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại gia đình. Trong đó, nhiều trường hợp đã cai nghiện thành công đồng thời kiềm chế, ngăn chặn số người nghiện ma tuý mới và đưa tỷ lệ tái nghiện ma tuý trên địa bàn toàn thành phố xuống 15% góp phần giảm đáng kể tình trạng mất an ninh trật tự và các vụ án hình sự trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Văn Trọng