Lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước

07:08, 02/08/2021

Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đều nỗ lực thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác gắn với phòng chống dịch, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2021.

Một góc thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy.
Một góc thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy.

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh theo các tiêu chí nâng cao gắn với mô hình NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp” để phát triển bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. UBND tỉnh đã tổ chức thẩm định kết quả thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao trên địa bàn 45 xã, thị trấn thuộc 8 huyện: Nam Trực, Hải Hậu, Vụ Bản, Trực Ninh, Ý Yên, Xuân Trường, Giao Thủy, Mỹ Lộc. Đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án xây dựng mô hình huyện Hải Hậu NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”. Triển khai Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 9-3-2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2021, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 250 mô hình “Cánh đồng lớn” với tổng diện tích 12.312ha; trong đó 217 mô hình sản xuất lúa với diện tích 11.176ha và 33 mô hình sản xuất rau màu với diện tích 1.136ha. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện; đã tiến hành tổ chức thẩm định trên 60 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên... Thực hiện phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, nội dung của phong trào, từ đó kích thích tính chủ động, tích cực và tự giác tham gia của các tập thể, cá nhân, các ngành, các cấp, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cấp; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp của tỉnh hội nhập, phát triển. Do đó, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường hàng hóa bị thu hẹp... nhưng các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực khắc phục, duy trì phát triển sản xuất. Tiêu biểu như các Công ty cổ phần: May Sông Hồng, Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An, Lâm sản, Dệt may Sơn Nam, Dược phẩm Nam Hà, Dây lưới thép Nam Định, Dệt lụa Nam Định... Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,72% so với cùng kỳ. UBND tỉnh đã cấp 373 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 29 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 3.000,8 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 9.865 doanh nghiệp và 798 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 74.599,6 tỷ đồng. Có 564 doanh nghiệp nhỏ tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh; có 233 doanh nghiệp khôi phục hoạt động trở lại. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 25.572 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ. UBND tỉnh đã tập trung rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp tăng cường biện pháp ổn định quan hệ lao động, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp lao động và đình công. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các khu, cụm công nghiệp tập trung đông công nhân, người lao động...

Sản xuất thuốc Nam tại Công ty TNHH Nam Dược, thành phố Nam Định.
Sản xuất thuốc Nam tại Công ty TNHH Nam Dược, thành phố Nam Định.

Thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả chương trình cho hộ nghèo vay vốn hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Trong những tháng đầu năm, các cấp, các ngành đã tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, chúc thọ và trợ cấp cho các đối tượng trong với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng; đã giải quyết cho khoảng 7.130 lượt đối tượng là người có công và thân nhân người có công được hưởng các chế độ chính sách theo quy định. Trong phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam năm 2021”, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã thăm hỏi, tặng quà 1.875 người là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, người già cô đơn, học sinh nghèo vượt khó, người gặp rủi ro hoạn nạn... với tổng trị giá trên 960 triệu đồng. Vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký trợ giúp thường xuyên, tặng quà, làm nhà, dạy nghề miễn phí, trao học bổng, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho 119 lượt người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, tổng trị giá trên 568 triệu đồng. Các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; chính sách an sinh xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, công tác chăm sóc các gia đình chính sách và người có công với cách mạng được các ngành, đơn vị, địa phương quan tâm đẩy mạnh, chung tay giúp đỡ người nghèo cả về vật chất và tinh thần... Thực hiện Quyết định số 733/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025”, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai sâu rộng phong trào trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, phong trào đã góp phần nâng cao văn hóa công sở, đạo đức công vụ, hình thành phong cách ứng xử, tính chuyên nghiệp, lề lối làm việc chuẩn mực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Các ngành, các đơn vị trong tỉnh đã xây dựng hoàn thiện quy định, nội quy, quy tắc, quy chế làm việc, là cơ sở pháp lý trong ngăn ngừa, xử lý vi phạm về văn hóa công sở, đạo đức công vụ, góp phần đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của từng cơ quan, đơn vị, địa phương... UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh triển khai phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm”; “Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”; “Thi đua phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp”; “Nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, kỹ thuật”; “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn” và Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia mỗi xã một sản phẩm gắn với giải pháp phát triển kinh tế nông thôn... Ngành Công Thương với phong trào thi đua “Lao động hiệu quả - Phát triển bền vững - Hội nhập thành công”; “Thi đua lao động giỏi”; “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”; “Doanh nghiệp thân thiện với môi trường”; “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; thi đua “Môi trường xanh - quầy hàng sạch - cử chỉ đẹp”... góp phần đảm bảo cung, cầu hàng hóa, bình ổn thị trường trong điều kiện nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19…

Các phong trào thi đua được triển khai đồng bộ, hiệu quả đang góp phần tích cực hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị năm 2021 đã đề ra, góp phần xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Xuân Thu


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com