Tích cực chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2021-2022

08:07, 30/07/2021

Đến thời điểm này, mặc dù tình hình dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp song công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình GDPT mới) vẫn được thực hiện đúng tiến độ. Theo lộ trình thực hiện chương trình GDPT mới, năm học 2020-2021 áp dụng đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Như vậy, theo lộ trình trên, năm học 2021-2022, chương trình GDPT mới sẽ được triển khai đối với lớp 2 và lớp 6.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Nam Định) trong hoạt động dưới cờ đầu tuần (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Nam Định) trong hoạt động dưới cờ đầu tuần (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Để chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện chương trình GDPT mới năm học 2021-2022, Sở GD và ĐT đã xây dựng kế hoạch và triển khai các văn bản chỉ đạo; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học; bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Sở GD và ĐT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Nam Định, Đài PT và TH tỉnh làm tốt công tác truyền thông về đổi mới chương trình GDPT; chỉ đạo các phòng GD và ĐT yêu cầu các nhà trường tích cực, chủ động tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội tại địa phương và cộng đồng dân cư trong quá trình triển khai thực hiện. Nhờ đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư phục vụ tốt cho việc đổi mới: cấp tiểu học có 219/227 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 96,5%), 259 điểm trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn (đạt 88,4%); cấp THCS có 213/228 trường chuẩn quốc gia (đạt 93,4%), 148/228 trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn (đạt 64,9%); 100% các trường có máy vi tính nối mạng internet phục vụ các hoạt động giáo dục; cấp tiểu học có 4.822 phòng học, 3.196 phòng chức năng, 62 thư viện tiên tiến, 102 máy photocopy, 7.251 máy vi tính, 921 máy chiếu; cấp THCS có 2.962 phòng học, 1.252 phòng học bộ môn, 237 phòng thư viện, 237 bộ thiết bị tối thiểu lớp 6, 2.000 bộ thiết bị phòng học bộ môn... Từ nay đến đầu tháng 9, các trường tiếp tục sửa chữa, sắp xếp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có một cách hợp lý để nâng cao hiệu quả sử dụng; xây dựng kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung, tự làm thiết bị dạy học.

Tỉnh ta có đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ổn định, cơ cấu giáo viên tương đối đầy đủ, trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới. Để bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phục vụ chương trình GDPT mới, Sở GD và ĐT đã lựa chọn 300 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các môn học cử tham dự các lớp tập huấn do Bộ GD và ĐT tổ chức để làm nòng cốt về tập huấn bồi dưỡng tại địa phương; Sở GD và ĐT đã tổ chức tập huấn cho 560 giáo viên cốt cán các môn học. Các Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố tập huấn chương trình GDPT mới tới hơn 9.000 cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường; đồng thời chỉ đạo các nhà trường lựa chọn giáo viên có đủ kinh nghiệm, phẩm chất và năng lực để dạy lớp 2, lớp 6. Có 144 giáo viên THCS được tập huấn tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và 33 cán bộ quản lý khối THCS được bồi dưỡng tại Học viện Quản lý giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được tập huấn bài bản và đã được làm quen với sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm học trước nên đã có kinh nghiệm trong việc trao đổi, chia sẻ việc soạn, giảng và tổ chức các hoạt động khi thực hiện chương trình qua các buổi sinh hoạt chuyên môn và trong quá trình giảng dạy; sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy. Mặt khác, chương trình GDPT mới được xây dựng theo hướng mở, tạo điều kiện cho giáo viên căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, của lớp học và tùy từng bài học mà lựa chọn phương pháp, kỹ thuật dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin... phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố cũng tập trung chỉ đạo, sâu sát cơ sở, kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh; tổ chức các nhóm giáo viên cốt cán để hỗ trợ chuyên môn; tổ chức tốt các buổi sinh hoạt chuyên môn cấp cụm/miền và toàn huyện, thành phố về thực hiện chương trình GDPT mới. Sở GD và ĐT đã dự giờ, tham dự sinh hoạt chuyên môn tại một số huyện, thành phố, qua đó có những điều chỉnh kịp thời trong công tác chỉ đạo thực hiện, tạo động lực và tâm thế vững vàng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhanh chóng tiếp cận với chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, việc tổ chức lựa chọn sách SGK lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 đã được chỉ đạo triển khai thực hiện đúng kế hoạch trên tinh thần nghiêm túc, khách quan, công khai, minh bạch. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các trường tiểu học, THCS xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện, phương tiện kỹ thuật, sắp xếp thời khóa biểu để cán bộ quản lý, giáo viên tham dự hội thảo trực tuyến giới thiệu SGK lớp 2, lớp 6; phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội thảo giới thiệu SGK theo hình thức trực tuyến, mỗi trường, mỗi phòng GD và ĐT một điểm cầu; thành phần dự hội thảo gồm: lãnh đạo, chuyên viên phòng phụ trách cấp học, môn học của phòng GD và ĐT; lãnh đạo trường tiểu học, THCS; Tổ trưởng chuyên môn có khối lớp 2, lớp 6; giáo viên dự kiến dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022. Các trường tổ chức nghiên cứu tất cả các bản mẫu SGK, tài liệu, video hướng dẫn, giới thiệu các bộ sách, cuốn sách; đánh giá, nhận xét, đề xuất lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6. Việc lựa chọn SGK đã thực hiện xong từ cuối tháng 4, đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục với 19 cuốn SGK lớp 2 và 24 cuốn SGK lớp 6 để sử dụng trong các nhà trường bắt đầu từ năm học 2021-2022. Danh mục SGK này đã được chuyển tới các nhà xuất bản để chuẩn bị đủ, đúng số lượng cần cung ứng. Các nhà trường đang xây dựng bài giảng từng môn học; chuẩn bị tổ chức dạy thử nghiệm; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về cách thức tổ chức hoạt động trong một giờ học; nghiên cứu SGK của môn học sẽ đảm nhận; tăng cường trao đổi trong tổ chuyên môn để hiểu rõ hơn về những yêu cầu mới, phát huy tối đa ưu điểm của sách mới.

Hy vọng với sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, chương trình GDPT mới tiếp tục được triển khai đạt hiệu quả tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh./. 

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com