Hiệu quả từ Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020"

08:02, 04/02/2021

Sau 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” của Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực “vào cuộc” xây dựng các mô hình xã hội học tập. Qua đó đã nâng cao nhận thức về mục đích, lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập trong toàn dân.

Công nhân có tay nghề làm việc tại Công ty May xuất khẩu Shinhwa Vina (Xuân Trường).
Công nhân có tay nghề làm việc tại Công ty May xuất khẩu Shinhwa Vina (Xuân Trường).

Thực hiện Đề án, đến nay công tác phổ cập giáo dục của tỉnh tiếp tục được củng cố và duy trì, nâng cao tỉ lệ, chất lượng các tiêu chuẩn phổ cập các cấp. Từ năm học 2012-2013, tỉnh đã được Bộ GD và ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Năm 2014 được Bộ GD và ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Năm 2015 toàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Công tác phổ cập giáo dục THCS tiếp tục được duy trì, đến nay tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2. Việc phân luồng cho học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn có chuyển biến tích cực. Hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên đã đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn. Các Trung tâm học tập cộng đồng ở tất cả các xã, thị trấn đã tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học tập của nhân dân để tổ chức các lớp học chuyên đề về bồi dưỡng kiến thức pháp luật, sức khỏe, môi trường, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp…, thu hút hơn 1,5 triệu lượt người tham gia. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị, xã hội vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực xây dựng xã hội học tập. Việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập” với những nội dung thiết thực gắn với đời sống của nhân dân đã góp phần nâng cao nhận thức về đời sống xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, chất lượng cuộc sống được nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm đạt 90%, đạt chỉ tiêu đặt ra theo Đề án. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ tiếng Anh bậc 2 (A2) hoặc tương đương đạt 50% (vượt chỉ tiêu đặt ra trong Kế hoạch 36 là 40%)... Tỷ lệ công nhân, lao động có kiến thức cơ bản về tin học, có chứng chỉ tin học đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa đạt 60% (chỉ tiêu đặt ra là 40%)... Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề đến năm 2020 của cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; đạt tỷ lệ 100% chỉ tiêu đề án đặt ra. Tỷ lệ cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc đạt trên 90% chỉ tiêu đặt ra. Số công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ lao động nông thôn tham gia học tập, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng đạt 96,8% (chỉ tiêu đặt ra là 90%). Tỷ lệ công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc tương đương đạt 90% bằng chỉ tiêu Đề án đặt ra là 90%. Tỷ lệ công nhân lao động có tay nghề cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn đạt 30%, đạt chỉ tiêu đặt ra là 30%. Tỷ lệ công nhân lao động được qua đào tạo nghề đạt 61,6%, vượt chỉ tiêu đặt ra là 60%. Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện công tác giảng dạy chương trình giáo dục kỹ năng sống theo yêu cầu của Bộ GD và ĐT tại các cơ sở giáo dục từ năm 2017 cho tất cả học sinh, sinh viên trong tỉnh. Đến nay, tỷ lệ học sinh tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống ở các nhà trường đạt 90% (chỉ tiêu đặt ra là 50%). Tỷ lệ người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống đạt 30% (đạt chỉ tiêu đặt ra). Đồng thời, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, củng cố tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và GDTX nhằm phát huy tính năng động, hiệu quả thực tế về công tác xóa mù chữ, nâng cao dân trí, giáo dục nghề nghiệp ở cơ sở. Đến nay, nguồn ngân sách địa phương chi cho việc xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020 đạt gần 100 tỷ đồng; nguồn kinh phí xã hội hóa cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 đạt gần 500 tỉ đồng… Toàn tỉnh hiện có trên 450 nghìn gia đình đăng ký gia đình học tập, trong đó có 66% gia đình được công nhận; hơn 4.600 dòng họ đăng ký mô hình dòng họ học tập, trong đó có 75,8% dòng họ được công nhận; hơn 3.500 thôn, làng, tổ dân phố đăng ký cộng đồng học tập, trong đó có 74% đã được công nhận. Tỉnh cũng thực hiện tốt việc xây dựng, phát triển các phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” ở thôn, làng, tổ dân phố; đã xuất hiện nhiều mô hình khuyến học, khuyến tài, xây dựng Quỹ Khuyến học hoạt động hiệu quả. 

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng xã hội học tập, trong thời gian tới cần có sự tập trung lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các sở, ban, ngành có liên quan, cùng với sự tham gia hưởng ứng hơn nữa của toàn xã hội để mọi người, ở mọi lứa tuổi được học tập suốt đời để có nghề, lao động hiệu quả ngày càng cao, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com