Giao Thuỷ thực hiện tốt chính sách người có công

08:02, 25/02/2021

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thuỷ luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người có công và gia đình người có công với cách mạng; đồng thời đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa” và chăm lo, tạo điều kiện hỗ trợ các gia đình chính sách cải thiện đời sống.

Bệnh binh Phạm Ngọc Cầu (bên trái) xã Bạch Long chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với người dân địa phương.
Bệnh binh Phạm Ngọc Cầu (bên trái) xã Bạch Long chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với người dân địa phương.

Trải qua các cuộc kháng chiến, huyện Giao Thuỷ có 2.697 liệt sĩ; 1.108 thương binh, 995 bệnh binh, 1.987 nạn nhân nhiễm chất độc da cam; 239 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (mẹ VNAH), trong đó 7 mẹ VNAH còn sống; 3 Anh hùng LLVT; 5.554 người có công, thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Cùng với việc thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng chính sách, Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người có công và gia đình. Năm 2020, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã giải quyết kịp thời chế độ mai táng phí cho nhiều đối tượng người có công, trong đó 345 người hoạt động kháng chiến hưởng chế độ 1 lần; trợ cấp mai táng phí cho 42 người theo Nghị định 150/2006/NĐ-CP ngày 12-12-2006 của Thủ tướng Chính phủ; 11 người theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg; 39 người theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ; 11 người theo Quyết định 49/2015/QĐ-TTg. Hàng năm, huyện thực hiện tốt chế độ điều dưỡng; cấp trang thiết bị, dụng cụ chỉnh hình cho người có công trong diện quy định. Năm 2020, Phòng LĐ-TB và XH huyện kiểm tra, thẩm định lập danh sách đề nghị Sở LĐ-TB và XH hỗ trợ cấp dụng cụ chỉnh hình cho 49 người với tổng số tiền gần 34 triệu đồng; thực hiện công tác điều dưỡng tập trung cho 33 người và điều dưỡng tại gia đình cho 1.072 người với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Kiểm tra, thẩm định, đề nghị hỗ trợ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo cho 163 trường hợp với tổng số tiền 839 triệu đồng.

Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện tích cực tham gia với những hoạt động cụ thể, thiết thực như: Nhận phụng dưỡng mẹ VNAH, đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, đóng góp quỹ “Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam”… Đến nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện đã huy động được khoảng 214 triệu đồng. Năm 2020, dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), huyện Giao Thuỷ đã triển khai nhiều hoạt động tri ân gia đình chính sách, người có công trên địa bàn. UBND huyện phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc trao tặng  6.051 suất quà cho các mẹ VNAH, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng; tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách người có công với tổng giá trị trên 950 triệu đồng; đồng chí Bùi Hữu Nghị, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB và XH huyện Giao Thủy cho biết: Để đáp ứng tốt nhu cầu học tập, thăm viếng của học sinh các trường học, cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân trong huyện, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã phối hợp cùng Trường THCS thị trấn Ngô Đồng là đơn vị nhận chăm sóc Đền Liệt sĩ thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh môi trường quanh khu vực Đền. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), từ tối 25 đến 26-7, BCH Huyện Đoàn phối hợp với Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đền Liệt sĩ huyện và Nghĩa trang Liệt sĩ 22 xã, thị trấn. Riêng năm 2020, toàn huyện tổ chức chỉnh trang khuôn viên nghĩa trang, dọn dẹp cảnh quan môi trường khoảng 2.500 phần mộ liệt sĩ; 1.900 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động tri ân, giáo dục truyền thống tại Nghĩa trang Liệt sĩ các địa phương.

Được sự quan tâm chăm lo, tạo điều kiện của Nhà nước và xã hội, phát huy truyền thống phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương, bệnh binh còn sức khỏe đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, năng động trong phát triển kinh tế gia đình; giáo dục con cháu, người thân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong số các thương binh, bệnh binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình ở huyện Giao Thuỷ phải kể đến ông Phạm Ngọc Cầu (81 tuổi), xã Bạch Long là bệnh binh mất sức 61% và nhiễm chất độc hóa học dioxin. Dù tuổi cao sức khỏe yếu nhưng ông vẫn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, đồng thời giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Bằng việc phát triển các nghề làm muối, sinh vật cảnh, không chỉ làm giàu cho mình, ông còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiện nay, vườn cây cảnh của ông Cầu có hàng trăm loại với giá trị kinh tế ước tính hàng tỷ đồng. Là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Bạch Long, ông đã mở nhiều lớp dạy trồng cây cảnh, tạo thế… trong đó gần 40% số học viên tham gia là các thương binh, bệnh binh ở xã. 

Thời gian tới, huyện Giao Thuỷ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ lòng biết ơn và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha ông; tiếp tục thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công; đẩy mạnh xã hội hóa thực hiện công tác chăm sóc người có công với cách mạng, tri ân những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com