Nam Trực thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững

08:11, 03/11/2020

Huyện Nam Trực hiện có 1.033 hộ nghèo (chiếm 1,65%) và 6.349 hộ cận nghèo (chiếm 10,14%). Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nam Trực đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo đến các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, giúp họ từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nghề đan lát thủ công phát triển mạnh ở huyện  Nam Trực tạo thu nhập ổn định cho người lao động nông thôn.
Nghề đan lát thủ công phát triển mạnh ở huyện Nam Trực tạo thu nhập ổn định cho người lao động nông thôn.

Đồng chí Trần Phương Thảo, Trưởng Phòng LĐ-TB và XH huyện Nam Trực cho biết: Huyện Nam Trực hiện có 111.450 người trong độ tuổi lao động, trong đó 50,7% lao động lĩnh vực nông nghiệp, 32,7% lao động lĩnh vực thủy sản, công nghiệp, xây dựng, 16,6% lao động lĩnh vực thương mại dịch vụ. Để giảm nghèo, huyện đã đẩy mạnh thực hiện Đề án 1956/QĐ-TTg của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành, nghề phù hợp; yêu cầu đơn vị đào tạo phối hợp với các doanh nghiệp đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã hoàn thành đào tạo nghề cho 385 đối tượng lao động nông thôn, đạt 100% chỉ tiêu Sở LĐ-TB và XH giao. Ngoài ra, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông (Sở NN và PTNT), Trung tâm Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Nam Định mở 5 lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia cầm, trồng cây lương thực, thực phẩm thu hút 150 học viên tham gia. Các lớp học nghề đều đảm bảo đúng quy định về công tác tổ chức lớp, nội dung đào tạo... Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng nghề cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Sau khi học nghề, nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Hiệu suất lao động được nâng lên, mức thu nhập, đời sống của nông dân trong huyện được cải thiện. Theo số liệu của Phòng LĐ-TB và XH huyện, đối với nghề phi nông nghiệp 85-90% lao động sau khi hoàn thành học nghề có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, 10-15% lao động làm công việc mới có hệ số tiền lương cao hơn. Cùng với thực hiện Đề án 1956, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội CCB huyện đã mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho hội viên. Hội Nông dân huyện phối hợp với Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn tổ chức các dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, giống, phân bón; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi; phối hợp với Công ty Cổ phần Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức 200 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi bằng phương pháp sinh học cho trên 9.600 lượt hội viên. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai tuyên truyền sâu rộng các kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển nghề phụ, nghề truyền thống, nhất là nghề đan cói xuất khẩu. Đến nay nghề đan cói xuất khẩu đã và đang phát triển mạnh tại các xã Nam Tiến, Nam Lợi, Nam Hải, Nam Hồng, Nam Hoa, Điền Xá, Nam Thắng, Tân Thịnh, thu hút hàng nghìn lao động nữ cho thu nhập từ 70-150 nghìn đồng/người/ngày. Từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề may công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt cho hàng trăm lao động tại các xã Nghĩa An, Nam Thanh, Nam Tiến; đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển ngành nghề cho hội viên; nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất cho chị em, góp phần tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh khai thác, huy động các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn huyện có 61 trường hợp thuộc hộ nghèo, 612 trường hợp thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền 33 tỷ 838 triệu đồng. Thực hiện dự án mô hình nuôi bò sinh sản tăng thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, huyện Nam Trực có 4 xã được Sở LĐ-TB và XH lựa chọn tham gia dự án gồm: Nam Hồng, Nam Toàn, Nam Hùng, Nam Thắng. Qua kết quả kiểm tra, đánh giá, Dự án triển khai mô hình phát triển nuôi bò sinh sản tại các xã cơ bản đạt hiệu quả, đúng quy trình, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Bên cạnh công tác dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, cùng với nguồn ngân sách, huyện đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo, hỗ trợ các đối tượng yếu thế; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm đã tặng quà nhiều hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đầu năm 2020, Tập đoàn Vingroup tặng 200 hộ nghèo trên địa bàn huyện số tiền trị giá 100 triệu đồng và bánh kẹo trị giá 20 triệu đồng; Công ty TNHH Việt Thắng tặng 200 suất quà cho người nghèo và 20 suất quà cho người mù với gần 2,2 tấn gạo trị giá 44 triệu đồng… Các đoàn thể chính trị, xã hội trên địa bàn huyện có nhiều hình thức ngắn hạn và dài hạn hỗ trợ hội viên nghèo. Tiêu biểu như Hội Nông dân huyện với phong trào hỗ trợ xây dựng, nâng cấp nhà ở, tặng quà cho con em hội viên nghèo vượt khó học giỏi; hỗ trợ cung ứng vật tư bằng hình thức trả chậm…, qua đó nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn có điểm tựa vươn lên phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Với các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, toàn diện, công tác giảm nghèo của huyện Nam Trực đã đạt được những kết quả quan trọng. 

Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác vận động thực hiện trách nhiệm xã hội, động viên các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người nghèo./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com