Quan tâm, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam

08:10, 22/10/2020

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW  ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam”, ở tỉnh ta, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội đã có những biện pháp tích cực, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp trao Học bổng Hoàng Ngân và “Hạt giống hy vọng” cho con cháu nạn nhân chất độc da cam.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp trao Học bổng Hoàng Ngân và “Hạt giống hy vọng” cho con cháu nạn nhân chất độc da cam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh ta có 145.659 người tham gia kháng chiến tại chiến trường miền Nam. Theo điều tra ban đầu, đã có gần 30 nghìn người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Đến tháng 6-2020 đã có 16.673 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ của Nhà nước, trong đó có 13.392 nạn nhân trực tiếp, 3.281 nạn nhân gián tiếp. Trong 5 năm qua, Hội  Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) đã tiến hành tổng rà soát người có công với cách mạng, tham gia Hội đồng xét duyệt chế độ chất độc da cam ở cấp xã, phường, thị trấn theo quy định của Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh đã xét duyệt cho 2.515 người tham gia kháng chiến được hưởng chế độ, trong đó, nạn nhân trực tiếp được hưởng là 2.443 người, nạn nhân hưởng gián tiếp là 82 người. Thực hiện chủ trương thanh tra đối với người được hưởng chế độ theo quy định, Hội đã kịp thời phối hợp với ngành LĐ-TB và XH rà soát những đối tượng bị cắt, giảm trợ cấp da cam trong các đợt thanh tra. Qua đó, đã kiến nghị đình chỉ và thu hồi 294 trường hợp, điều chỉnh 475 trường hợp do Hội đồng giám định y khoa kết luận không đúng tỷ lệ bệnh, phải điều chỉnh giảm mức hưởng trợ cấp. Công tác chi trả chế độ cho các đối tượng hàng tháng và trao quà của Chủ tịch nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong dịp lễ, tết được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH hàng năm đều tổ chức điều dưỡng định kỳ cho các nạn nhân nhằm chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần, tiếp thêm nghị lực để họ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, đã tổ chức 1 đợt xông hơi, giải độc cho 20 nạn nhân tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của Trung ương Hội; phối hợp với Hội CCB tỉnh tổ chức 4 đợt đưa 35 nạn nhân đi điều dưỡng tại Làng Hữu nghị Vân Canh (Hà Nội). Hiện nay, Nhà nước chưa có chế độ, chính sách hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3 mà phần lớn họ chỉ mới được hưởng chế độ hỗ trợ của người khuyết tật, nên từ năm 2019, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tổ chức điều tra, khảo sát 10.463 nạn nhân Fo ở 100% tổ chức hội cơ sở và lập 454 bộ hồ sơ thế hệ F2, F3 bị nhiễm chất độc hóa học. Qua đó đề nghị các cấp, ngành xem xét có chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3 để họ có thêm điều kiện vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Cùng với việc quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ chính sách, hàng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tích cực vận động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Hội đã vận động được kinh phí, hiện vật và các hoạt động trị giá 30,49 tỷ đồng cho các nạn nhân. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc giúp đỡ nạn nhân từ nguồn Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, nhất là những đợt “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” hàng năm do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động. Trong 5 năm, đã có 57.790  lượt nạn nhân được thụ hưởng các hình thức chăm sóc, giúp đỡ như tặng quà trong các dịp lễ, tết; xây, sửa nhà tình nghĩa; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí; cấp xe lăn, xe lắc và các phương tiện sinh hoạt, học tập; tặng học bổng; trợ cấp khó khăn; hỗ trợ vay vốn sản xuất. Việc xây dựng Quỹ Tình nghĩa ở cấp Hội cơ sở cũng được chú trọng để thực hiện việc chăm sóc, giúp đỡ hội viên lúc ốm đau hoặc phúng viếng khi từ trần. Ngoài ra, nhiều hội viên được các cấp Hội giúp đỡ vay tiền không tính lãi để vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất cải thiện đời sống. Hiện tại, số dư trong toàn tỉnh là 5,2 tỷ đồng, đạt 440 nghìn đồng/hội viên.

Sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và toàn xã hội thời gian qua đã kịp thời động viên nạn nhân chất độc da cam vươn lên, vượt qua nỗi đau, khó khăn trong cuộc sống để hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều gia đình có nạn nhân gián tiếp bị tàn tật ngày càng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do người nuôi dưỡng ngày càng già yếu, không có chế độ phụ cấp hỗ trợ, không có bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh hiện có 2.507 nạn nhân gián tiếp, phần lớn bị khuyết tật hoặc thần kinh phân liệt, không được học hành; bố mẹ hiện nay đã trên dưới 70 tuổi, sức khỏe yếu, không có chế độ hoặc phụ cấp nào khác... Hiện đã có 132 gia đình cả bố, mẹ và 322 gia đình có bố hoặc mẹ đã mất. Các nạn nhân thuộc thế hệ F2, F3 bị ảnh hưởng chất độc da cam cần được sự quan tâm của Nhà nước về chính sách, chế độ. Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh sự ủng hộ của toàn xã hội, cần có sự vào cuộc hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc hoạch định, hoàn thiện và thực thi chính sách hiệu quả, giúp các nạn nhân da cam được thụ hưởng chính sách ưu đãi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com