Nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp ở các trường THPT

08:10, 27/10/2020

Toàn tỉnh hiện có 57 trường THPT với 40.173 học sinh. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT về nâng cao chất lượng hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, trong từng năm học, các trường THPT đã tổ chức thực hiện tốt chương trình dạy nghề trong giờ học chính khoá theo Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học của Sở GD và ĐT. Bên cạnh đó, các trường cũng đang chuyển dần hoạt động ngoài giờ lên lớp sang hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô và trò Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) với sản phẩm KHKT được trưng bày tại Hội thi KHKT cấp tỉnh năm 2020.
Cô và trò Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) với sản phẩm KHKT được trưng bày tại Hội thi KHKT cấp tỉnh năm 2020.

Hiện tại, hoạt động giáo dục hướng nghiệp của các trường THPT trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD và ĐT quy định thông qua các chủ đề được tổ chức trong phạm vi lớp học nhằm cung cấp kiến thức cho các em học sinh thông qua các giờ lên lớp. Trong đó, đối với các trường THPT: Tiếp tục thực hiện nội dung hoạt động giáo dục hướng nghiệp với thời lượng 9 tiết/năm học, sau khi tích hợp các nội dung của môn Công nghệ lớp 10 phần “Tạo lập doanh nghiệp” và tích hợp vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp thực hiện ở 3 chủ đề: “Thanh niên với học tập, rèn luyện vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; “Thanh niên với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Thanh niên với vấn đề lập nghiệp”. Mỗi khối lớp giảng dạy 3 chủ đề trong Chương trình THPT của Bộ GD và ĐT gồm: Lớp 10: Tìm hiểu một số nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; Tìm hiểu thực tế một cơ sở sản xuất công nghiệp hoặc nông nghiệp; Tìm hiểu một số nghề thuộc ngành Xây dựng. Lớp 11: Tìm hiểu một số nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ; Giao lưu với gương vượt khó, điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi; Tìm hiểu thực tế một trường đại học, cao đẳng và một trường trung cấp chuyên nghiệp tại địa phương. Lớp 12: Tìm hiểu hệ thống đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề của Trung ương và địa phương; Tìm hiểu hệ thống đào tạo đại học và cao đẳng; Tư vấn chọn nghề. Các hoạt động còn lại của các trường bao gồm hoạt động tham quan, học tập thực tế tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh. Một số trường thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp với nhiều hình thức đa dạng như: THPT Trần Hưng Đạo, THPT Nguyễn Khuyến, THPT Mỹ Lộc, THPT Lý Tự Trọng… Các trường đã tổ chức tham quan thực tế kết hợp tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh do các trường đại học, cao đẳng chủ trì. Các trường còn tổ chức tham quan thực tế các nhà máy, doanh nghiệp, làng nghề. Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định), là 1 trong số các trường THPT có chất lượng giáo dục đứng tốp đầu tỉnh, do vậy điểm “đầu vào” và “đầu ra” của trường có chất lượng khá cao. Với kết quả trên, phần lớn các em sau khi tốt nghiệp THPT lại lựa chọn học tiếp lên đại học. Trước tình hình trên, để làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, cùng với việc thực hiện nội dung hoạt động giáo dục hướng nghiệp với thời lượng 9 tiết/năm theo chỉ đạo của Sở GD và ĐT, kết thúc học kỳ I của năm học, nhà trường tập trung học sinh khối 12 của trường, sau đó Ban hướng nghiệp của trường trao đổi với các em các cách chọn trường phù hợp khả năng, đồng thời trường phối hợp mời các trường đại học, cao đẳng về để tư vấn tuyển sinh hoặc mời chuyên gia dạy nghề về tư vấn nghề nghiệp, hướng chọn trường và định hướng nghề nghiệp tương lai. Nhà trường cũng lồng ghép giáo dục hướng nghiệp trong các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp cuối tuần, các hoạt động ngoại khoá… Với những nỗ lực trong công tác giáo dục hướng nghiệp, trung bình hàng năm, tỷ lệ học sinh của tỉnh tốt nghiệp THPT không đi học đại học, cao đẳng chiếm khoảng 20%, trong số đó khoảng 14-14,5% có bằng đào nghề. 100% học sinh lớp 10, lớp 11 được học nghề theo quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác giáo dục hướng nghiệp ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn: Bên cạnh các trường làm tốt còn không ít trường THPT đã bỏ qua các hoạt động ngoại khóa mà chủ yếu tổ chức theo hình thức thầy giảng, trò nghe một cách thụ động. Bên cạnh đó, nhận thức của phần lớn người dân và cha mẹ học sinh vẫn coi trọng bằng cấp. Phần lớn các trường THPT vẫn có xu hướng chạy theo thành tích số lượng tốt nghiệp và đại học. Việc dạy thêm, học thêm các môn để xét đỗ đại học diễn ra ngay từ cấp THCS, trong khi lại coi nhẹ giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh, nhất là ở nhóm học sinh không có khả năng và điều kiện tiếp tục học lên cao hơn. Mặt khác, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác giáo dục hướng nghiệp còn hạn chế, khó khăn về kinh phí cho các hoạt động tham quan doanh nghiệp, cơ sở việc làm thực tế.

Để hoạt động giáo dục hướng nghiệp thực sự thu hút học sinh và đem lại hiệu quả thiết thực thì việc đa dạng hóa nội dung, hình thức tổ chức dạy học là điều cần thiết. Năm học 2020-2021, Sở GD và ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; các trường cần dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc tổ chức sinh hoạt các chuyên đề ngoại khoá về công tác hướng nghiệp. Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về tầm quan trọng của công tác giáo dục hướng nghiệp; tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác giáo dục hướng nghiệp; đặc biệt, tăng cường công tác quản lý của hiệu trưởng đối với công tác giáo dục hướng nghiệp ở các trường THPT. Đảm bảo hiệu trưởng các trường quan tâm xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện, từ đó, đề ra mục tiêu đạt được cùng với những biện pháp khả thi để triển khai tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở đơn vị. Chọn lựa những giáo viên có năng lực, hiểu biết, uy tín và thành đạt đảm nhiệm công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường. Các trường cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để hoạt động giáo dục hướng nghiệp được diễn ra thuận lợi và hiệu quả nhất. Mặt khác, cần đa dạng hoá nội dung, phương thức tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp; đẩy mạnh công tác tư vấn cho học sinh, cung cấp những thông tin cần thiết, cho những lời khuyên bổ ích và giải đáp triệt để những thắc mắc của các em trong quá trình chọn ngành, nghề qua các buổi đối thoại trực tiếp giữa giáo viên và học sinh; khuyến khích học sinh tự tìm hiểu những thông tin tuyển sinh thông qua những cẩm nang, những trang web và báo chí… Phụ huynh không nên buông lỏng hoặc gò ép học sinh theo ý muốn của cha mẹ trong hướng nghiệp mà cần động viên, tư vấn khuyên bảo phù hợp, đúng lúc để các em có sự lựa chọn đúng đắn cho tương lai của chính mình./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com