Xuân Trường thực hiện đồng bộ các biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động

07:08, 13/08/2020

Huyện Xuân Trường hiện có 580 doanh nghiệp đang hoạt động; 4 cụm công nghiệp; các làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận gồm: thêu Phú Nhai, điêu khắc và chế biến gỗ Trà Đông, xã Xuân Phương; dệt chiếu, trồng cây cảnh Xuân Dục, xã Xuân Ninh; cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, chế biến lâm sản xã Xuân Tiến. Những năm qua, huyện Xuân Trường đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm giúp người lao động tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường, xã Xuân Ninh tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường, xã Xuân Ninh tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Những mô hình hiệu quả

Xã Xuân Tân trước đây kinh tế thuần nông nên để phát triển ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cùng với hỗ trợ hộ nghèo về vốn, hàng năm xã đẩy mạnh phối hợp thực hiện công tác đào tạo nghề cho nông dân. UBND xã chỉ đạo Ban Nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, các đoàn thể phối hợp với các cơ sở dạy nghề mở các lớp dạy nghề phù hợp với kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho người dân. Hội Nông dân xã đã vận động hội viên thành lập tổ hội nghề nghiệp “Nuôi cá trắm cỏ” và Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản tại chi hội xóm Văn Phú và xóm Phú Ân, tạo điều kiện tập hợp các hộ có cùng ngành nghề giúp nhau về kỹ thuật sản xuất và được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương với lãi suất ưu đãi để mở rộng đầu tư. Ngoài ra, một số cá nhân ở xã đứng ra tổ chức lớp dạy nghề cho phụ nữ, người có thu nhập thấp, tạo việc làm cho nhiều lao động, tiêu biểu như chị Vũ Thị Hảo mở lớp đào tạo nghề đan bèo bồng (bèo tây) cho hàng trăm phụ nữ ở địa phương. Nhờ đó, chị em có việc làm với thu nhập mỗi ngày từ 100-150 nghìn đồng.

Xã Xuân Phương có 2 làng nghề truyền thống gồm thêu Phú Nhai, điêu khắc và chế biến gỗ Trà Đông. Hàng năm, tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên, xã phối hợp với các Trung tâm đào tạo tổ chức từ 3-4 lớp dạy nghề cho lao động trẻ tại địa phương. Bên cạnh đó, để phát triển làng nghề bền vững, các cơ sở sản xuất còn sẵn sàng truyền dạy nghề cho lao động trẻ trong thôn, trong xã. Nhờ đó, nghề điêu khắc gỗ truyền thống của thôn Trà Đông cùng với nghề thêu ren Phú Nhai được duy trì, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất của xã.

Xã Xuân Ninh có làng nghề truyền thống dệt chiếu, trồng hoa, cây cảnh Xuân Dục. Để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, Đảng ủy, UBND xã Xuân Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như: Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các hộ làm nghề tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; về mặt bằng để các cơ sở sản xuất xây dựng nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu, tập kết sản phẩm; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề, tập huấn kỹ thuật cho lao động trong làng nghề… Nhờ đó, làng nghề dệt chiếu Xuân Dục đang duy trì 174 hộ gia đình với 372 lao động tham gia sản xuất, tổng doanh thu cả làng nghề ước tính đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm; 133 hộ làm nghề trồng hoa, cây cảnh tạo việc làm cho 266 lao động, tổng thu nhập từ trồng hoa, cây cảnh ước tính đạt trên 2 tỷ đồng mỗi năm.

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Nội dung Đề án được quán triệt phổ biến đến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn, đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 cấp huyện, cấp xã để kịp thời chỉ đạo thực hiện. Căn cứ nhu cầu học nghề của người lao động và Kế hoạch đào tạo nghề hàng năm của UBND tỉnh và UBND huyện, Ban Chỉ đạo thực hiện đề án 1956 của huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, đồng thời yêu cầu các cơ sở dạy nghề công lập trực thuộc huyện, các đơn vị đào tạo nghề ngoài huyện thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn đúng quy định, đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã mở 108 lớp học nghề ngắn hạn, trong đó 77 lớp với 2.638 lao động được đào tạo theo đề án 1956. Riêng trong năm 2019, trên địa bàn toàn huyện có trên 600 lao động được đào tạo, trong đó có các lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, đối tượng chính sách người có công, với tổng kinh phí trên 1,1 tỷ đồng. Các đơn vị như Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thanh niên khu vực sông Hồng, Công ty cổ phần May Sông Hồng… thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp (trồng rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm) và nghề phi nông nghiệp (May công nghiệp, mộc dân dụng, móc sợi, hàn điện…) cho lao động nông thôn. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng nghề cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Theo số liệu của Phòng LĐ-TB và XH huyện, đối với nghề phi nông nghiệp, 100% lao động sau khi hoàn thành học nghề có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhờ có tay nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, hàng năm toàn huyện có hàng trăm hộ thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 1,3%; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 49,2 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, huyện Xuân Trường tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức. Tăng cường rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn để đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí, tổ chức thực hiện theo đúng quy định; tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện để người lao động được học nghề miễn phí, sau đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com