Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong giám sát và phản biện xã hội

07:06, 02/06/2020

Những năm qua, công tác giám sát và phản biện xã hội luôn được LÐLÐ tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện. Các tổ chức Công đoàn thường xuyên khảo sát nắm tình hình đời sống, việc làm; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến công nhân, viên chức, lao động và phản biện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp với thực tiễn, từ đó kiến nghị những nội dung thiết thực, phù hợp với pháp luật và đời sống xã hội.

Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty TNHH LongYu Việt Nam, xã Tân Thịnh (Vụ Bản).
Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty TNHH LongYu Việt Nam, xã Tân Thịnh (Vụ Bản).

Từ năm 2019 đến nay, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tham gia 10 cuộc kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chế độ, chính sách đối với người lao động như hợp đồng lao động; thực hiện chế độ tiền lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi; nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể; thực hiện chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện Luật Công đoàn; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc… Trong 10 doanh nghiệp được giám sát, có 8 doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng lao động với 2.454/2.572 công nhân lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, đảm bảo quy trình tuyển dụng từ khâu thử việc; sau khi người lao động đáp ứng yêu cầu theo quy định thì tiến hành ký hợp đồng chính thức. Tuy nhiên, có 4 doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các quy định về hợp đồng lao động. Ðó là Công ty TNHH Vĩnh Thực sử dụng mẫu hợp đồng lao động cũ theo Thông tư 21/2003/TT-BLÐTBXH ngày 22-9-2003 để ký kết với người lao động, các hợp đồng lao động đã ký nhiều nội dung bỏ trống (thời hạn hợp đồng, chức vụ, công việc phải làm, mức lương, hình thức trả lương, thời gian trả lương) các nội dung còn lại ghi chung chung; Công ty TNHH May mặc dệt kim Smart shirt ký hợp đồng lao động chuỗi liên tiếp 3 hợp đồng lao động người; Công ty TNHH một thành viên Tân Ðại Thắng và Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Vĩnh Thuận không tiến hành ký kết hợp đồng lao động với người lao động đang làm việc tại đơn vị. Bên cạnh đó, qua giám sát thực hiện chế độ tiền lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, có 7/10 doanh nghiệp đã xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, thưởng cho công nhân lao động; trong đó có 6 doanh nghiệp đã gửi cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định. 8/10 doanh nghiệp đã lập bảng chấm công, bảng thanh toán tiền lương làm căn cứ tính trả lương cho người lao động... Ngoài ra, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt chế độ phụ cấp cho người lao động như: phụ cấp trách nhiệm, đặc thù, kiêm nhiệm, thâm niên, chuyên cần, xăng xe, tiền cơm ca, nuôi con nhỏ..., áp dụng thời giờ làm việc 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần đối với bộ phận văn phòng theo quy định. Ðối với lao động trực tiếp khi bố trí làm thêm giờ đều có văn bản thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Giám sát về nội quy lao động, các doanh nghiệp xây dựng nội quy lao động và đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh theo quy định. Về thỏa ước lao động tập thể, các doanh nghiệp tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tuy nhiên đến thời điểm giám sát, có 6/10 doanh nghiệp đã gửi thỏa ước lên cơ quan quản lý Nhà nước về lao động là Công ty TNHH Vĩnh Thực, Công ty TNHH một thành viên Tâm Hưng Thành, Công ty TNHH Longyu, Công ty TNHH Triton, Công ty TNHH Sợi dệt nhuộm YuLun, Công ty TNHH Sunrise sprinning. Ðặc biệt nội dung về bữa ăn ca đều được các doanh nghiệp đưa vào nội dung thương lượng, giá trị từ 15-18 nghìn đồng/suất. Thực hiện Luật Công đoàn, các doanh nghiệp được giám sát đã thành lập tổ chức công đoàn với tổng số 1.936 đoàn viên, các công đoàn cơ sở được người sử dụng lao động tạo điều kiện về cơ sở vật chất để hoạt động, có bố trí nơi làm việc, phương tiện làm việc cho công đoàn cơ sở và bố trí thời gian cho cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động theo quy định. Các công đoàn cơ sở đã xây dựng quy chế hoạt động công đoàn, quy chế phối hợp với chuyên môn, mở sổ thu chi, sổ họp ban chấp hành Công đoàn, quy chế chi tiêu nội bộ để làm căn cứ chi các hoạt động tại đơn vị theo quy định. Cùng với đó, công tác giám sát xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc cho thấy, 6/7 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã triển khai thực hiện Nghị định 60/2013/NÐ-CP ngày 19-6-2013 của Chính phủ như tổ chức các hình thức tuyên truyền, phổ biến tới các bộ phận trong doanh nghiệp và toàn thể người lao động thông qua các hình thức triển khai bằng văn bản, các cuộc họp về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, đồng thời xây dựng và ban hành bộ quy chế tổ chức thực hiện tại cơ sở tương đối nghiêm túc như: Quy chế thực hiện dân chủ tại cơ sở, quy chế đối thoại tại nơi làm việc, quy chế tổ chức hội nghị người lao động. Qua kiểm tra hồ sơ, nội dung các bộ quy chế được xây dựng cụ thể, chi tiết và sát với tình hình thực tế, có phân công trách nhiệm cho từng phía doanh nghiệp cũng như Công đoàn cơ sở giúp cho việc triển khai thực hiện các nội dung đạt chất lượng cao. Việc tổ chức hội nghị đối thoại tại nơi làm việc và tổ chức hội nghị người lao động cơ bản đúng quy định, có hồ sơ lưu trữ đầy đủ... Qua kiểm tra, giám sát, các cấp Công đoàn đã nắm tình hình thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực tế đời sống, việc làm của người lao động; việc thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với người lao động, kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh những nội dung chưa đúng theo quy định. Với công nhân, viên chức, lao động, thông qua giám sát, phản biện cũng ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong thực hiện quy chế dân chủ và các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cùng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Thực hiện hoạt động phản biện xã hội, các cấp Công đoàn còn tổ chức cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật như: Dân sự, hình sự, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, việc làm; các văn bản dự thảo của tỉnh và cơ quan, ban, ngành về tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ý kiến tham gia của các cấp Công đoàn luôn sát thực tiễn và được bổ sung, sửa đổi trong các dự thảo.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp Công đoàn trong tỉnh thời gian qua đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, đời sống, việc làm của công nhân, viên chức, lao động và thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó tham mưu với cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời các chính sách, chương trình, kế hoạch sát với thực tiễn đời sống xã hội, tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động vì thế cũng được đảm bảo./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com