Để công tác xã hội hóa giáo dục thực sự mang tính nhân văn

08:02, 25/02/2020

Trong những năm qua, cuộc vận động xã hội hóa giáo dục đã được các địa phương, trường học trong tỉnh coi trọng và ngày càng phát huy hiệu quả đối với sự phát triển của ngành. 

Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Thành (Mỹ Lộc) tập thể dục giữa giờ.
Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Thành (Mỹ Lộc) tập thể dục giữa giờ.

Để thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; vận động xã hội hóa giáo dục bằng những biện pháp sáng tạo thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó chú trọng hoạt động tìm kiếm, thu hút nguồn đầu tư, đối tác đầu tư, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục. Đối với Trường THCS Giao Hải (Giao Thủy), được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương và cha mẹ học sinh, nhà trường đã được đầu tư khá hoàn chỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt chuẩn kiểm định cấp độ 3 và chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Tuy nhiên, do nguồn vốn địa phương còn khó khăn nên công trình nhà giáo dục thể chất của trường chưa được xây dựng để đáp ứng công tác giảng dạy, học tập, rèn luyện thể dục thể thao trong nhà trường. Nắm bắt được nhu cầu đó, năm 2017, gia đình ông Nguyễn Văn Sinh, là người con quê hương đang sinh sống tại Hà Nội đã ủng hộ đầu tư toàn bộ công trình nhà giáo dục thể chất với diện tích gần 300m2 được thiết kế chuẩn giáo dục, rèn luyện thể dục thể thao bậc THCS với tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành năm 2018 và được bàn giao cho Trường THCS Giao Hải quản lý và đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả.

Trong những năm qua, mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc, giáo dục ở Trường Mầm non Xuân Phong (Xuân Trường) còn khó khăn, thiếu phòng học, phòng chức năng nhưng nhà trường đã cố gắng vươn lên thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học. Tỷ lệ nuôi ăn bán trú của trường đạt 96%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm, chất lượng các bữa ăn của trẻ được tăng lên. Hiện tại, nhà trường có 348 trẻ trong độ tuổi ra lớp, trong đó trẻ lớp mẫu giáo có 14 nhóm lớp, trẻ lớp nhà trẻ có 2 nhóm lớp, số trẻ 5 tuổi diện phổ cập ra lớp đạt 100%. Năm học 2019-2020, nhà trường được tổ chức phi Chính phủ VNHELP (Hoa Kỳ) và dòng họ Lê làng Vạn Lộc, xã Xuân Phong tài trợ xây mới 4 phòng học trị giá 1,8 tỷ đồng đã đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong xã. Ngoài được tài trợ về phòng học và một số trang thiết bị, nhà trường còn nhận được sự ủng hộ về ngày công của phụ huynh trong việc tu sửa các hạng mục công trình đã xuống cấp, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Hiệu quả từ hoạt động xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng đã được khẳng định với việc hệ thống trường, lớp ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch, đẹp từ nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường học tập, rèn luyện. Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng chục trường học được các tổ chức, cá nhân đóng góp đầu tư xây dựng với kinh phí nhiều tỷ đồng. Tiêu biểu như các Trường Tiểu học: Trực Nội, Yên Tiến, Yên Bình, Trực Cường; các trường THCS: Quang Trung (Vụ Bản), Nam Tiến, Nam Hoa, Nam Lợi, Nghĩa Tân; Trường Mầm non Hải Long, Nam Hùng, Nam Tiến, Trực Hưng, Trực Thành, Trực Cát… Đặc biệt, từ chủ trương xã hội hóa giáo dục, hệ thống các trường tư thục, nhất là các trường mầm non ngày càng phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh. Tính riêng trên địa bàn thành phố Nam Định có 4 trường mầm non tư thục gồm 8 nhóm trẻ và 29 lớp mẫu giáo đã thu hút 1.287 trẻ, trong đó có 263 trẻ nhà trẻ và 1.051 trẻ mẫu giáo. Những trường này được các tổ chức, cá nhân đầu tư hàng chục tỷ đồng với hệ thống cơ sở vật chất, phòng, lớp học hiện đại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập, giảng dạy và sự phát triển giáo dục. Tại Trường Mầm non Hoa Sữa, với mục tiêu xây dựng mô hình trường chất lượng cao, nhà trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên bảo đảm các tiêu chí, tạo môi trường giáo dục thuận lợi để học sinh không chỉ được tiếp thu tốt nhất những kiến thức theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn được giáo dục về kỹ năng sống, phát triển năng khiếu, tư duy, sức khỏe... Cùng với đó, trường thực hiện liên kết với giáo viên người nước ngoài để tăng cường khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh) cho các em. 

Thực tế cho thấy, chủ trương xã hội hóa giáo dục đã phát huy hiệu quả tích cực, bởi nó khai thác và phát huy được tiềm năng của toàn xã hội cho sự phát triển giáo dục. Đặc biệt, sự ra đời của các cơ sở giáo dục tư thục từ chủ trương xã hội hóa giáo dục vừa đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khi thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Tại các trường công lập, lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp trường, lớp, mua sắm thiết bị, dự toán kinh phí trình UBND xã, phường sở tại cho phép thực hiện. Khi triển khai số tiền mà các trường đưa ra đều được “bổ đầu” từng học sinh, phụ huynh. Việc vận động kiểu áp đặt này ở nhiều trường học đã khiến cho việc thực hiện xã hội hóa giáo dục mất đi tính nhân văn và thực sự trở thành “gánh nặng” cho phụ huynh vào dịp đầu năm học. 

Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn, góp phần huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, trước những vấn đề đặt ra khi thực hiện chủ trương này, ngành chức năng, chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân cần thẳng thắn nhìn lại những tồn tại, hạn chế, đồng thời, nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai thực hiện. Và quan trọng hơn, đây là việc làm tự nguyện, ai có điều kiện kinh tế, có tấm lòng, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và việc học tập của con cái thì ủng hộ, tránh coi đây là phong trào chung, buộc ai cũng phải tham gia, đóng góp./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com