Hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế

08:12, 25/12/2019

Những năm qua, các cấp bộ Đoàn huyện Giao Thủy đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế như: đứng ra nhận ủy thác vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho đoàn viên, thanh niên vay, mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ vấn nghề nghiệp, việc làm..., tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên lập nghiệp.

Mô hình nước uống đóng bình của đoàn viên Phạm Văn Tuyến, xóm 8 Quyết Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy).
Mô hình nước uống đóng bình của đoàn viên Phạm Văn Tuyến, xóm 8 Quyết Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy).

Sinh ra tại vùng quê thuần nông, ngay từ nhỏ, đoàn viên Lê Văn Khoa ở xóm 7, xã Giao Yến luôn khao khát làm giàu từ đồng đất quê hương. Vốn năng động trong phát triển kinh tế, khoảng 5 năm trước, anh mạnh dạn vay mượn anh em, bạn bè đầu tư mô hình phát triển trồng cây cảnh và nuôi cá truyền thống như cá trắm, mè, trôi… Chịu thương chịu khó, kết hợp với biết tính toán làm ăn, mô hình của anh đã cho về nguồn thu ổn định. Năm 2016, được tổ chức Đoàn thanh niên hỗ trợ vay 70 triệu đồng từ kênh Ngân hàng chính sách xã hội. Có thêm vốn, anh tập trung đầu tư cho sản xuất. Hiện trang trại của anh có diện tích hơn 1ha trồng các loại cây cảnh, quất thế phục vụ dịp Tết, trừ chi phí, mô hình của anh cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động địa phương. Anh Khoa chỉ là một trong nhiều gương thanh niên làm giàu thành công từ sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn và quyết tâm dám nghĩ, dám làm. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng và duy trì được hàng trăm mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, trong đó có nhiều mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. 

Huyện Giao Thủy hiện có trên 10 nghìn đoàn viên, thanh niên sinh hoạt ở 40 chi đoàn cơ sở. Nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, các cấp bộ Đoàn trong huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện hiệu quả các phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp làm giàu chính đáng” đã được cụ thể hóa thành phong trào thanh niên thi đua lập nghiệp và lao động sáng tạo. Với mục đích giúp đoàn viên, thanh niên những thông tin định hướng về khởi nghiệp và lập nghiệp, Huyện Đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên các xã, thị trấn và đoàn viên, thanh niên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia diễn đàn “Khởi nghiệp làm giàu” và các lớp tập huấn “Thanh niên với công tác dạy nghề và giải quyết việc làm”, “Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Tổ chức truyền thông tư vấn định hướng về nghề nghiệp và việc làm cho học sinh khối trường trung học phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện. Phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Thanh niên khu vực Sông Hồng mở 4 lớp dạy nghề cơ khí và nghề may thu hút 400 đoàn viên, thanh niên tham gia, giới thiệu việc làm cho 200 đoàn viên, thanh niên có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn trong huyện còn phối hợp với Hội Nông dân và các đơn vị có liên quan tổ chức 5 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tham quan các mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên đã chủ động khai thác các dự án, nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, kênh vay vốn 120 của Trung ương Đoàn. Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện đẩy mạnh chương trình cho thanh niên vay vốn học nghề, phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động. Đến nay, Huyện Đoàn duy trì 29 tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn Thanh niên huyện quản lý với tổng dư nợ 23 tỷ 376 triệu đồng cho 878 lượt đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương. Từ nguồn vốn này, các đoàn viên, thanh niên đã xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy hải sản mang lại thu nhập cao cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giúp cho nhiều thanh niên vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả như mô hình chăn nuôi trang trại tổng hợp của đoàn viên, thanh niên xã Giao Yến, mô hình nuôi vạng, tôm của thanh niên xã Giao Xuân, mô hình trang trại chăn nuôi của đoàn xã Giao Lạc… Tiêu biểu trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, đoàn viên, thanh niên tích cực, chủ động đầu tư để sản xuất kinh doanh, duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống như ngành may, ngành cơ khí, sản xuất đồ mộc... Nhiều đoàn viên, thanh niên mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để mở xưởng sản xuất các mặt hàng thiết yếu như máy phục vụ cho xây dựng, máy chế biến lâm sản và các mặt hàng khác phục vụ cho đời sống nhân dân. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình ép củi chấu của thanh niên xã Giao Long; mô hình phát triển nghề may của thanh niên xã Giao Tân, Giao Châu; mô hình may váy cưới của thanh niên xã Giao Lạc; mô hình sản xuất đồ mộc của thanh niên xã Giao Yến; mô hình đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch của thanh niên thị trấn Quất Lâm... góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Các hoạt động đồng hành cùng thanh niên lập thân, lâp nghiệp của Huyện Đoàn Giao Thủy trong thời gian qua là cầu nối để tổ chức Đoàn thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên, giúp họ vững tin phát triển kinh tế, góp phần tạo việc làm ngay trên chính mảnh đất quê hương./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com