Quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt

08:12, 24/12/2019

Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh ta dài 41,15km; đường chính tuyến từ Km72+100 (xã Mỹ Thuận, Mỹ Lộc) đến Km 113+250 (xã Yên bằng, Ý Yên). Toàn bộ đường chính tuyến đều chạy song song với các Quốc lộ 10 và 21 có lưu lượng vận tải lớn, phức tạp; mật độ và tốc độ chạy tàu đều cao (bình quân 30 chuyến/ngày đêm; trên tuyến có khu gian đạt vận tốc chạy tàu 70-80km/giờ). Không những thế tuyến đường sắt còn chạy qua nhiều khu đông dân cư. Toàn tuyến còn có 249 đường ngang dân sinh, trái phép qua đường sắt nhưng mới có 10 điểm cảnh giới của địa phương và doanh nghiệp. Một số đoạn đường dây thông tin tín hiệu đường sắt đi qua khu dân cư bị các công trình xây dựng chồng lấn, không đảm bảo khoảng cách quy định (cách dây ngoài cùng 2,5m). Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới mất an toàn giao thông đường sắt. 

Tu sửa hạ tầng đường sắt góp phần tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đoạn qua địa phận xã Yên Tiến (Ý Yên).
Tu sửa hạ tầng đường sắt góp phần tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đoạn qua địa phận xã Yên Tiến (Ý Yên).

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ ngày 16-11-2018 đến 15-11-2019 toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 5 người chết, 8 người bị thương, thiệt hại về tài sản 147 triệu đồng. Tuy có giảm số vụ và số người chết nhưng tăng thêm 1 người bị thương và giá trị thiệt hại do các vụ tai nạn giao thông đường sắt tăng hơn 106 triệu đồng so với cùng kỳ. Trong đó, có 5 vụ tai nạn do phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm khổ giới hạn an toàn giao thông đường sắt làm bế tắc chính tuyến 105 phút, chậm thời gian các đoàn tàu 620 phút; 10 vụ tai nạn về người (làm 5 người chết, 7 người bị thương) làm bế tắc chính tuyến 224 phút, chậm các đoàn tàu tổng thời gian 332 phút; 1 vụ trật bánh đổ tàu (do chủ quan) làm bế tắc chính tuyến 485 phút, chậm các đoàn tàu tổng thời gian 562 phút. Toàn tỉnh xảy ra 22 sự cố giao thông đường sắt (nguyên nhân do hỏng thiết bị thông tin tín hiệu, cầu đường, đầu máy, toa xe, thiên tai, tránh người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ vi phạm khổ giới hạn an toàn giao thông đường sắt...) làm bế tắc chính tuyến 161 phút, chậm thời gian các đoàn tàu 307 phút. Có 18 vụ phương tiện giao thông đường bộ cố tình đi qua đường ngang khi thiết bị tín hiệu đã cảnh báo (đèn đỏ sáng, chuông kêu, cần chắn đã hạ) làm gẫy cần chắn và hư hỏng phụ kiện. 

Trước tình hình phức tạp về tai nạn giao thông đường sắt, Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên, Ban An toàn giao thông các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt. Trong đó tăng cường tuyên truyền lưu động tại các địa bàn, vị trí trọng điểm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông khi đi qua đường sắt. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các lực lượng Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông Vận tải); Đội Thanh tra số 3 (Cục Đường sắt Việt Nam); Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh... phối hợp với các địa phương có đường sắt đi qua tiến hành kiểm tra tổng thể các vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt; kịp thời có biện pháp khắc phục tình trạng thiếu, mất, hư hỏng thiết bị cảnh báo. Đồng thời ngành chức năng tích cực phối hợp với các địa phương, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh xử lý 4 điểm đen về mất an toàn giao thông đường sắt thuộc địa phận xã Liên Minh, thị trấn Gôi (Vụ Bản). Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh đã rà soát nâng cấp đường ngang từ phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang có người gác tại phía bắc ga Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên); nâng cấp 4 đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang phòng vệ bằng thiết bị cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động tại các xã Hiển Khánh, Liên Minh (Vụ Bản); Yên Tiến (Ý Yên). Các địa phương có đường sắt đi qua cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt, các tình huống gây tai nạn, các hiểm họa trên tuyến đường sắt… cho nhân dân; tổ chức cho các hộ dân sống hai bên đường sắt ký cam kết thực hiện các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, không tự ý mở đường ngang qua đường sắt, không lấn chiếm hành lang đường sắt. 

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt trong năm 2020, trước mắt là dịp cao điểm (Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội đầu xuân) Ban An toàn giao thông tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt như: Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông đường sắt, chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo vệ thiết bị và các công trình đường sắt; kịp thời cung cấp lịch trình chạy tàu Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 phục vụ công tác cảnh giới và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn tại các đường ngang, lối đi dân sinh. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố có tuyến đường sắt chạy qua địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh, Chi nhánh Thông tin tín hiệu điện Hà Ninh tiếp tục rà soát, kiểm tra các điều kiện an toàn trên các đường ngang, triển khai cảnh giới tại những điểm giao cắt có nhiều phương tiện qua lại trong thời gian cao điểm để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; tăng cường công tác thông tin, liên lạc giữa đơn vị đường sắt và địa phương để chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời những sự cố phát sinh, ngăn chặn các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường sắt./.

Bài và ảnh: Thành Trung   



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com