Tăng cường liên kết giữa các khu, điểm du lịch để thu hút du khách

08:04, 03/04/2019

Tỉnh ta được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch: văn hoá - tâm linh, tham quan, nghiên cứu sinh thái, nghỉ dưỡng - tắm biển, trải nghiệm làng quê nông thôn, làng nghề... với hàng chục khu, điểm du lịch quy mô lớn, nhỏ. Những năm qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tích cực tổ chức các hội thảo xây dựng các tuyến, điểm du lịch thành các địa chỉ hấp dẫn du khách. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh như: trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực hoạt động du lịch; liên kết trang thông tin điện tử về du lịch với các tỉnh; trao đổi kinh nghiệm tổ chức du lịch sinh thái cộng đồng Vườn quốc gia Xuân Thuỷ; tham dự các hội chợ du lịch, xây dựng các ấn phẩm cung cấp thông tin cho khách du lịch; liên kết, phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát các tuyến điểm du lịch nhằm khai thác phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng. Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh thường xuyên phối hợp với các công ty du lịch, hãng lữ hành và truyền thông nhằm xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh gắn kết giữa các khu, điểm du lịch thành các địa chỉ hấp dẫn du khách.

Múa lân trong Lễ hội Đền Trần năm 2018.
Múa lân trong Lễ hội Đền Trần năm 2018.

Ðến nay, hệ thống giao thông trong tỉnh đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ, tạo thuận lợi trong việc gắn kết các khu, điểm du lịch trong vùng thành các “tour” đa dạng, phong phú, hấp dẫn du khách. Các tuyến du lịch dựa trên chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh ta với các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình… đã hình thành và phát triển. Tuyến du lịch văn hóa - tâm linh bao gồm Khu di tích lịch sử - văn hoá Ðền Trần - Chùa Tháp (Thành phố Nam Ðịnh), Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy (Vụ Bản) kết nối với các điểm: Khu du lịch tâm linh Chùa Bái Ðính (Ninh Bình), Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, Chùa Keo (Thái Bình), Quần thể văn hóa - tôn giáo Chùa Hương (Hà Nội) được hình thành, mang tính chủ đạo trong phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Theo đó, các tuyến du lịch này được tổ chức gắn với lễ hội truyền thống như: Hội chợ Viềng xuân, Lễ Khai ấn Ðền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Ðền Trần… đã tạo nên nét độc đáo của sản phẩm du lịch văn hoá - tâm linh thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Tuyến du lịch nghỉ dưỡng tắm biển, tỉnh ta có 2 khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm hiện triển khai nhiều dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, giữ gìn cảnh quan môi trường trở thành điểm du lịch biển được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Ngoài ra, tỉnh ta có Vườn quốc gia Xuân Thuỷ có hệ sinh thái ngập mặn đa dạng, phong phú cùng với Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình); Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) tạo thành tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút nhiều đoàn khách tham quan là các chuyên gia, nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế. Du lịch làng nghề được xác định là thế mạnh của tỉnh, với các làng nghề: Hoa cây cảnh Vị Khê (Nam Trực), đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên (Ý Yên), ươm tơ Cổ Chất, dệt Cự Trữ (Trực Ninh)… Hiện nay, một số doanh nghiệp lữ hành bắt đầu xây dựng các tuyến du lịch kết nối với các làng nghề lớn tại Hà Nội như: Lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng hướng đến đối tượng khách nước ngoài; qua đó quảng bá hình ảnh người dân Nam Ðịnh tài hoa đến bạn bè quốc tế. Ngoài ra, căn cứ đặc điểm tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế, giao thông hiện tại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cân nhắc việc phát triển các tuyến du lịch chuyên đường ven biển và tuyến sinh thái nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh đặc thù của các điểm du lịch, qua đó tạo ra các sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn du khách. Các tuyến du lịch liên kết giữa các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh về văn hoá - tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng - tắm biển, làng nghề - đồng quê được hình thành đã đem lại nhiều thành công về doanh số. Theo thống kê năm 2018, tổng lượng khách tới các điểm tham quan du lịch của tỉnh ước đạt 2 triệu 547 nghìn lượt, tăng 5,3% so với năm 2017; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 736 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, trên thực tế việc liên kết giữa các điểm, khu du lịch trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực chưa chặt chẽ nên chưa phát huy hiệu quả. Trong đó, ngành du lịch tỉnh thiếu liên kết với trung tâm du lịch Hà Nội phân phối du khách tới các vùng Bắc Bộ nên lượng khách du lịch đến địa bàn còn mang tính thời vụ, khách du lịch quốc tế chỉ chiếm khoảng 2%, thời gian lưu trú ngắn. Ðể khai thác thế mạnh các khu, điểm du lịch trong tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch, tiếp tục thu hút kêu gọi đầu tư vào các khu, điểm du lịch có tiềm năng, tạo ấn tượng với du khách; tổ chức các tuyến, chương trình du lịch có liên kết các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030” tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh gồm: tuyến du lịch Thành phố Nam Ðịnh - Nam Trực - Nghĩa Hưng - Thịnh Long (Hải Hậu); tuyến Thành phố Nam Ðịnh - Vụ Bản - Ý Yên; tuyến Giao Thủy - Hải Hậu - Nghĩa Hưng… với các sản phẩm du lịch lễ hội, tham quan các di tích cách mạng, các công trình kiến trúc tôn giáo tiêu biểu, các điểm du lịch sinh thái, nghỉ mát. Hình thành tuyến du lịch liên vùng nối Nam Ðịnh với các vùng du lịch trọng điểm Thành phố Hà Nội - Thành phố Hải Phòng - Quảng Ninh; các tỉnh duyên hải phía Ðông Bắc, các tỉnh miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Hồng; các tuyến du lịch ven biển, tuyến du lịch đường sông, đường biển…

Du lịch là ngành kinh tế đặc thù, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú thì việc liên kết giữa các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phát triển du lịch, thu hút các nhà đầu tư, thu hút khách du lịch đến mỗi địa phương là xu thế phát triển tất yếu của du lịch trong giai đoạn hiện nay, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com