Dạy học gắn với thực tế tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

08:04, 02/04/2019

Nhiều năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ý Yên đã chủ động liên kết với các trường: Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc, Cao đẳng Nông lâm Đông Triều (Quảng Ninh), Cao đẳng Nghề Nam Định, Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ (Hà Nam), Trung cấp Nghề Thủ công và Mỹ nghệ truyền thống Nam Định để dạy các nghề gắn với thực tiễn như: điêu khắc gỗ, mộc dân dụng, chăn nuôi, thú y, kế toán, điện dân dụng, điện công nghiệp, cấp thoát nước, tin học ứng dụng, sửa chữa và lắp ráp máy tính… Hàng năm, trung tâm tổ chức điều tra khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập của học viên, tư vấn lựa chọn nghề học và dạy các môn văn hóa bậc bổ túc trung học phổ thông và học nghề, đồng thời cử giáo viên dạy các bộ môn văn hóa bổ trợ trong chương trình trung cấp nghề. Trung tâm thường xuyên tuyên truyền để học viên hiểu rõ mục tiêu, lợi ích của các chương trình dạy văn hóa - nghề và cùng với các trường trung cấp, cao đẳng nghề thực hiện gắn đào tạo nghề sát với nhu cầu sử dụng lao động tại địa phương; đồng thời tăng cường tìm hiểu, sắp xếp để học viên đi thực tập sản xuất gắn với bố trí việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Hàng năm, trung tâm duy trì 7-8 lớp văn hóa - nghề với khoảng 200 học viên theo học. Qua thống kê, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm tại các doanh nghiệp và tự làm nghề tại gia đình.

Với mô hình liên kết dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề, lượng học sinh học văn hóa - nghề ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong tỉnh tương đối ổn định, năm sau tăng hơn năm trước. Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên liên kết dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề với khoảng 1.700 học viên học văn hóa - nghề. Các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề cũng đào tạo nghề cho học viên ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và đào tạo nghề ngay tại trường cho học viên. Thực hiện liên kết, các trung tâm đã dạy đủ 8 môn văn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tổ chức thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo đúng quy chế, quy định. Các nghề được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề gồm 15 ngành nghề khác nhau; nhiều học viên ra trường đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và có thu nhập ổn định.

Dạy học gắn với thực tế sản xuất, kinh doanh tại địa phương là giải pháp cấp thiết để thực hiện tốt công tác phân luồng cũng như tạo cơ hội việc làm cho học viên không có nhu cầu học lên cao, nhất là hiện nay học viên tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thường có tâm lý kém hứng thú trong giờ học bởi cách dạy cứng nhắc, các bài học ít gắn với thực tế, xa rời cuộc sống...; đặc biệt khi các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện sáp nhập với các trung tâm dạy nghề và chuyển hướng mạnh sang mô hình học sinh học nghề kết hợp với học văn hóa. Để nâng cao chất lượng dạy và học tại các trung tâm, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo với chủ đề Dạy học gắn với thực tế tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện. Chuẩn bị cho hội thảo, trên 200 giáo viên ở các trung tâm đã tham gia rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các chủ đề, nội dung dạy học, chuẩn kiến thức kỹ năng, phân phối chương trình, phù hợp với đối tượng học viên và xây dựng các bài tham luận tổng hợp nội dung dạy học gắn với thực tế tại trung tâm. Đây là cơ hội để giáo viên trao đổi chuyên môn và thể hiện những quan điểm khoa học rõ ràng để thống nhất những nội dung dạy học gắn với thực tế, cách thức thực hiện phù hợp với những quy định chung về chuyên môn của ngành Giáo dục và Đào tạo. Giáo viên ở cả 10 bộ môn đã thống nhất được những nội dung gắn với thực tiễn và cách thức, phương pháp thực hiện và đã được tổng hợp làm tư liệu chuyên môn ngay trong học kỳ 2 này.

Tuy nhiên, việc học văn hóa kết hợp với học nghề, dạy các môn văn hóa gắn với thực tế ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên vẫn gặp khó khăn do người dân chưa quan tâm đến việc học văn hóa hệ bổ túc cũng như học nghề. Số lượng học viên ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ngày càng giảm nên khó huy động đủ số lượng học viên đăng ký học nghề để mở được lớp... Thời gian tới, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tiếp tục rà soát nội dung, chương trình giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tinh giản, vững chắc, tạo thuận lợi để học viên tiếp thu bài học và đạt kết quả cao trong các kỳ thi lên lớp, tốt nghiệp. Các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc học nghề, học văn hóa tại trung tâm; điều tra, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các cơ sở sản xuất tại địa phương để đào tạo nghề theo nhu cầu./.

Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com