Khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh phổ thông

08:01, 15/01/2019

Trong những năm gần đây, phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh phổ thông đã mang lại một hình thái học tập mới, giúp các em sáng tạo, thể hiện niềm đam mê nghiên cứu khoa học. 

Sản phẩm “Bức họa đồng quê” của học sinh Trường Trung học cơ sở Bạch Long (Giao Thủy).
Sản phẩm “Bức họa đồng quê” của học sinh Trường Trung học cơ sở Bạch Long (Giao Thủy).

Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông với mục đích khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, đồng thời thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dạy học. Với 4 nhóm lĩnh vực là Tin học và điều khiển, Hóa - Sinh - Y học - Môi trường, Khoa học xã hội và hành vi, Kỹ thuật cơ khí - Vật lý, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2018 đã thu hút được 105 sản phẩm của 10 Phòng Giáo dục và Đào tạo, 45 trường trung học phổ thông tham gia. Trong đó nhóm lĩnh vực Tin học và điều khiển có 15 dự án, nhóm lĩnh vực Hóa - Sinh - Y học - Môi trường có 19 dự án, nhóm lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi có 32 dự án, nhóm lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí - Vật lý có 39 dự án. So với những năm trước, những sản phẩm dự thi trong năm học này học sinh có nhiều ý tưởng sáng tạo, nắm vững kiến thức để nghiên cứu, vận dụng giải quyết các vấn đề cụ thể, sát với thực tiễn cuộc sống hằng ngày. Nhiều dự án xuất phát từ thực tiễn đời sống, có tính thời sự, có ý nghĩa nhân văn, nếu được áp dụng sẽ có tác dụng, hiệu quả cao như “Hệ thống cảnh báo va chạm sớm cho các phương tiện giao thông đường thủy đối với cầu Bo - sông Thiên Phái - Yên Chính - Ý Yên - Nam Định” của Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (Ý Yên), “Thiết kế hệ thống cổng trường đóng mở tự động, bán tự động có sử dụng công nghệ bluetooth để làm chìa khóa thông minh” - của Trường Trung học cơ sở Trực Đại (Trực Ninh); “Chế tạo thiết bị cảnh báo nguy cơ bị ngạt khí trong xe ô tô - của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong; “Trợ lý thông minh” - của Trường Trung học cơ sở Bạch Long (Giao Thủy). Các đề tài thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi thể hiện được tính mới, đề cập đến các vấn đề xã hội, hành vi nảy sinh, nổi cộm, cấp thiết trong cuộc sống hiện nay như: “Body - Shame (tự ti về thân thể) và tâm lý học sinh trong Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến” (TP Nam Định); “Đề xuất một số giải pháp hình thành kỹ năng tự nhận thức góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trường Trung học phổ thông Mỹ Lộc”; “Nghiên cứu giải pháp tư vấn khắc phục khó khăn tâm lý trong giao tiếp với cha mẹ của học sinh trung học phổ thông” của Trường Trung học phổ thông Nam Trực. Bên cạnh đó, các em đã chế tạo ra những sản phẩm gần gũi, phù hợp nhu cầu thực tiễn như “Nghiên cứu chế phẩm viên ngậm giúp giảm căng thẳng, tăng cường trí nhớ chiết xuất từ đinh lăng” của Trường Trung học phổ thông A Hải Hậu, “Cải tiến sản phẩm massage chân đá muối có sử dụng hồng ngoại và thiết bị bảo vệ an toàn” của Trường Trung học phổ thông Tống Văn Trân (Ý Yên); “Nghiên cứu và chế tạo bếp lửa thông minh dùng trong hộ gia đình” của Trường Trung học cơ sở Kim Thái (Vụ Bản), “Đu quay thả rác” - của Trường Trung học cơ sở Trực Cát (Trực Ninh). Đặc biệt trong cuộc thi năm nay, một số dự án đầu tư nghiên cứu sâu, có triển vọng giải quyết yêu cầu cấp thiết của môi trường, có cố vấn khoa học của giáo sư, tiến sĩ các trường đại học như đề tài: “Chế tạo màng bọc thực phẩm đa năng thân thiện với môi trường thay thế túi nilon từ vật liệu 3D-nano-cellulose và berberin” của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến có tính ứng dụng cao, nếu được triển khai ứng dụng sẽ có giá trị rất tích cực trong cuộc sống, góp phần bảo vệ môi trường. Các học sinh thực hiện các đề tài cho biết, quá trình triển khai ý tưởng, các em gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm, nhưng nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy, cô giáo cộng với việc phối hợp nghiên cứu thực tế, sáng chế, vận dụng kiến thức liên môn, các em đã thành công. Các em: Bùi Việt Anh, Phạm Thu Hà, lớp 10A3, Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (Ý Yên) cho biết, cuộc thi Khoa học, kỹ thuật đòi hỏi học sinh tham gia phải rất chủ động trong quá trình nghiên cứu, từ việc đề xuất đề tài, xây dựng định hướng nghiên cứu, đề xuất các chuyên gia khoa học, đến việc thu thập, xử lý dữ liệu, tiến hành thí nghiệm… Mặt khác, trong sức ép về thời gian thực hiện đề tài việc cân đối thời gian dành cho nghiên cứu và thời gian học tập ở trường cũng rất lớn. Tuy nhiên, khi tham gia nghiên cứu khoa học, em đã thu nhận thêm được nhiều kiến thức không có trong sách giáo khoa, phát triển được khả năng tư duy, học hỏi được phương pháp làm việc khoa học, tăng cường khả năng làm việc nhóm… Kết quả, đề tài “Hệ thống cảnh báo va chạm sớm cho các phương tiện giao thông đường thủy đối với cầu Bo - sông Thiên Phái - Yên Chính - Ý Yên - Nam Định” của 2 em đã đoạt giải Nhì Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2018-2019, nếu được triển khai áp dụng sẽ có hiệu quả cao.  

Qua các đề tài tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông cho thấy, hầu hết các ý tưởng của các em đều gắn với đời sống thực tiễn, phù hợp với điều kiện nghiên cứu trong trường. Đặc biệt, thông qua nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kỹ thuật, các em đã tìm cách vận dụng những kiến thức mình thu nhận được từ nhà trường, từ các nguồn tài liệu khác nhau để tạo ra những đề án thiết thực với cuộc sống hiện tại hay tạo ra những sản phẩm cụ thể có ích cho cộng đồng. Đây là kỹ năng rất cần thiết đối với mỗi học sinh trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hiện nay - kỹ năng vận dụng lý thuyết, kiến thức đã được học để giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh cũng đòi hỏi giáo viên phải đào sâu nghiên cứu, mở rộng kiến thức của mình để hướng dẫn các em. Đây cũng là một “cú hích” quan trọng để giáo viên thay đổi phương pháp dạy học, không còn là người áp đặt kiến thức mà trở thành người khơi gợi kiến thức, hướng dẫn, định hướng học sinh phương pháp tìm tòi tri thức mới, hỗ trợ học sinh giải đáp thắc mắc và quan trọng là giúp học sinh phát huy tối đa khả năng chủ động, sáng tạo của mình trong việc thu nhận kiến thức./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com