Hiệu quả Dự án Chăm sóc tật khúc xạ học đường ở Nghĩa Hưng

08:11, 06/11/2018

Tỉnh ta là một trong số ít tỉnh, thành phố trên toàn quốc được Tổ chức Hellen Keller International Việt Nam (HKI Việt Nam) triển khai Dự án “Nhân rộng mô hình Childsight - Chăm sóc Tật khúc xạ học đường” từ năm 2013 tại Thành phố Nam Định và các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, trong đó huyện Nghĩa Hưng được triển khai Dự án từ năm 2016 với sự tham gia của 26 trường THCS. Kết quả khám cho thấy số học sinh được xác định có tật khúc xạ là 1.745/10.155 em, chiếm tỷ lệ 17,2%. Số học sinh xác định có tật khúc xạ nhưng không dùng kính là 249/1.745 em, chiếm tỷ lệ 14,3%. Số học sinh có chỉ định dùng kính cũ là 531 em. Số học sinh đã sử dụng kính mới của dự án là 775/1.745 em, chiếm tỷ lệ 44,4% (trong đó có 48 em trong diện hộ nghèo của địa phương và được dự án hỗ trợ 100% giá kính, số còn lại được hỗ trợ 50% giá kính). Số học sinh được thay mắt kính miễn phí là 190 em, chiếm tỷ lệ 10,9%. Qua kết quả khám tật khúc xạ tại các trường THCS ở Nghĩa Hưng cho thấy, ngoài việc phát hiện tật khúc xạ, trong số những em học sinh đang đeo kính trước khi khám xác định tật khúc xạ, có nhiều em đeo kính không đúng số, không đúng loại tật khúc xạ, thậm chí có em không mắc tật khúc xạ nhưng vẫn phải đeo kính cận thị. Ngoài ra có nhiều kính không đảm bảo về chất lượng như: không đảm bảo về khoảng cách đồng tử, tâm kính bị lệch bên cao bên thấp... Sau khi khám xác định, cắt kính đúng và khám lại, các em đeo kính thoải mái và thị lực được cải thiện tốt hơn. Trong quá trình khám còn phát hiện những em giảm thị lực có liên quan đến các bệnh về mắt như: lác, sụp mi, đục thủy tinh thể… đã được giới thiệu lên tuyến trên để điều trị. Ngoài ra có một số học sinh thị lực giảm dưới 3/10 nhưng chưa bao giờ được chỉnh tật khúc xạ hoặc đã đeo kính nhưng không tái khám định kỳ. Toàn bộ kính và mắt kính đều được chuyên gia của Bệnh viện Mắt Trung ương kiểm tra đạt tiêu chuẩn trước khi bàn giao cho nhà trường và học sinh. 

Khám, phát hiện tật khúc xạ cho học sinh ở Trường THCS Nghĩa Sơn.
Khám, phát hiện tật khúc xạ cho học sinh ở Trường THCS Nghĩa Sơn.

Trước đó, để thực hiện các hoạt động của Dự án, Bệnh viện Mắt tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế Nghĩa Hưng cử cán bộ đi đào tạo tại tuyến trên về khám tật khúc xạ và mài lắp kính để phục vụ việc chăm sóc mắt cho học sinh và cộng đồng dân cư. Trung tâm Y tế huyện cũng tổ chức tuyên truyền trên Đài Phát thanh; truyền thông trực tiếp tới ban giám hiệu, giáo viên, học sinh và phụ huynh các nhà trường kiến thức về chăm sóc mắt và sức khỏe mắt, tầm quan trọng của việc đeo kính và đeo kính đúng số trong điều chỉnh tật khúc xạ. Trong khuôn khổ Dự án, ngoài việc triển khai khám tật khúc xạ trong các nhà trường, các đơn vị chức năng còn cung cấp hàng nghìn tờ rơi, áp-phích, pa-nô tuyên truyền cho học sinh phụ huynh, giáo viên về tầm quan trọng của việc đeo kính và đeo kính đúng số để điều chỉnh tật khúc xạ; tuyên truyền kết hợp lồng ghép kiến thức về tật khúc xạ cho học sinh qua các buổi sinh hoạt chào cờ, sinh hoạt Đội, các buổi học ngoại khóa, tổ chức tập huấn cho giáo viên… Dự án cũng đầu tư một số trang thiết bị nhãn khoa cơ bản cho Trung tâm Y tế huyện ở địa bàn được thụ hưởng dự án như: máy soi bóng đồng tử, máy đo khúc xạ tự động, bảng thị lực... Ngoài ra, Tổ chức HKI Việt Nam qua sự tài trợ của một số Quỹ quốc tế còn phối hợp với Trung tâm Y tế Nghĩa Hưng thành lập Trung tâm kính mắt cộng đồng đặt tại Trung tâm Y tế huyện với cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn, được trang bị đầy đủ máy móc, các thiết bị phục vụ cho khám tật khúc xạ và mài lắp kính để quản lý tật khúc xạ học đường và người dân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc tật khúc xạ chất lượng cao, chi phí hợp lý.

Mô hình Chăm sóc tật khúc xạ học đường triển khai tại các trường học trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đã góp phần cải thiện tật khúc xạ, tác động toàn diện tới nhận thức của cộng đồng trong việc chăm sóc tật khúc xạ cho học sinh cũng như nâng cao năng lực khám và sàng lọc tật khúc xạ cho các cơ sở y tế. Thông qua việc thực hiện các khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng chăm sóc mắt cho nhân viên y tế; nâng cao năng lực, trình độ cho các khúc xạ viên, kỹ thuật viên mài lắp kính, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tật khúc xạ trong trường học cho học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng, dự án đã khắc phục những thiếu hụt hiện nay trong hệ thống chăm sóc mắt trên địa bàn, đồng thời phát triển, nhân rộng hệ thống chăm sóc mắt trẻ em toàn diện và bền vững trong cộng đồng./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com