Trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi

07:10, 19/10/2018

Những năm qua, cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh đã phát huy vai trò trong việc phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Mạnh dạn, năng động, sáng tạo, nhiều chị em phụ nữ đã vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cơ sở trồng cỏ Nhật của chị Hoàng Thị Miều, xã Nam Thắng (Nam Trực) tạo việc làm cho hơn 30 phụ nữ theo mùa vụ.
Cơ sở trồng cỏ Nhật của chị Hoàng Thị Miều, xã Nam Thắng (Nam Trực) tạo việc làm cho hơn 30 phụ nữ theo mùa vụ.

Nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo luôn được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong các hoạt động của Hội. Từ các phong trào thi đua "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế", "Phụ nữ làm kinh tế giỏi" của Hội, hằng năm có hàng trăm hộ phụ nữ thoát nghèo và ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ vượt khó vươn lên, phát huy nội lực làm giàu chính đáng. Để hỗ trợ cho hội viên phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, các cấp Hội trong tỉnh đã đứng ra ký kết, nhận ủy thác các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng như: Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT, quỹ TYM… Đến nay, tổng dư nợ các nguồn vốn vay do các cấp Hội trong tỉnh trực tiếp quản lý, điều hành là trên 2.856 tỷ đồng, giúp cho gần 78 nghìn hộ vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội LHPN các cấp còn phát động phong trào “Thực hành tiết kiệm theo gương Bác” tại 229/229 cơ sở Hội và 100% chi, tổ phụ nữ trong toàn tỉnh. Từ nguồn vốn tiết kiệm, các cấp Hội đã giúp cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức khởi sự doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp; chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ. Năm 2017, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Ban quản lý các KCN tỉnh thành lập CLB “Nữ doanh nhân KCN tỉnh” với 21 thành viên tham gia; phối hợp với Hội LHPN các huyện, liên kết với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tổ chức dạy nghề cho 2.317 lao động nữ, giới thiệu việc làm sau đào tạo cho 1.969 lao động nữ; hỗ trợ cho 47 phụ nữ khởi nghiệp. Năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Trung tâm đào tạo và nâng cao năng lực phụ nữ (Học viện Phụ nữ Việt Nam) tổ chức khai giảng khóa học "Kỹ năng khởi sự kinh doanh" cho 42 phụ nữ trên địa bàn tỉnh có ý tưởng khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Tổ chức "Ngày phụ nữ khởi nghiệp" nhằm khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; biểu dương những điển hình tập thể, cá nhân hội viên, phụ nữ khởi nghiệp làm kinh tế giỏi; đồng thời trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của hội viên phụ nữ, nữ doanh nhân tại các địa phương trong tỉnh. Đây cũng là cơ hội để chị em phụ nữ được giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, kết nối, thiết lập mối quan hệ mới trong kinh doanh, hợp tác và phát triển. Ngoài ra, những năm qua, các cấp Hội còn phối hợp với ngành chức năng thành lập nhiều mô hình HTX, tổ phụ nữ liên kết phát triển sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế như: Tổ phụ nữ liên kết sản xuất lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Giao Hà (Giao Thủy); Tổ phụ nữ liên kết thêu màu xuất khẩu xã Yên Phú (Ý Yên); Tổ phụ nữ liên kết chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh thái tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản); Tổ phụ nữ liên kết sản xuất hàng cói xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng); HTX trồng cây dược liệu xã Hải Lộc (Hải Hậu); HTX hoa và rau Long Hải, xã Nam Cường (Nam Trực); HTX Tâm Sáng (TP Nam Định); HTX nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản Hải Đăng, xã Hải Lý (Hải Hậu), HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Bình Minh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng); HTX chăn nuôi và cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch tại xã Hải Sơn (Hải Hậu)... Trong phong trào thi đua phụ nữ làm kinh tế giỏi đã xuất hiện nhiều nữ chủ doanh nghiệp, chủ trang trại, chủ hộ kinh doanh trong đó có chị đi lên từ hộ nghèo. Các chị không chỉ là người trực tiếp quản lý, sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu cho bản thân, cho xã hội, mà còn đóng góp tích cực trong phong trào giúp phụ nữ nghèo bằng vốn, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, giải quyết việc làm. Điển hình như các chị: Phạm Thị Hoa, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (TP Nam Định) tạo việc làm cho 30 đến 40 lao động; Vũ Thị Kim Tho, cơ sở sản xuất băng gạc y tế xã Phương Định (Trực Ninh) tạo việc làm cho 110 lao động; cơ sở may của chị Vũ Phương Thúy, xã Nam Hoa (Nam Trực) tạo việc làm thường xuyên cho 17 lao động. Chị Phạm Thị Thắm, Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Thủy) tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ. Cơ sở ép dầu ăn công nghiệp của chị Trịnh Thị Hường, xã Yên Cường (Ý Yên) sản xuất ra sản phẩm dầu lạc đảm bảo ATTP, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ địa phương. Chị Nguyễn Thị Thanh, Cty TNHH Mai Thanh, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) sản xuất sản phẩm nước sạch đạt tiêu chuẩn ISO được các cấp có thẩm quyền chứng nhận quy chuẩn về ATTP, cung cấp cho nhân dân xã Nghĩa Sơn và các xã lân cận... Chị Đoàn Thị Nho, Giám đốc Cty TNHH Cơ khí Nhật Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP May Trường Tiến (Xuân Trường), đã đầu tư mở rộng xưởng sản xuất, mở thêm xưởng may, không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giữ được chữ tín với khách hàng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, trong đó có 60% lao động nữ với mức lương bình quân đạt từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Duyên, Phó Giám đốc Cty TNHH Việt Thắng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động tại địa bàn các xã Nam Cường, Thị trấn Nam Giang, Nam Dương, Đồng Sơn… với thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Lan, chủ doanh nghiệp Tám Lan, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy), thường xuyên tạo việc làm cho trên 30 lao động, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ hàng trăm phụ nữ giống, vốn nuôi trồng thủy sản với số tiền trên 2 tỷ đồng, ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động của địa phương và của Hội. Chị vinh dự được nhận danh hiệu “Bản lĩnh doanh nhân thời hội nhập” và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp bộ, ngành Trung ương, của tỉnh. Chị Nguyễn Thị Hải, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng), chủ cơ sở sản xuất cói xuất khẩu, tạo việc làm cho 250-300 lao động, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Chị Dương Thị Tuyết, hội viên phụ nữ Thị trấn Lâm (Ý Yên), từ một hộ gia đình phụ nữ khó khăn, được vay vốn quỹ TYM, phát triển nghề đúc đồng truyền thống của gia đình, tạo việc làm cho hàng chục lao động, thu nhập của gia đình khoảng 300-400 triệu đồng/năm…

Thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho chị em phát triển kinh tế như hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, các kiến thức về vốn vay, dạy nghề, tập huấn nghiệp vụ quản lý đồng vốn hiệu quả. Tiếp tục thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" với mục tiêu mỗi năm tổ chức Hội hỗ trợ, giúp đỡ được ít nhất 40 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và phối hợp đào tạo nghề cho ít nhất 2.000 lao động nông thôn./. 

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com