Những tấm lòng thơm thảo

08:02, 15/02/2018

“Làm việc tốt thì vui”, là cảm xúc chung mà Vũ Huy Cảng, xóm 22, xã Nghĩa An (Nam Trực), sinh viên năm cuối Đại học Điện lực Hà Nội và Vũ Văn Đại, 10 tuổi, học sinh lớp 5A3, Trường Tiểu học Chu Văn An, Thành phố Nam Định chia sẻ khi được hỏi về việc “nhặt được của rơi trả người đánh mất”. Hành động đẹp của các em, rất nhanh chóng được nhiều người biết đến và khen ngợi. Riêng đối với Cảng và Đại, 2 em chỉ suy nghĩ đơn giản một điều, để làm ra số tiền lớn như thế chắc là họ phải vất vả lắm nên cần phải được trả về cho chủ nhân của nó.

Chăm ngoan, học giỏi, Vũ Văn Đại, học sinh lớp 5A3, Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Nam Định) là tấm gương sáng cho thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh học tập, noi theo.
Chăm ngoan, học giỏi, Vũ Văn Đại, học sinh lớp 5A3, Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Nam Định) là tấm gương sáng cho thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh học tập, noi theo.

Làm việc tốt thì vui

Vũ Huy Cảng sinh ra trong một gia đình nông dân bình dị, điều kiện kinh tế có phần khó khăn. Bố mẹ Cảng để nuôi 4 anh em ăn học đã phải “xoay” đủ nghề kiếm sống, chủ yếu bằng việc bán sức lao động. Những khi mùa màng đỡ bận rộn, mẹ Cảng theo các bà, các chị trong làng đi đội bê tông. Bố Cảng thì đi xây cùng cánh thợ. 2 anh trai của Cảng khi còn học đại học vào ngày nghỉ hoặc mùa màng đều tranh thủ về giúp bố mẹ việc đồng áng, lo con trâu cái cày. Nghỉ hè mấy mẹ con cùng đi đội bê tông thuê. Thương bố mẹ, các anh vất vả, ngay từ khi còn nhỏ Cảng đã rất có ý thức học hành. Nết nhà cần cù cũng sớm hình thành cho em tính kiệm cần, chịu thương chịu khó. Mẹ Cảng kể: “học cấp 2, một buổi nó đi học, một buổi đi làm đồng cùng với mẹ. Thời gian chờ báo điểm thi cấp 3, Cảng theo anh trai lên Hà Nội bán kem. Dành dụm được ít tiền bán kem, nghe tin báo đậu cấp 3, Cảng mang về cho mẹ mua thêm đàn ngan, con gà. Vào cấp 3, cao lớn hơn một chút, những ngày được nghỉ học Cảng theo mẹ đi làm bê tông. Nghỉ hè lớp 11, Cảng một mình đạp xe xuống Vân Chàng (Thị trấn Nam Giang) nói dối chủ cơ xưởng cơ khí là đã nghỉ học để làm thêm kiếm tiền. Đến lớp 12, Cảng năn nỉ mẹ dẫn xuống Báo Đáp (Hồng Quang) làm hoa”… Cứ như vậy cùng với những năm học, số nghề “làm thêm” của Vũ Huy Cảng cũng nhiều hơn. Thương bố mẹ còn phải nuôi 2 anh học đại học, nhiều năm liền Cảng không đi học thêm, tuy vậy em vẫn học rất khá. Thi cấp 3, Cảng thừa 6,5 điểm. Thi đại học, Cảng đỗ liền 2 trường, Đại học Điện lực và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Vào đại học, Vũ Huy Cảng tiếp tục những ngày làm thêm cần mẫn. Năm thứ 3 đại học, Cảng đăng ký chạy xe ôm Grab. Ngày 20-10-2017, khi đang chạy xe ôm ở khu Mỹ Đình, lúc qua ngõ Đình Thôn thì có một anh mặc bộ đồ xây dựng vẫy xe gọi em yêu cầu chở đến gần cầu Vĩnh Tuy, đoạn đường hơn 20km. Địa điểm mà Cảng chở khách đến là trụ sở Ngân hàng Vietcombank ở gần cầu Vĩnh Tuy. Đến đây, khách hàng bảo Cảng chờ 30 phút. “Lúc trở ra anh ấy nói mở cốp xe cho anh ấy để nhờ gói đồ. Sau đó, khách yêu cầu em chở về đầu ngõ 180, đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Khi đi trên đường, 2 anh em chỉ trao đổi với nhau vài ba câu ngắn gọn, em đeo khẩu trang nên khách hàng không biết mặt em”, Cảng kể tiếp. Chở đến nơi, khách hàng xuống trả tiền xe xong thì cả 2 đều đi, quên luôn gói đồ trong cốp. Đầu giờ chiều chuẩn bị đi làm, Cảng kiểm tra lại cốp xe mới phát hiện ra túi đồ khách bỏ quên. Khi mở túi, Cảng bối rối phát hiện thấy nhiều cọc tiền 500 nghìn đồng. Ý nghĩ vụt thoáng qua trong đầu Cảng là phải tìm người để quên gói đồ trong cốp. “Bởi, nhìn thấy người khách em có cảm giác thân thương giống… anh trai em, một người làm nghề xây dựng. Có thể anh ấy cầm tiền để đi thanh toán món gì đó. Số tiền rất lớn, nếu anh ấy đánh mất, có thể kéo theo cuộc sống của cả một gia đình bị đảo lộn”. Nghĩ vậy, Cảng tìm mọi cách để liên hệ với người khách bỏ quên tiền. Tuy nhiên do khách hàng vẫy xe mà không gọi qua tổng đài nên Cảng không có thông tin nào để liên hệ. Quyết định không đi làm buổi chiều, Cảng quay lại những nơi đã từng chở vị khách đi qua với hy vọng “anh ấy có thể nhớ ra số tiền và đi tìm”. Hành trình tìm khách trả lại tiền của Cảng bắt đầu. Điểm đầu tiên mà em quay lại là ngõ 180 Trần Duy Hưng, để lại địa chỉ liên lạc cho những người quanh đó, phòng có người tìm đến hỏi. Lòng vòng trên đường Trần Duy Hưng đến quá chiều, Cảng sực nhớ người khách ban trưa có vào ngân hàng ở gần cầu Vĩnh Tuy. Tuy nhiên lúc Cảng đến được ngân hàng thì ngân hàng đã đóng cửa do hết giờ. Cuối cùng, Cảng quyết định ra công an phường Quang Trung, quận Đống Đa, nơi gần chỗ trọ để trình báo. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an quận Đống Đa đã tìm được đúng chủ nhân người bỏ quên tiền. Nhận đúng mặt mũi người bỏ quên, giao tiền, làm xác nhận cùng Công an xong, Cảng cho biết đã hơn 1h sáng ngày 21-10. Kịp nhận lời cảm ơn của người khách lạ, Cảng quay về nhà trong trạng thái vô cùng thoải mái. Chàng trai trẻ sau đó đã viết những suy nghĩ của mình trên facebook cá nhân: “Số tiền này có thể làm thay đổi cuộc sống của mình nhưng nó cũng làm cho cuộc sống của một người đi theo một chiều hướng khác nên trả lại họ là điều phải làm”. Hành động đẹp của Vũ Huy Cảng nhận được sự đồng tình tuyệt đối của gia đình. Khi được em trai gọi điện báo có khách bỏ quên tiền, anh trai Cảng đã khuyên nên trả lại ngay. Bố Cảng biết đọc được thông tin trên mạng đã chạy ngay về nói với mẹ Cảng, “con bà hôm nay làm được một việc tốt lắm nhé. Tôi rất tự hào về con”.

Nhặt được của rơi phải trả người đánh mất

Phòng học lớp 5A3, Trường Tiểu học Chu Văn An, trong giờ Tiếng Việt, cô và trò đều rất chăm chú. Hôm nay, lớp 5A3 học bài “Buôn làng đón cô giáo”, Vũ Văn Đại ngồi nghe giảng chăm chú ở đầu bàn, chốc chốc lại giơ tay xin phát biểu ý kiến. Khuôn mặt thông minh, ngời sáng, cậu học trò nhỏ là niềm tự hào của thầy cô giáo, bạn bè ở trường. Nhiều năm liền, Đại luôn có mặt trong “tốp” đầu những học sinh xuất sắc của Trường Tiểu học Chu Văn An. Ngoài thành tích học tập đáng nể, Đại còn được nhiều người yêu quý bởi bản tính thật thà, chân thật. 13h30 phút ngày 12-4-2017, trên đường đi học, tại khu vực cổng phụ của Trường Tiểu học Chu Văn An, Vũ Văn Đại, học sinh lớp 4A2 nhặt được một cọc tiền trị giá 50 triệu đồng. Cầm cọc tiền, Đại đi nhanh vào trường báo với cô giáo chủ nhiệm và Ban giám hiệu. Trường Tiểu học Chu Văn An đã chuyển ngay thông tin tới Công an phường Thống Nhất. Qua xác minh, Công an phường Thống Nhất xác định anh Phạm Thanh Tùng, 37 tuổi trú tại phường Hạ Long, Thành phố Nam Định chính là chủ nhân của số tiền 50 triệu đồng. Nhà trường cùng với Đại sau đó đã trao lại 50 triệu đồng nhặt được cho người đánh rơi. Chúng tôi hỏi Đại, nhặt được số tiền lớn như vậy, em có thể dùng vào rất nhiều việc như mua đồ dùng học tập, đồ chơi hoặc đưa cho bố mẹ?... Đại nói, cha mẹ con đã dạy, nhặt được của rơi phải trả người đánh mất. Số tiền lớn thế này, ai cũng phải vất vả mới làm ra được. Nếu không trả lại, chắc người mất “buồn lắm”. Câu trả lời vừa hồn nhiên vừa sâu sắc của Đại nhận được sự đồng tình tán thưởng của bạn bè trong lớp bằng những tràng vỗ tay bất tận. Qua khung cửa lớp học, nắng mùa đông chiếu xiên vào những khuôn mặt ngây thơ làm chúng tôi có cảm giác vui lây. Chia sẻ về học trò “cưng”, cô Nguyễn Ngọc Châm, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 4 của Đại nhận xét: “Đại là học sinh rất ngoan ngoãn, biết nghe lời thầy cô giáo. Đại học rất giỏi, nhất là môn Toán học. Ngoài giờ học, Đại còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi trí tuệ do nhà trường tổ chức. Em từng đạt giải Nhì cờ vua cấp trường”. Tự hào về việc làm của học sinh, cô Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thêm: “Đại không phải là học sinh đầu tiên trong trường nhặt được của rơi trả người đánh mất. Tuy nhiên, em là trường hợp đầu tiên nhặt được số tiền lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Bên cạnh việc quan tâm đến chất lượng học tập, những năm qua, để giúp học sinh phát triển toàn diện, nhà trường luôn đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động ngoại khóa, các tiết chào cờ đầu tuần, lồng ghép trong những giờ học, sinh hoạt lớp, sinh hoạt sao... Vì vậy, hầu hết học sinh đều có ý thức chấp hành tốt nội quy, kỷ luật, đặc biệt là tinh thần tự giác nhặt được của rơi trả người đánh mất. Từ hành động của em Đại, nhà trường cũng đã phối hợp với Công an tỉnh phát động thành phong trào “làm nghìn việc tốt” nhân rộng ở các trường học trong tỉnh”.

“Một năm bắt đầu từ mùa xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ”. Với những người trẻ như Vũ Huy Cảng, Vũ Văn Đại, chúng ta có quyền tin tưởng vào nhiều điều tốt đẹp vẫn tồn tại trong cuộc sống này. Cũng như tin rằng, ở những con người trẻ ấy, tấm lòng thảo thơm của họ sẽ là hành trang tốt giúp mở muôn vàn những cánh cửa đẹp đẽ, thiện lương vào đời./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com