Vụ Bản tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dân số

08:01, 29/01/2018

Năm 2017, Trung tâm Dân số - KHHGĐ Vụ Bản phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong huyện đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng dân số.

Cán bộ dân số và cộng tác viên dân số xã Trung Thành trao đổi kinh nghiệm truyền thông CSSKSS-KHHGĐ.
Cán bộ dân số và cộng tác viên dân số xã Trung Thành trao đổi kinh nghiệm truyền thông CSSKSS-KHHGĐ.

Đồng chí Lương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cho biết: Trong giai đoạn “già hóa dân số” hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng dân số đang đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn biến phức tạp; nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỷ lệ cao dẫn đến những thách thức không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu giảm sinh ở các địa phương trong huyện. Để nâng cao chất lượng dân số, UBND huyện đã ban hành kế hoạch “Thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản huyện Vụ Bản giai đoạn 2016-2020”. Đồng thời, chỉ đạo 18 xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị lồng ghép xây dựng chỉ tiêu về dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số, huy động nhiều nhóm đối tượng tham gia. Cụ thể, triển khai tích cực Kế hoạch 118 của UBND tỉnh về Đề án “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên”; Kế hoạch 48 của UBND tỉnh về “Truyền thông chuyển đổi về hành vi dân số và phát triển”; Kế hoạch số 47 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh giai đoạn 2017-2025. Nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ KHHGĐ tại chỗ, thuận lợi và an toàn cho người dân, hệ thống dân số - KHHGĐ các cấp phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện kỹ thuật dịch vụ cho các đối tượng có nhu cầu. Toàn huyện hiện có 38.548 trẻ dưới 16 tuổi, chiếm trên 25% dân số, trong đó có 16.800 trẻ em dưới 6 tuổi. Tháng hành động nhân Ngày Dân số Việt Nam năm 2017, hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh được duy trì tại 18 xã, qua đó, phát hiện sớm trẻ nghi ngờ thiếu men G6PD, kịp thời tư vấn cho gia đình cách chăm sóc, điều trị tại cơ sở y tế. Mô hình tư vấn và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi dựa vào cộng đồng tiếp tục được duy trì; lồng ghép với các hoạt động truyền thông tại các địa phương nhân Ngày quốc tế Người cao tuổi (1-10) và Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam. Hằng năm, huyện mở 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ tại các xã, thị trấn. Xã Trung Thành có trên 1.800 hộ với trên 6.100 khẩu. Xác định công tác dân số - KHHGĐ có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Đảng ủy, UBND xã Trung Thành đã tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số. Các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… ở 13 xóm đều thành lập và duy trì hoạt động “CLB tiền hôn nhân”, “CLB gia đình hạnh phúc”, “CLB không có người sinh con thứ 3”... Chị Lê Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Dân số xã, Hội Phụ nữ xã xây dựng các chỉ tiêu và tiêu chí, tổ chức ký giao ước thi đua và ký cam kết “Không sinh con thứ 3 trở lên, không lựa chọn giới tính thai nhi” với hội viên ở 13 chi hội và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Năm 2017, toàn xã có 752 chị em ký cam kết không sinh con thứ 3 trở lên và thực hiện tốt chính sách dân số. Thời gian qua, các Chi hội Phụ nữ cùng với đội ngũ cộng tác viên dân số ở địa phương hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác dân số - SKSS/KHHGĐ; nhất là giảm thiểu tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; hạn chế tỷ lệ sinh con thứ 3. Hiện tại, sức khỏe của người dân trong xã đã được cải thiện đáng kể; 100% bà mẹ và trẻ em được chăm sóc sức khỏe sau sinh; 100% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ; tỷ lệ giới tính khi sinh đạt mục tiêu đề ra là 110 cháu trai/100 cháu gái; quy mô gia đình nhỏ từ 1-2 con được đông đảo các cặp vợ chồng trẻ thực hiện. Tại Thị trấn Gôi, thời gian qua, Ban Dân số - KHHGĐ thị trấn xây dựng kế hoạch hành động với mục tiêu: Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng SKSS, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Các hoạt động hưởng ứng được tổ chức thiết thực, tập trung vào tổ chức chiến dịch truyền thông về công tác dân số - KHHGĐ, thực trạng già hoá dân số, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh; 100% tổ dân phố đã đưa nội dung dân số - KHHGĐ vào quy ước, hương ước tổ dân phố; tuyên truyền nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình trong độ tuổi sinh đẻ và vị thành niên, thanh niên. Các nội dung tuyên truyền, tư vấn đa dạng, phong phú tập trung vào các biện pháp tránh thai, kiến thức về làm mẹ an toàn, các bệnh lây qua đường tình dục, phương pháp tránh thai ngoài ý muốn. Thị trấn đã thành lập 4 CLB “Các bà mẹ có con tuổi vị thành niên” với tổng số trên 530 thành viên; 5 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc” thu hút hơn 300 thành viên. Quy mô gia đình nhỏ (từ 1-2 con) được đông đảo các cặp vợ chồng trẻ chấp nhận; 100% các bà mẹ mang thai được cán bộ, nhân viên y tế thị trấn chăm sóc, theo dõi theo quy định. Toàn thị trấn có 100% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 11%; tỷ lệ giới tính khi sinh đạt mục tiêu đề ra là 112 cháu trai/100 cháu gái. Trẻ em dưới 60 tháng tuổi đều có biểu đồ và sổ theo dõi sức khỏe tại trạm y tế thị trấn.

Năm 2018, để nâng cao chất lượng dân số huyện Vụ Bản đề ra 9 mục tiêu cụ thể và 6 nhóm giải pháp cơ bản là: Duy trì tốc độ giảm sinh trung bình mỗi năm đạt 0,1%; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 xuống còn 10%; tổng tỷ suất sinh đạt 2,1 con; phấn đấu đến năm 2020 quy mô dân số không quá 140 nghìn người; tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh lên 50%, tỷ lệ sản phụ được cán bộ y tế chăm sóc đạt 100%. Trên 80% phụ nữ có kiến thức về sàng lọc trước sinh, sơ sinh; 80% số người cao tuổi có kiến thức về chăm sóc sức khỏe một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi; 90% nam, nữ độ tuổi sinh đẻ có kiến thức về nguyên nhân, hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh. Cải thiện SKSS của vị thành niên và thanh niên. Đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn để mọi người gắn quyền sinh sản với nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện KHHGĐ, xây dựng gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com