Phụ nữ xã Xuân Phong với nghề đan cói truyền thống

07:01, 11/01/2018

Xã Xuân Phong (Xuân Trường) có 2.886 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó số hội viên là 2.411 người, sinh hoạt tại 18 chi hội. Với đặc thù là xã thuần nông, ít có ngành nghề phụ nên sau những ngày lao động mùa vụ, nhiều chị em phụ nữ trong xã thường rời quê lên các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bên cạnh mang lại hiệu quả về kinh tế, cuộc sống của mỗi gia đình cũng bị đảo lộn khi thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người phụ nữ. Xuất phát từ thực tế đó, Ban Thường vụ Hội LHPN xã luôn trăn trở làm thế nào để chị em có việc làm ngay tại quê hương. Sau nhiều lần khảo sát, nghiên cứu tình hình thực tế, Ban Thường vụ Hội LHPN xã quyết định thành lập “Mô hình đan cói truyền thống góp phần xây dựng NTM” tại địa phương.

Hội viên phụ nữ xóm 4, xã Xuân Phong kiểm tra chất lượng sản phẩm ró cói.
Hội viên phụ nữ xóm 4, xã Xuân Phong kiểm tra chất lượng sản phẩm ró cói.

Chị Nguyễn Thị Kim Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Cách đây hơn 30 năm, bà con nhân dân xã Xuân Phong nói chung, làng Thọ Vực nói riêng đã có nghề đan cói với nhiều sản phẩm rất phong phú, đa dạng: Từ những bao manh dùng để đựng lương thực, thực phẩm đến cặp sách cho học sinh; mũ đội đầu, áo manh để người lao động, các em học sinh che nắng, mưa và giá rét; bị, vỉ cói để chị em phụ nữ dùng để đi chợ… Cùng với sự phát triển của xã hội, các sản phẩm nghề đan cói không còn phù hợp và được thay thế bởi cặp da, bao bì, túi ni lông, mũ thời trang hiện đại. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển là ngày càng có nhiều người mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo mà một trong những nguyên nhân là do yếu tố môi trường bị hủy hoại bởi các vật dụng như túi ni lông, đồ dùng bằng nhựa tái chế trong gia đình không đảm bảo. Vì vậy, thời gian qua, các sản phẩm ró cói để sử dụng làm đồ dùng hằng ngày trong gia đình vừa đảm bảo sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa thân thiện với môi trường được người dân đón nhận sử dụng trở lại. Ró cói hiện tại không chỉ người Việt Nam biết đến và sử dụng mà còn được ưa chuộng ở thị trường các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu. Từ nhu cầu thực tế đó, năm 2016, Hội LHPN xã và hội viên Nguyễn Thị Mai Thoa, chi hội 4 đã trực tiếp xuống tham quan mô hình đan ró tại Cty Minh Nhung, xã Xuân Phú. Qua tham quan thấy mô hình rất hiệu quả, phù hợp với cán bộ hội viên phụ nữ, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với Cty Minh Nhung đưa nghề đan cói trở về địa phương. Để đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật của sản phẩm ró cói xuất khẩu, Hội LHPN xã đã phối hợp với Cty Minh Nhung tổ chức các lớp dạy nghề thu hút gần 50 chị em tham gia. Thuận lợi lớn nhất là Cty Minh Nhung trực tiếp cung cấp nguyên liệu, tạo điều kiện cho chị em, đồng thời cho chị em mượn máy quay cói thủ công. Để làm ra sản phẩm, quy trình trải qua 4 bước gồm: ngâm phơi và chọn cói, quay cói, đan, bứt đầu. Thời gian đầu triển khai mô hình gặp không ít khó khăn bởi đã hơn 30 năm, nghề đan cói không còn tồn tại cho nên số người giỏi về nghề đan cói rất ít. Chính vì vậy, Hội LHPN xã đã tổ chức họp với 7 chi hội phụ nữ làng Thọ Vực để triển khai hoạt động đan cói, mời cán bộ Cty về trực tiếp dạy chị em phụ nữ kỹ thuật đan ró; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động mô hình trên hệ thống đài truyền thanh xã và đặc biệt chính từ các bà, các chị có kinh nghiệm đan cói từ những năm trước. Qua kết quả thực tế cho thấy, đan cói phù hợp với điều kiện sức khỏe của chị em phụ nữ; từ trẻ nhỏ đến các cụ cao tuổi đều có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, mọi lúc mọi nơi để đan; sản phẩm không phải lo đầu ra do Cty đến tận nơi thu mua. Ró được bán với giá từ 38 nghìn đồng/sản phẩm kích thước 38cm, 50 nghìn đồng/sản phẩm kích thước 42cm, bình quân mỗi chị làm được từ 3-5 cái ró/ngày với thu nhập từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày. Từ thu nhập của nghề đan ró cói, nhiều hội viên, phụ nữ đã dành dụm tiền để sửa chữa nhà, mua trang thiết bị dụng cụ gia đình. Tiêu biểu như bà Thoa, xóm 4 dành số tiền 25 triệu đồng từ đan cói để sửa chữa lại ngôi nhà. Các bà, các chị đã có thêm khoản thu nhập, chủ động về kinh tế để cải thiện cuộc sống cho chính bản thân và gia đình, hoàn thành các khoản đóng góp của địa phương, tích cực hưởng ứng các phong trào của xóm đội, phong trào phụ nữ, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Với hiệu quả thiết thực của mô hình đan ró cói, đến nay, toàn xã đã có trên 200 hộ gia đình tham gia. Để gắn kết tình cảm đoàn kết, chia sẻ, các chị đã thành lập quỹ tình nghĩa, đóng góp 100 nghìn/đồng/người để thăm hỏi, động viên nhau khi có việc hiếu, hỷ, ốm đau, khó khăn và hỗ trợ kinh phí giúp đỡ những người chưa có BHYT mua BHYT “Vì sức khỏe bản thân và gia đình”. 6 tháng đầu năm 2017, đã có 86 chị là thành viên tổ đan cói mua BHYT/236 chị em được Hội giúp đỡ mua BHYT; đặc biệt chị em đã góp tiền mua  BHYT tặng chị Phạm Thị Hòa, hội viên chi Hội Phụ nữ xóm 4 đơn thân, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Với phương châm “cho cần câu thay vì cho xâu cá”, từ khi có nghề đan ró cói, chị em phụ nữ xã Xuân Phong đã có việc làm ổn định tại địa phương, từ đó có điều kiện chăm sóc nuôi dạy con, thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần tích cực trong phong trào “Phụ nữ Xuân Trường chung sức xây dựng NTM”./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com