Người lưu giữ hồn cốt gốm Bát Tràng

08:12, 08/12/2017

“Hồi nhỏ, tôi có thói quen hay la cà ở nhà các bác, các chú, “hầu” các cụ chuyện điếu đóm, nước non. Trong những cuộc “trà dư tửu hậu” như thế, tôi được nghe các cụ bàn kể về nhiều thú chơi tao nhã như chim muông, cá, cây cảnh, sưu tầm đồ gốm sứ… Lâu dần những thứ đó ngấm vào máu thịt. Tôi nghĩ, nếu sau này có điều kiện, nhất định tôi cũng muốn sưu tầm thứ gì đó, trước hết là làm “giàu có” đời sống tinh thần của chính bản thân, sau nữa là góp phần giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa của dân tộc”. Với tâm niệm như thế, ông Trần Đức Cự, số nhà 137, đường Thái Bình, phường Lộc Hạ (TP Nam Định) đã dành hơn 1/3 thời gian cuộc đời để góp nhặt, sưu tầm đồ gốm sứ Bát Tràng. Tình yêu đó của ông giờ đây vẫn tiếp tục được “thắp lửa” đưa ông đến nhiều miền đất nước để giới thiệu, trao đổi các cổ vật gốm Bát Tràng quý giá.

Ông Trần Đức Cự, số nhà 137, đường Thái Bình, phường Lộc Hạ, Thành phố Nam Định bên bộ sưu tập gốm sứ Bát Tràng.
Ông Trần Đức Cự, số nhà 137, đường Thái Bình, phường Lộc Hạ, Thành phố Nam Định bên bộ sưu tập gốm sứ Bát Tràng.

Yêu thích đồ gốm sứ cổ từ những ngày còn bé nhưng cách đây khoảng hai chục năm, ông Cự mới có điều kiện nghĩ đến việc sưu tầm. “Trong một lần đi chơi đến nhà người bạn, tôi bắt gặp 1 chiếc điếu bát con voi bằng gốm Bát Tràng rất đẹp. Tôi lân la hỏi thăm để mua. Ông cụ bố bạn tôi không bán nhưng vì quá quý tôi, cụ đề nghị, nếu mua cho cụ 2 chiếc điếu bát khác, 1 cái để dùng trong nhà, 1 cái cụ mang theo ra đồng lúc đi cày thì cụ sẽ tặng lại chiếc điếu bát con voi mà tôi thích. Nghe cụ nói vậy, tôi vội vã ra chợ mua ngay 2 chiếc điếu bát khác để đổi lấy chiếc điếu bát con voi”, ông Cự kể thêm về cái duyên đưa ông đến con đường sưu tầm đồ gốm Bát Tràng chuyên nghiệp. Bắt đầu từ những món be bé, có giá trị nhỏ, sau này do cái “duyên” của người sưu tầm, ông Cự gặp được nhiều món đồ gốm Bát Tràng quý giá khác. Gốm Bát Tràng có lịch sử hàng nghìn năm, được hình thành từ đời nhà Lý. Sử sách ghi lại, năm 1010, khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hóa ngoại (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đ?t l?p nghi?p. ??n B?ch Th? ph??ng thu?c huy?n Gia L?m, ph? Thu?n An (nay l? x? B?t Tr?ng, huy?n?ất lập nghiệp. Đến Bạch Thổ phường thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), 5 dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng. Do nhu cầu phát triển của kinh thành Thăng Long lúc bấy giờ, nhiều thương nhân, thợ thủ công từ các nơi tìm về Thăng Long lập nghiệp. Sự ra đời và phát triển của Thăng Long đã tác động mạnh đến hoạt động kinh tế của các làng xung quanh, trong đó có làng Bát Tràng. Đặc biệt vùng này lại có nhiều đất sét trắng, một nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất đồ gốm. Những đợt di cư tiếp theo đã biến Bát Tràng từ một làng gốm bình thường trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng được triều đình chọn cung cấp làm đồ cống phẩm. Gốm Bát Tràng từ đó phát triển rực rỡ qua các thời kỳ, ở mỗi giai đoạn lại có những đặc điểm khác nhau về loại hình, cách trang trí, dòng men… Tuy nhiên, hầu hết đồ gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Do tính chất của các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay, cùng với việc sử dụng các loại men khai thác trong nước nên theo ông Cự, đồ gốm Bát Tràng có đặc điểm là cốt đầy, chắc và khá nặng, lớp men thường ngả màu ngà, đục. Bát Tràng cũng là làng gốm hình thành được các dòng men riêng từ loại men ngọc, nâu, trắng cho đến men rạn với cốt gốm xốp có màu xám nâu...

Say mê gốm Bát Tràng, say mê tài hoa nghệ sĩ của những người thợ thủ công xưa, đến nay sau nhiều năm dày công tìm kiếm, ông Cự có bộ sưu tập gốm Bát Tràng với khoảng 50 sản phẩm, chủ yếu thuộc đời nhà Lê, số ít thuộc đời nhà Nguyễn với nhiều món đồ như: lọ, thống, lai, nậm, tì bà, bình vôi, điếu bát, bát, đĩa… Trong bộ sưu tập của ông Cự có những món đồ rất quý hiếm, khó tìm như đôi thống đời nhà Lê có kích thước lớn với đường kính 40 phân, chiều cao 40 phân, sử dụng men dội rớt mật ong rất đẹp. Thân thống được trang trí họa tiết lá đề, trên miệng có 2 đường chuyện hoa cúc dây. Giữa thân thống bổ ô đắp nổi hoa mẫu đơn… Đây chỉ là một trong ít đôi thống còn lại trong cả nước vô cùng quý hiếm do có kích thước lớn, khác lạ. Vì theo ông Cự, thợ thủ công xưa thường chỉ nhận đúc những sản phẩm nhỏ và vừa dùng cho sinh hoạt. Với đôi thống này, ông Cự cũng như nhiều nhà sưu tầm cổ vật nhận định người xưa sản xuất theo đơn hàng đặt hoặc tiến cúng. Ngoài đôi thống đời Lê, hiện ông Cự còn lưu giữ được 1 cái lai (bình) đời Lê là đồ tiến cúng dùng trong cung đình rất hiếm. Ở giữa thân lai, nghệ nhân đắp nổi hình đầu long mình mã, miệng ngậm bát quái (trấn trạch). Hình đắp nổi được chau chuốt kỹ lưỡng đến từng chi tiết như mình con ngựa, lông đuôi ngựa… Bên cạnh là tảng vân màu vàng được đắp như hình bản đồ Việt Nam, thể hiện sự thâm thúy khẳng định chủ quyền, lai lịch của món đồ. Đặc biệt, nước men trên thân lại đạt đến kỹ thuật hoàn mỹ. Theo đó, người thợ thủ công sử dụng kỹ thuật men phun, dùng ống thổi thổi men lên thân gốm. Do đó, khi quan sát kỹ nước men trên sản phẩm có cảm giác rất… mơ màng, sương khói. Ngoài 2 món đồ trên, ông Cự còn rất tâm đắc với cái nậm hai bầu đời Lê đắp nổi tích Long vân khánh hội (rồng đi hội) sử dụng men rạn bóng kính hay đôi lọ thế kỷ 19 vẽ tích Tam cố thảo lư (Anh em Lưu Bị 3 lần đến lều cỏ cầu Khổng Minh) sử dụng men bóng kính… Là một người chơi đồ cổ “kỹ tính”, ông Cự bị hấp dẫn bởi những thứ rất riêng chỉ có ở gốm Bát Tràng. Ông nói vui: “Nếu ví gốm sứ Trung Hoa như một cô gái thị thành đẹp “bong” ra ngoài, phô diễn được hết vẻ mỹ miều thì gốm Bát Tràng lại như một cô thôn nữ, e ấp, giản dị, thuần phác mà không kém phần sắc nét trong những đường cắt ngọt, sắc. Đặc biệt cách pha men của những người thợ thủ công xưa với nước men tự nhiên, đặc trưng cho cái nhìn êm dịu, trầm ấm”. Có lẽ vì quá say mê nên mặc dù còn có bộ sưu tầm gốm sứ xanh trắng Trung Quốc với khoảng 50 sản phẩm gồm lộc bình, lọ hoa, quả dành, đùi dế, ban mai, đĩa, cốc, chén… quý song ông Cự vẫn yêu mến bộ sưu tập gốm Bát Tràng hơn cả. Cũng theo ông, vì đây là tinh hoa của dân tộc nên rất cần được giữ gìn, bảo tồn. Chính vì thế, mặc dù lưu giữ nhiều sản phẩm đồ gốm Bát Tràng quý, mỗi khi có dịp, ông Cự không ngại vận chuyển, mang đến nhiều bảo tàng để trưng bày, giới thiệu với bạn bè, anh em, những người có chung niềm đam mê, quan tâm đến gốm Bát Tràng.

Nặng lòng với gốm Bát Tràng, vào nhà ông Cự, người xem như được lạc vào một thế giới tĩnh của những đồ gốm mộc mạc có niên đại nghìn năm. Có những món đồ còn minh văn, có những món được trang trí theo các tích xưa, có món thu hút người nhìn chỉ bằng một màu men mộc, thuần phác. Cũng có món thậm chí bị sứt sẹo ít nhiều. Món nào cũng được ông Cự quý trọng, nâng niu, không nỡ rời xa như cái “duyên” của người chơi gặp được tri âm, tìm đến nhau qua bao dâu bể, biến thiên cõi người. Cứ như thế, một cách lặng lẽ, gốm và người có sự kết nối, nhân duyên đến nhiều đời sau nữa./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com