Xuân Trường đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

09:12, 04/12/2017

Xác định rõ giải quyết tốt vấn đề việc làm là góp phần bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua huyện Xuân Trường đã tập trung chỉ đạo, đề ra các biện pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT).

Cty TNHH May T&C xã Thọ Nghiệp tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 400 lao động.
Cty TNHH May T&C xã Thọ Nghiệp tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 400 lao động.

Với thế mạnh nguồn lao động dồi dào, có nhiều ngành nghề truyền thống, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, Huyện ủy, UBND huyện Xuân Trường đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Đề án 1956, tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác dạy nghề cho LĐNT. UBND huyện đã xây dựng, triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, chỉ đạo các ngành chức năng, các đoàn thể, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người lao động, Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành chức năng, các xã, thị trấn tiến hành rà soát nhu cầu học nghề và việc làm của người lao động. Theo thống kê, hằng năm toàn huyện có khoảng 1.800 lao động có nhu cầu học nghề sơ cấp. Bên cạnh đó, Đài Phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề để thu hút người lao động học nghề. Các đoàn thể từ huyện đến cơ sở trực tiếp tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Căn cứ Kế hoạch số 69/KH-UBND, ngày 18-7-2017 của UBND tỉnh về đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho LĐNT năm 2017 và nhu cầu học nghề của người lao động, Ban Chỉ đạo Đề án 1956 của huyện đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB và XH, Phòng NN và PTNT lựa chọn các đơn vị đào tạo, thẩm định các điều kiện hoạt động dạy nghề theo quy định, ký hợp đồng với các đơn vị đào tạo nghề có đủ năng lực như: Trung tâm Dạy nghề Xuân Trường, Trung tâm Dạy nghề Thanh niên khu vực sông Hồng. Các đơn vị đào tạo nghề tổ chức tuyên truyền, tư vấn người lao động đăng ký học nghề phù hợp với điều kiện, năng lực bản thân và giới thiệu những nghề thị trường lao động đang cần; tuyển sinh, mở các lớp đào tạo nghề theo đúng quy định, trong đó ưu tiên dạy nghề cho đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo và hộ cận nghèo, người khuyết tật và lao động ở các hộ thu hồi đất canh tác. Trong khuôn khổ Đề án 1956, năm 2017, huyện Xuân Trường được giao chỉ tiêu đào tạo nghề sơ cấp cho 290 LĐNT. Tính đến hết tháng 11, các đơn vị đã và đang đào tạo nghề cho 245 lao động, gồm: 1 lớp nghề trồng cây lương thực, thực phẩm (35 học viên), 1 lớp nghề chăn nuôi lợn sinh sản (35 học viên), 4 lớp nghề may công nghiệp (140 học viên) và 1 lớp cơ khí hàn (35 học viên). Trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, Ban Chỉ đạo Đề án 1956 huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, đào tạo chất lượng, hiệu quả. Sau khóa học, các học viên học nghề nông nghiệp đã vận dụng kiến thức được học áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tăng năng suất, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Huyện tổ chức ký kết 3 bên gắn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và đơn vị dạy nghề với người lao động. Do vậy, 100% học viên sau đào tạo được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và có thu nhập ổn định. Ngoài ra, huyện trích ngân sách 170 triệu đồng hỗ trợ kinh phí tổ chức 3 lớp đào tạo nghề cho 150 lao động nông thôn. Ở các làng nghề, CCN địa phương, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có tổ chức dạy nghề theo hình thức truyền nghề trực tiếp cho lao động. Thông qua các loại hình đào tạo, từ đầu năm đến nay, có trên 3.000 lao động được học nghề, trong đó có gần 500 lao động được hưởng chính sách hỗ trợ, giúp người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành chức năng, đoàn thể, công tác đào tạo nghề cho LĐNT của huyện Xuân Trường đã đạt hiệu quả cao. Sau khi học nghề, nhiều người đã mở rộng được quy mô nuôi trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Theo thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 92%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 5,1% (năm 2016) xuống còn 3,53%. Thời gian tới, huyện Xuân Trường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, tư vấn hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Tăng cường công tác rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định và bền vững./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com