Mô hình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ở Giao Thanh

08:12, 25/12/2017

Xã Giao Thanh (Giao Thủy) là vùng quê thuần nông, có dân số 7.250 người, trong đó có 1.810 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25% dân số. Thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020, được sự chỉ đạo của Sở LĐ-TB và XH, từ năm 2016, xã Giao Thanh đã triển khai mô hình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện mô hình gồm lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của xã, do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở 10 xóm của xã. BCĐ thực hiện mô hình đã xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm ngăn ngừa trẻ em bị tai nạn thương tích. Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB và XH) phối hợp với UBND xã tổ chức tập huấn cho các thành viên BCĐ, đội ngũ cộng tác viên, cán bộ các ban, ngành, đoàn thể trong xã về nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; nội dung hoạt động của mô hình. Xã đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, 10 nhóm quyền của trẻ em theo luật, hậu quả khi trẻ em bị tai nạn thương tích và cách phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em trên hệ thống đài truyền thanh, lồng ghép nội dung bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong các cuộc họp của xã, các ngành, đoàn thể và các xóm; kết hợp tuyên truyền trực tiếp thông qua đội ngũ cộng tác viên đến từng gia đình, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với tuyên truyền, xã đã tổ chức cho các gia đình có trẻ em tự nguyện ký cam kết đảm bảo ngôi nhà an toàn với trẻ em. Đội ngũ công tác viên thường xuyên tổ chức rà soát, phát hiện các gia đình, các điểm có nguy cơ cao gây tai nạn thương tích cho trẻ em tại cộng đồng. Từ khi triển khai mô hình đến nay, đã phát hiện 154 gia đình có nguy cơ cao gây tai nạn thương tích cho trẻ em và 53 điểm có nguy cơ cao gây tai nạn thương tích cho trẻ em tại cộng đồng. Xã đã tổ chức lắp đặt biển báo hiệu nguy hiểm, lắp đặt hàng rào chắn những khu vực nguy hiểm nơi công cộng, tổ chức tư vấn, hướng dẫn cho 830 lượt hộ gia đình có trẻ em và 1.120 lượt trẻ em về cách phòng chống tai nạn thương tích cụ thể như: phòng, chống tai nạn đâm, cắt; tai nạn do ngộ độc các loại; tai nạn do súc vật cắn; tai nạn do điện giật; tai nạn bạo lực; tai nạn do bom mìn, vật liệu nổ; tai nạn đuối nước và các loại tai nạn thương tích trẻ em khác. Các gia đình đã đầu tư sửa chữa, lắp đặt rào chắn đảm bảo an toàn xung quanh nhà; an toàn các phòng trong nhà; đảm bảo an toàn về điện; đường đi vào nhà và sân quanh nhà phải phù hợp, không trơn trượt và an toàn cho trẻ em; xung quanh ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực nhà ở phải có hàng rào chắc chắn; giếng nước, bể nước hoặc các đồ dùng chứa nước khác phải có nắp đậy an toàn. Xung quanh ngôi nhà được phát quang; những dụng cụ, đồ dùng nguy hiểm hoặc vật chứa chất độc hại nguy hiểm phải để trong kho chứa đồ an toàn; cửa sổ có chấn song, các thanh dọc chắc chắn và khoảng cách đảm bảo trẻ không chui qua được. Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi và phải có hộp hay lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn. Phích nước phải có hộp đựng hoặc dây đai giữ và để ở vị trí an toàn ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi. Các loại thuốc được để trong tủ đựng thuốc và để ở vị trí ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi… Bên cạnh đó, các trường tiểu học, THCS tuyên truyền cho học sinh những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; các quyền cơ bản của trẻ em cũng như nghĩa vụ của trẻ em trong gia đình và xã hội; tổ chức cho các em vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; trang bị cho các em kỹ năng sống, giáo dục giới tính, phòng, chống xâm hại tình dục, tai nạn thương tích, kỹ năng tự bảo vệ. UBND xã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trẻ mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được UBND xã, các nhà trường và đoàn thể quan tâm chăm lo như miễn giảm học phí, tặng sách vở, đồ dùng học tập; trẻ sinh ra được đăng ký khai sinh đúng thời hạn, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT. Trạm y tế xã triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em, hướng dẫn các bà mẹ nuôi con khỏe, dạy con ngoan, khai thác nguồn lương thực, thực phẩm sẵn có trong gia đình và cách chế biến thức ăn phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ theo từng độ tuổi… Nhờ đó, các chỉ tiêu về sức khỏe của trẻ em được cải thiện, chất lượng khám, chữa bệnh cho trẻ em ngày càng được nâng cao. 100% số trẻ em trong độ tuổi được tiêm đầy đủ 6 loại vắc-xin cần thiết theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ em từ 6-36 tháng được uống vitamin A phòng khô mắt vào ngày 1-6 hằng năm; 100% học sinh mẫu giáo, tiểu học, THCS được khám sức khỏe định kỳ, được khám và điều trị các bệnh về răng, mắt, được giáo dục giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh môi trường. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn dưới 10%. Trẻ em trong xã đều được đi học đúng độ tuổi; hệ thống trường lớp, khu vui chơi của trẻ em được quan tâm đầu tư, cải tạo, đáp ứng nhu cầu học tập vui chơi của trẻ em. Vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Tết Trung thu, Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, xã đều tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức cắm trại với nhiều hoạt động phong phú… tạo sân chơi hấp dẫn, bổ ích cho trẻ em.

Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, sự tham gia tích cực của nhân dân, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như mô hình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em của xã Giao Thanh đã được triển khai đồng bộ với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em tại gia đình và tại cộng đồng. Tình hình tai nạn thương tích trẻ em đã giảm cả về số lượng và mức độ; phát hiện và xử lý kịp thời các điểm có nguy cơ cao gây tai nạn thương tích tại gia đình, cộng đồng. Theo thống kê, trong năm 2016, trên địa bàn xã còn xảy ra 9 vụ tai nạn thương tích trẻ em, gồm: 1 vụ trẻ em bị bỏng, 2 vụ trẻ em bị hóc, 2 trẻ em bị tai nạn do cắt, 1 trẻ em còn bị bạo lực, 2 trẻ em bị ngộ độc, 1 trẻ em bị điện giật. Trong đó có 3 trẻ em bị thương tích nghiêm trọng cần sự chăm sóc và hỗ trợ của cơ quan y tế. Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã không còn xảy ra các vụ tai nạn thương tích trẻ em, không có tình trạng trẻ em lao động nặng nhọc, độc hại, không gây nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất; không có tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực gia đình; không có trẻ em vi phạm pháp luật, không có trẻ em nghiện ma túy hoặc sử dụng ma túy… Đây là mô hình đem lại hiệu quả thiết thực cần được nhân rộng ở các địa phương nhằm huy động cả cộng đồng tham gia xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em./.

Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com